Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Phải giữ hiện trạng gốc

LÊ QUÂN 13/08/2015 08:45

Làm cách nào tránh “sân khấu hóa” nhưng vẫn có thể phát huy được giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể là một vấn đề khó đã và đang được đặt ra đối với các địa phương, ngành văn hóa Quảng Nam.

Lễ hội rước Cộ bà Chợ Được - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận năm 2013. Ảnh: M.HẢI
Lễ hội rước Cộ bà Chợ Được - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận năm 2013. Ảnh: M.HẢI

Mới đây, tháng 7.2015, huyện Bắc Trà My tổ chức lễ tôn vinh và đón bằng công nhận đối với di sản văn hóa phi vật thể cây nêu và bộ gu của dân tộc Co. Như vậy, tính đến thời điểm này, Quảng Nam có 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao gồm: Lễ hội rước cộ bà Chợ Được, nghệ thuật hát bả trạo, vũ điệu tâng tung da dá, nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu, cây nêu và bộ gu của dân tộc Co. Ngoài những di sản đã có “danh phận”, các loại hình nghệ thuật dân gian tại Quảng Nam vẫn còn rất phong phú và đang được Sở VH-TT&DL, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam tổ chức kiểm kê, sưu tầm, lập hồ sơ để đệ trình công nhận.

Nếp văn hóa ăn sâu

Cây nêu và bộ gu là những thứ không thể thiếu trong nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Co. Và nơi còn giữ nguyên gốc mọi nghi lễ, nét văn hóa này lại cách xa trung tâm huyện, đường đi khá trắc trở. Già làng Trần Văn Hành, ở xã Trà Kót - xã vùng xa và khó khăn nhất của Bắc Trà My, vui cái bụng khi lễ hội của đồng bào mình từ đây được xếp vào “hàng quý giá”, được mọi người khắp nơi biết tới. “Rất vui cái bụng. Già mong từ đây cây nêu ở mãi, vinh quang mãi với dân làng. Mình cũng phải giáo dục con cháu làm sao biết, giữ gìn truyền thống của dân tộc mình” - già Trần Văn Hành nói. Khi chưa được nêu tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cây nêu và bộ gu trong nghi lễ truyền thống đã hiển nhiên tồn tại. Với câu chuyện làm thế nào để phát huy tốt hơn giá trị sau khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cho biết: “Huyện đã có chủ trương hướng tới việc tiếp tục phát huy bảo tồn bản sắc các giá trị văn hóa phi vật thể này. Thứ nhất, ngoài việc tổ chức lễ công bố giới thiệu, huyện sẽ chỉ đạo cho ngành chuyên môn hệ thống tất cả văn bản các nội dung hồ sơ liên quan đến phục dựng nghi lễ dựng cây nêu và bộ gu bảo tồn tại quảng trường văn hóa làm tư liệu lịch sử. Thứ hai, sẽ sao chép và chuyển về xã Trà Kót và các xã có người Co sinh sống nhằm tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong bảo tồn giá trị văn hóa. Về định hướng lâu dài, huyện sẽ có trách nhiệm giao cho ngành chuyên môn cùng với ngành giáo dục biên tập thành các bộ sách để giới thiệu thông tin  cho các em học sinh nhằm tác động đến đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của mình”.

Những nét trang trí độc đáo trên cây nêu và bộ gu của đồng bào dân tộc Co ở Bắc Trà My. Ảnh: Đ.TNhững nét trang trí độc đáo trên bộ gu và cây nêu của đồng bào dân tộc Co ở Bắc Trà My. Ảnh: Đ.T
Những nét trang trí độc đáo trên bộ gu và cây nêu của đồng bào dân tộc Co ở Bắc Trà My. Ảnh: Đ.T

Các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được công nhận ở cấp quốc gia, từ lâu đã có chỗ đứng vững vàng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân. Lễ hội Cộ bà Chợ Được (Thăng Bình), nghệ thuật hát bả trạo của người miền biển đã trở thành nếp văn hóa ăn sâu vào lòng người, là bản sắc của người địa phương. Hay vũ điệu tâng tung da dá (vũ điệu dâng trời) là nghệ thuật diễn xướng nổi trội trong kho tàng văn hóa dân gian Cơ Tu; dệt thổ cẩm của người Cơ Tu là công trình sáng tạo tập thể của đồng bào. Đó là tín hiệu mừng đối với ngành văn hóa Quảng Nam, là cơ hội để khôi phục nét văn hóa truyền thống đang bị mai một trong quá trình hội nhập. Đã có nhiều dự án, chương trình hợp tác quốc gia, quốc tế hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể này. Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, văn hóa phi vật thể là động lực chính của đa dạng văn hóa và là sự đảm bảo cho phát triển bền vững. Tại Quảng Nam, rất nhiều dự án của UNESCO đã “cứu” nguy cho các di tích văn hóa cũng như nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, huy động được sự tham gia của cộng đồng chủ nhân di sản. “Công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể được triển khai với nhiều hoạt động nhận diện, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình, hình thức thể hiện và từng bước xác lập môi trường sinh hoạt văn hóa” - ông Tịnh nói. Tuy nhiên, thực tế không phải bất cứ loại hình văn hóa nghệ thuật nào được công nhận cũng đều có phương án tốt để bảo tồn và phát huy.

