Lâm nghiệp

Bảo tồn, phát triển quế Trà My, sâm Ngọc Linh và cây dược liệu:Chính sách vượt trội, kết quả chưa như mong đợi

NHÃ PHƯƠNG 08/01/2025 08:00

Những năm qua, việc triển khai cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển quế Trà My, sâm Ngọc Linh và cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục như triển khai vùng trồng tập trung, đảm bảo nguồn cây giống...

1(1).jpg
Thời gian qua, Quảng Nam nỗ lực triển khai nhiều phần việc để bảo tồn và phát triển quế Trà My. Ảnh: PV

Nỗ lực triển khai

Tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh mới đây, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, năm 2024 UBND tỉnh tiếp tục phân bổ gần 1,5 tỷ đồng cho các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước để thực hiện cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển quế Trà My theo Nghị quyết số 40 (ngày 7/12/2017) của HĐND tỉnh.

Đến nay, người dân ở các địa phương vừa nêu tích cực tham gia đầu tư trồng quế Trà My. Đáng chú ý, cùng với nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh phân bổ hằng năm, chính quyền các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn còn tranh thủ sự tiếp sức từ phía Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) để tiến hành thực hiện việc điều tra, lập hồ sơ và được Sở NN&PTNT công nhận 110 cây quế trội, chuyển hóa rừng quế giống với diện tích 13,27ha.

3(1).jpg
Phát triển mạnh các vườn ươm cây quế giống Trà My để chủ động phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Ảnh: PV

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, năm 2024 UBND tỉnh phân bổ thêm 15 tỷ đồng để các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết số 09 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh.

Trong đó, nguồn kinh phí đầu tư để hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ và phát triển vườn sâm gốc thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam là 1,5 tỷ đồng; nguồn kinh phí sự nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác là 13,5 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh phân bổ hằng năm, các đơn vị liên quan đã hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng phục vụ bảo tồn, bảo vệ và sản xuất cây giống tại các vườn sâm Ngọc Linh giống gốc thuộc Trạm Dược liệu Trà Linh.

4(1).jpg
Lãnh đạo huyện Nam Trà My thường xuyên kiểm tra các vườn ươm cây giống sâm Ngọc Linh. Ảnh: PV

Giai đoạn 2022 - 2023, đã hỗ trợ 103.333 cây sâm Ngọc Linh giống cho 1.695 hộ dân để trồng mới khoảng 5,16ha tại 7 xã gồm Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My).

Huyện Phước Sơn cũng đã xây dựng phương án khoanh nuôi, trồng bảo tồn chủ động cây ba kích tím tại xã Phước Kim giai đoạn 2023 - 2025. Huyện Nam Trà My đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án khoanh nuôi, trồng bảo tồn chủ động để bảo tồn gen, cung cấp vật liệu nhân giống các cây dược liệu khác và đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án...

“Về hỗ trợ cây giống cho hộ và nhóm hộ phát triển trồng mới, năm 2023 có 6 huyện phê duyệt phương án hỗ trợ, trong đó có 4 huyện là Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn (cũ) đã hỗ trợ 498.223 cây giống dược liệu gồm ba kích, đảng sâm, chè dây, thất diệp nhất chi hoa, thổ phục linh, sen cho 16 nhóm hộ và 35 hộ dân với tổng diện tích trồng mới là 57,36ha….” - ông Tý nói.

Theo Sở NN&PTNT, dự kiến năm 2025 tỉnh sẽ tiếp tục bố trí 1,6 tỷ đồng thực hiện cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển quế Trà My theo Nghị quyết số 40; bố trí 27,85 tỷ đồng thực hiện cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh.

Nhiều khó khăn

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và một số huyện miền núi nhìn nhận, qua 7 năm thực hiện cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển quế Trà My theo Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh cho thấy, vẫn còn những khó khăn nhất định.

5(1).jpg
Giới thiệu cây giống sâm Ngọc Linh cho khách quốc tế. Ảnh: PV

Theo đó, diện tích đăng ký trồng quế của người dân phần lớn không tập trung, hầu hết địa phương đều thiếu lực lượng chuyên môn và kinh phí thực hiện việc đo đạc, vẽ sơ đồ trồng cho từng hộ…

Ông Trương Xuân Tý đề nghị UBND các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá nguồn giống quế Trà My trên địa bàn để đề xuất công nhận nguồn giống theo hướng dẫn tại Thông tư số 22 (ngày 29/12/2021) của Bộ NN&PTNT.

Đồng thời thực hiện tốt các quy định về quản lý nguồn giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định tại Nghị định số 27 ngày 25/3/2021 của Chính phủ.

6(1).jpg
Từ cơ chế hỗ trợ của tỉnh, những năm qua huyện Nam Trà My tích cực bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: PV

UBND huyện Tiên Phước cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện việc trồng quế Trà My nhằm bảo tồn và phát triển loại cây này trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 40 của HĐND tỉnh.

UBND huyện Nam Trà My chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận lại 10ha rừng quế giống chuyển hóa tại xã Trà Dơn để phục vụ nguồn giống quế Trà My trong thời gian đến.

7.jpg
Người dân chăm sóc cây sâm Ngọc Linh giống. Ảnh: PV

Ông Trương Xuân Tý đánh giá, đến nay Nghị quyết số 09 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh về khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 chỉ tập trung ở một số huyện miền núi cao. Vì vậy việc triển khai thực hiện chưa mang tính toàn diện và đạt hiệu quả như mong đợi...

Đối với việc đầu tư 2 khu vực khoanh nuôi, trồng bảo tồn chủ động để bảo tồn gen và cung cấp vật liệu nhân giống thì các địa phương chưa có kinh nghiệm, chuyên môn trong việc xây dựng phương án hoặc kế hoạch.

Nguồn vốn phân bổ để hỗ trợ cây giống sâm Ngọc Linh từ năm 2022 - 2024 là hơn 25,9 tỷ đồng/40,6 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 63,9%), chưa đảm bảo theo kế hoạch bố trí vốn thực hiện Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn, phát triển quế Trà My, sâm Ngọc Linh và cây dược liệu: Chính sách vượt trội, kết quả chưa như mong đợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO