(QNO) - Lần đầu tiên Bệnh viên Đa khoa Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân bị đảo ngược phủ tạng nhồi máu cơ tim cấp.
Cụ thể, một bệnh nhân nữ 65 tuổi (sinh năm 1959, ở xã Trà Giang, Bắc Trà My) được đưa vào Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam vì đau ngực bên phải dữ dội kèm theo khó thở.
Bệnh nhân có triệu chứng đau ngực bên phải nhưng với tính chất đau điển hình của cơn đau tim kèm theo khó thở, vã mồ hôi, huyết áp có xu hướng tụt, nhịp tim chậm. Khai thác triệu chứng, khám lâm sàng các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới và bị đảo ngược phủ tạng.
Sau khi hội chẩn nhanh với ê kíp Can thiệp tim mạch của bệnh viện và qua kết quả chụp động mạch vành cho thấy vị trí giải phẫu động mạch vành của bệnh nhân bị đảo ngược hoàn toàn. Bệnh nhân bị tắc hoàn toàn gốc của động mạch vành phải (bệnh nhân này có động mạch vành phải nằm bên trái).
Bệnh nhân nhanh chóng được tái thông động mạch vành phải bị tắc bằng 1 stent. Sau can thiệp bệnh nhân ổn định, hết đau ngực, không còn khó thở.
Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh; chưa đi khám bệnh bao giờ nên không biết mình bị đảo ngược phủ tạng.
Các bác sĩ cho biết, người bị đảo ngược phủ tạng là người có nội tạng trong lồng ngực và ổ bụng bị đảo ngược phản chiếu theo mặt phẳng đứng dọc so với vị trí bình thường. Đây là một dạng dị tật có tính di truyền gen lặn, rất hiếm gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 0,5-1/10.000 dân số chung, trong đó có khoảng 5-10% có kèm theo dị tật tim bẩm sinh.
Tiếp cận chẩn đoán và xử trí nhồi máu cơ tim cấp trong trường hợp bệnh nhân bị đảo ngược phủ tạng sẽ gặp không ít khó khăn vì vị trí và đặc điểm cơn đau ngực có thay đổi. Khi can thiệp động mạch vành cũng khó khăn vì vị trí xuất phát của động mạch vành ở vị trí bất thường. Ngoài ra, các ống thông để chẩn đoán và can thiệp là để sử dụng cho các trường hợp động mạch vành có giả phẫu bình thường.
Và một điều rằng, các bác sĩ tim mạch đôi khi trong cuộc đời hành nghề không hẳn đã được gặp bệnh nhân đảo ngược phủ tạng, do đó có thể có không ít bối rối. Đây là lần đầu tiên Bệnh viên Đa khoa Quảng Nam tiếp nhận và xử trí bệnh nhân bị đảo ngược phủ tạng nhồi máu cơ tim cấp.
Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, trước hết cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế chất béo, không ăn quá nhiều chất ngọt, loại bỏ các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, có chế độ tập luyện để giảm cân hợp lý, kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu. Ngoài ra cần khám sức khỏe tim mạch thường xuyên để phát hiện sớm khi mới thiếu máu cơ tim.