Đừng để văn hóa “sống” chết mòn

Hợp tác xã dệt thổ cẩm của người Cơ Tu tại làng Za Ra, xã Ta Bhing (Nam Giang) đã được khôi phục, hoạt động thông qua một dự án phi chính phủ. Không chỉ là cơ sở để bảo tồn văn hóa, đây còn là điểm đến du lịch, tạo công ăn việc làm cho gần 50 phụ nữ địa phương. Tuy nhiên, do chạy theo thị trường, đến nay cơ sở dệt Za Ra đã tan rã. Du khách, khách hàng thất vọng bởi điểm đến này chỉ là nơi diễn trò và bán hàng nhập chủ yếu, rất ít sản phẩm của địa phương… Ông Briu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang chia sẻ, niềm vui rất lớn khi được Nhà nước công nhận một số sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc mình là di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, công nhận không thì chưa đủ. Bảo tồn theo kiểu “hô khẩu hiệu” đôi khi thúc đẩy nhanh sự suy thoái. Theo ông Liếc, muốn bảo tồn tốt di sản văn hóa phi vật thể - vốn là sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống của người Cơ Tu, trước hết phải quy hoạch, xây dựng lại làng. Khi nào duy trì được làng bản cũ thì không cần chính sách bảo tồn, chẳng cần công nhận di sản, tự thân người dân đã bảo tồn vốn văn hóa truyền thống quý giá của mình.

Còn nhớ trong một cuộc hội thảo quốc tế nhân 10 năm thực hiện Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO trong khuôn khổ Festival Hành trình di sản Quảng Nam 2013, các giáo sư chuyên nghiên cứu văn hóa đã có những chia sẻ rất xác đáng về tầm quan trọng của các di sản văn hóa phi vật thể. Bảo tồn là một chuyện, phát huy nó như thế nào để vẫn giữ được hiện trạng gốc, không biến dạng, lai tạp hay bị “sân khấu hóa” là một câu hỏi khó. Giáo sư Jo Caust - Trường Đại học Melbourne (Úc) cho rằng, giàu có gia tăng và du lịch giá rẻ cho phép số người có thể đi du lịch tăng theo cấp số nhân. Trong khi các hình thức di sản vật thể có thể tồn tại được, di sản phi vật thể dễ bị tổn thương hơn vì nó dựa vào chính con người để duy trì, tin vào và thực hành nó. Rất nhiều nền văn hóa đa dạng đang chịu áp lực gia tăng để tồn tại dưới sự bùng nổ của khách du lịch. Du khách có thể đem lại sự phồn thịnh về kinh tế cho một cộng đồng trước đây chỉ đủ để sinh tồn, nhưng chính du khách cũng đồng thời làm phá hủy hay suy thoái những nét độc đáo của văn hóa địa phương. Nhắc lại câu chuyện du lịch và những áp lực đối với các loại hình văn hóa phi vật thể để thấy rằng, ranh giới giữa đời sống thực và “sân khấu hóa” các di sản này là điều rất mong manh. Ông Hồ Xuân Tịnh cho rằng, thực ra là một điều may mắn khi các di sản văn hóa phi vật thể ở Quảng Nam tồn tại chủ yếu trong đời sống dân gian, và chính cộng đồng người dân ý thức rất cao về bản sắc của mình.

Cũng trong năm 2014, Bộ VH-TT&DL công nhận Bài chòi ở Bình Định và nghệ thuật Hát tuồng ở Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong khi đây cũng là hai loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của Quảng Nam. Không phải chuyện nhanh hay chậm chân đệ trình hồ sơ để được có danh hiệu, vấn đề cốt lõi ở đây là làm thế nào để các giá trị văn hóa “sống” không phải chết mòn…

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Phải giữ hiện trạng gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO