Bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích: Lường trước tác động của con người, thiên nhiên

HIỀN VIÊN (thực hiện) 23/11/2015 09:27

Được đánh giá là làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích song những công trình này ở Quảng Nam vẫn luôn đối diện với nguy cơ xuống cấp trước tác động của thiên nhiên và con người. Nhân Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23.11), chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL về một số vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị di sản, di tích.

P.V :Thuộc diện “tài sản” đặc biệt nên di sản, di tích luôn đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của chính quyền cho đến cộng đồng. Vậy thời gian qua cơ quan quản lý và cộng đồng đã “ứng xử” như thế nào với các di sản, di tích trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông Đinh Hài: Di sản là vốn quý của đất nước, vì vậy mà ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh bảo vệ các di sản văn hóa vào ngày 23.11.1945. Trong 70 năm qua, những chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa là nhất quán và luôn được đặt ra một cách đúng mức trong quá trình thực hiện công cuộc kiến thiết đất nước. Quan điểm này cho đến nay vẫn được thực thi một cách nghiêm túc và thật sự đi vào đời sống xã hội…

Với Quảng Nam những năm qua, công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được thực hiện tích cực. Cùng với hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận 2 Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn; đề nghị Nhà nước công nhận 2 di sản văn hóa đặc biệt cùng hàng trăm di tích văn hóa cấp quốc gia, trong đó có 7 di sản văn hóa phi vật thể; tỉnh cũng đã xếp hạng trên 300 di tích cấp tỉnh… Cùng với đó, hàng loạt di tích trên địa bàn tỉnh cũng đã được trùng tu. Đây là vấn đề đòi hỏi cả quá trình, gắn liền với các yêu cầu nghiêm ngặt về trùng tu, đảm bảo tính chân xác, không tổn hại đến di tích, và tuyệt đối không vội vã…

Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn thu hút du khách. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn thu hút du khách. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Ở góc độ cộng đồng, Quảng Nam cũng được xem là khá thành công khi đã huy động được sự tham gia, đóng góp không nhỏ của các tổ chức kinh tế, nhân dân để trùng tu các di tích. Con số này chiếm khoảng từ 1/3 đến một nửa số kinh phí trùng tu di tích ở Quảng Nam. Và thực tế không có dấu hiệu xâm hại nào đối với di sản. Điều này phần lớn nhờ vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, học sinh… Ngược lại, di sản cũng đã có những đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua sự phát triển của ngành kinh tế du lịch. Điều này chứng minh rằng: dựa vào di sản là điều kiện cần thiết, tất yếu trong quá trình phát triển du lịch của tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch để nhằm tạo ra sự phát triển bền vững cho du lịch gắn với bảo tồn các giá trị di sản…

P.V: Tuy vậy, nhiều di sản, di tích ở Quảng Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ bị tác động của con người và thiên nhiên, công tác bảo tồn được định hướng và triển khai như thế nào?

Ông Đinh Hài: Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, xã hội hiện đại sẽ làm mai một một số giá trị của quá khứ. Ví như trong kiến trúc nhà ở thì luôn đối diện với mâu thuẫn giữa tiện nghi của đời sống hiện đại và việc gìn giữ giá trị quá khứ. Hay như trong lĩnh vực nghệ thuật, nhiều loại hình nghệ thuật mới xâm nhập, dễ làm quên lãng nghệ thuật truyền thống. Ở góc độ văn hóa vật thể, di sản văn hóa luôn chịu sự tác động của tự nhiên và con người… Đây là vấn đề không chỉ riêng Quảng Nam hay Việt Nam, mà gần như là vấn đề toàn cầu…

Trong khả năng có được, chúng ta đã đề ra các giải pháp có tính lâu dài để chủ động trước các áp lực của biến đổi khí hậu, những tác động của con người trong quá trình “chung sống” với di sản. Để hạn chế những tác động của thiên nhiên và con người đối với di sản, đặc biệt như Mỹ Sơn, Hội An thì cần có nhiều chính sách phù hợp, linh hoạt, đảm bảo tính bền vững của các di tích. Từ khi tái lập tỉnh, Quảng Nam cũng đã đặt vấn đề bảo tồn và trùng tu nghiêm túc và đã đạt được hiệu quả tích cực. Liên tiếp 2 nhiệm kỳ gần đây, tỉnh đã chỉ đạo cụ thể như: lập đề án bảo tồn di tích cấp tỉnh 2010 - 2015 và hiện nay, HĐND đã phê duyệt đề án tu bổ di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia… Có thể nói, nhận thức đối với công tác bảo vệ, trùng tu, phát huy giá trị di sản được Quảng Nam định hướng xuyên suốt…

P.V:Thưa ông, Quảng Nam được đánh giá là rất thành công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Hội An. Vậy thì những kinh nghiệm từ việc bảo tồn quần thể di tích này áp dụng như thế nào đối với công tác bảo tồn các di sản văn hóa nói chung ở Quảng Nam?

Ông Đinh Hài: Vấn đề nhận thức của cộng đồng trong sự hiểu biết về tác động của di sản đối với đời sống kinh tế - xã hội của địa phương là một trong những kinh nghiệm quý mà Quảng Nam đã làm được. Ngoài ra, vấn đề trùng tu, tôn tạo các di tích phải đảm bảo tính chân xác; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng, xã hội hóa trong công tác trùng tu di tích, làm cho mọi người gắn bó với các giá trị di sản mà chung tay bảo vệ… Mới đây, tỉnh phối hợp với UNESCO và ILO tổ chức hội thi “Đồng hành cùng Di sản thế giới Hội An”, ít nhiều đã tạo ra một sự suy nghĩ chung cho cộng đồng…

P.V:Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, ông trăn trở điều gì trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa ở Quảng Nam?

Ông Đinh Hài: Làm thế nào để tất cả di tích đều được bảo vệ, và khi đã được bảo vệ, trùng tu thì phải phát huy giá trị của nó trong đời sống xã hội, để các di sản thật sự đi vào cuộc sống là điều mà nhiều người làm công tác này đều mong mỏi. Bởi đây chính là cách để bảo tồn di sản hữu hiệu nhất…

Tôi luôn trăn trở và mong muốn các cơ quan hữu quan của tỉnh, các địa phương và cộng đồng có thể chung tay giữ gìn, bảo vệ những di sản mà cha ông để lại; hãy xem đó là những tài sản chung, và nâng tầm trách nhiệm của từng tổ chức, công dân đối với di sản và các giá trị của di sản trong cuộc sống hiện đại…

P.V:  Xin cảm ơn ông!

 HIỀN VIÊN (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích: Lường trước tác động của con người, thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO