Chú trọng kiểm tra, sửa chữa những cây cầu cũ là việc làm cần thiết, không chỉ kéo dài tuổi thọ công trình mà còn tránh xảy ra sự cố bất ngờ ảnh hưởng đến tính mạng con người và phương tiện, duy trì lưu thông thông suốt.
Chuyện cầu Câu Lâu, Sông Vầu
Báo Quảng Nam đã nhiều lần thông tin, ngày 13/5/2023, trụ lan can và tay vịn phía đông ngay nhịp số 8 của cầu Câu Lâu cũ (nối liền phường Điện Phương của thị xã Điện Bàn với thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) bị nứt gãy.
Sau khi kiểm tra, ngành chức năng còn nhận thấy trụ cầu thứ 8 (tính từ Bắc vào Nam) bị lún khoảng 30cm, khiến mặt cầu đoạn này bị võng xuống, gây xô lệch trụ lan can.
Dọc tim cầu của một số nhịp có vết nứt gây mất an toàn giao thông, mặc dù được xử lý nhiều lần song hư vẫn hoàn hư. Bê tông lề bộ hành, lan can tay vịn bị bong tróc.
Trụ lan can cầu Câu Lâu cũ nứt gãy rất may chưa xảy ra sự cố đáng tiếc, tuy nhiên, những hư hỏng của công trình đã bộc lộ rõ. UBND tỉnh giao Sở GTVT vào cuộc kiểm tra.
Để đảm bảo an toàn, phương án cấm các loại ô tô qua cầu được ban bố, tuy nhiên, phương án này tác động không nhỏ đến lưu thông của khoảng 585 hộ dân thuộc khối phố Triêm Nam (phường Điện Phương).
Hoạt động du lịch, thương mại dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, nhất là du khách muốn sử dụng đặc sản bê thui Cầu Mống phải đi vòng khá xa. Người dân sinh sống ven quốc lộ 1 cũ muốn sử dụng dịch vụ xe buýt cũng di chuyển đoạn đường dài.
Tại huyện Đông Giang, do ảnh hưởng bão số 4 và số 5 vào tháng 10/2022, dòng nước chảy xiết đã gây xói lở móng trụ cầu Sông Vầu (nằm trên tuyến ĐH1.ĐG, nối xã Ba với xã Tư), làm nghiêng trụ T2 về phía thượng lưu. Sự cố nghiêng trụ làm hệ dầm nhịp 2 và nhịp 3 trượt khỏi đá kê gối được phát hiện vào đêm 1/11/2022.
Trước nguy cơ nhịp 2 và nhịp 3 có thể bị sụp đổ hoàn toàn, địa phương rào chắn lại và không cho lưu thông qua cầu. Việc đi lại của khoảng 2.000 người dân của thôn Quyết Thắng (xã Ba) và toàn bộ các thôn của xã Tư ra trung tâm xã Ba bị chia cắt. Huyện cho làm đường tạm, ngầm tạm qua sông để ô tô con, xe máy, xe đạp và người đi bộ đi lại tạm thời vào mùa nắng.
Cần chú trọng bảo trì
Hai cây cầu vừa đề cập được xây dựng khá lâu. Theo đó, cầu Câu Lâu cũ xây dựng cách đây khoảng 55 năm nay, trên quốc lộ 1 cũ. Cầu Sông Vầu có từ năm 1999, do Nông trường Quyết Thắng khi đó đầu tư.
Theo ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT, việc thường xuyên kiểm tra, theo dõi “sức khỏe” để có phương án sửa chữa, bảo trì cầu cũ nói riêng có vai trò rất quan trọng để kéo dài tuổi thọ công trình, tránh xảy ra sự cố bất ngờ ảnh hưởng đến tính mạng con người và phương tiện lưu thông.
Một kỹ sư cầu đường chia sẻ, một yếu tố cũng quan trọng không kém là đơn vị hay cấp chính quyền được giao quản lý cầu chú trọng lưu giữ hồ sơ cây cầu cẩn thận.
Nếu thất lạc, việc nghiên cứu, triển khai sửa chữa một khi công trình xảy ra sự cố gần như phải làm lại từ đầu, mất nhiều thời gian công sức.
Trên thực tế, hồ sơ cầu Câu Lâu cũ vốn được Khu Quản lý đường bộ III bàn giao cho huyện Duy Xuyên để địa phương quản lý vào năm 2008.
Đến lúc cầu bị hư hỏng nặng như đề cập, UBND tỉnh giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp khảo sát, thiết kế và tiến hành sửa chữa công trình. Để phục vụ nghiên cứu sửa chữa, Sở GTVT đã đề nghị Duy Xuyên cho mượn hồ sơ lưu trữ nhưng địa phương tìm không ra.
Ngoài ra, một điều đáng lưu ý nữa là việc đầu tư xây dựng mới để thay thế cầu cũ cũng cần cân nhắc thực hiện. Bởi lẽ, việc sửa chữa song hiệu quả không lâu dài vừa gây lãng phí, vừa khiến người dân phải thấp thỏm mỗi khi lưu thông.
Điển hình là cầu Sông Vầu, các ngành, đơn vị liên quan của tỉnh khảo sát thực tế và đồng thuận cao đề xuất đầu tư xây dựng mới.
Hay với cầu Câu Lâu cũ, do nguồn ngân sách tỉnh khó khăn, danh mục đầu tư chưa có trong Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã giao Sở GTVT rà soát lại những nội dung bức xúc cần sửa chữa ngay.
Tuy nhiên, ngành chức năng đã phân tích sự cần thiết phải sửa chữa toàn diện, nhất là phần hạ bộ (mố, trụ cầu…) rất quan trọng. Cầu sẽ không an toàn nếu chỉ sửa phần thượng bộ, mặt cầu, lan can mà hạ bộ tiếp tục sụt lún, hư hỏng.
Chính vì vậy, UBND tỉnh quyết định đầu tư khoảng 36 tỷ đồng và giao cho Sở GTVT làm chủ đầu tư công trình sửa chữa cầu Câu Lâu cũ (cả thượng bộ và hạ bộ) nhằm duy trì khả năng khai thác của cầu; thời gian thực hiện 2024 - 2025. Sau khi dự án hoàn thành, Sở GTVT tiếp nhận quản lý, bảo trì phần cầu; thị xã Điện Bàn quản lý, bảo trì khai thác phần điện chiếu sáng.