Viết về đề tài chiến tranh cách mạng

"Biệt động thành" Vĩnh Điện thời chống Mỹ

LÊ VŨ 26/04/2024 08:15

Về Vĩnh Điện (Điện Bàn) giữa những ngày tháng Tư lịch sử, trong câu chuyện thời chiến nghe được từ lớp người đi trước, có một đội công tác mang mật danh A40 để lại nhiều ấn tượng đặc biệt, thôi thúc tôi đi tìm câu chuyện của quê hương.

z5381037666348_06c318c237ec0b26353ca5ef70bdca28.jpg
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Đức Hiền kể về chiến công của Đội công tác Vĩnh Điện.

Theo nguồn tư liệu thu thập được từ các cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn 1930 - 1975”; “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Điện Bàn 1945 - 1975” và “Lịch sử đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Điện 1930 - 2015”; đầu năm 1966, Huyện ủy Điện Bàn quyết định thành lập Đội công tác Vĩnh Điện, lấy mật danh A40, gồm 10 cán bộ, chiến sĩ, hoạt động có tính chất như “biệt động thành” trong nội thị Vĩnh Điện.

Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi liên hệ và có cuộc trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Đức Hiền (SN1942, hiện trú tại nhà số 45 đường Duy Tân, phường Vĩnh Điện), nguyên Huyện ủy viên, Huyện đội phó Điện Bàn, người được giao trực tiếp phụ trách theo dõi, chỉ đạo hoạt động của A40.

Dựa vào nhân dân

Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta, nền tảng cho mọi chiến thắng là nằm ở LÒNG DÂN HƯỚNG VỀ. Nắm rõ điều này, ngay sau khi thành lập, Đội công tác Vĩnh Điện ghi dấu ấn bằng những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác dân vận, kể cả binh địch vận.

Như lời Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Đức Hiền: “Vĩnh Điện là nơi địch tập trung lực lượng, có nhiều tên ác ôn, kèm kẹp rất gắt gao. Dù vậy, Đội công tác Vĩnh Điện vẫn hoạt động hiệu quả và an toàn là nhờ gầy dựng được cơ sở tin cậy trong lòng dân”.

Với nhiệm vụ được giao, trong quá trình hoạt động, Đội công tác đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền đưa đường lối, chính sách của cách mạng đến với nhân dân nội thị, làm cho phần lớn người dân (kể cả gia đình tề ngụy) từ chỗ chưa hiểu đã có cảm tình và ủng hộ cách mạng, tham gia đóng góp quỹ nuôi quân, đào hầm nuôi giấu cán bộ...

Đội công tác đã xây dựng được 36 cơ sở cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho hoạt động của mình. Nổi bật có thể kể đến trận Đội công tác Vĩnh Điện phối hợp với Đội “Quyết tử Võ Như Hưng” tập kích tiêu diệt Trung đội nghĩa quân ở Tân Mỹ vào đêm 26/12/1966.

Sau khi rút lui, ta không thể đưa được 3 thương binh ra ngoài, may nhờ một cơ sở của Đội trong vùng đã không quản hiểm nguy che giấu, bảo vệ, chăm sóc và sau đó liên lạc với cơ sở mật đưa về đơn vị an toàn.

Trong 9 năm hoạt động, Đội công tác Vĩnh Điện có gần 50 cán bộ, chiến sĩ ưu tú của các đơn vị, địa phương được tăng cường, bổ sung tham gia; trong số đó có đến 32 người hy sinh (đã được công nhận liệt sĩ và khắc bia vinh danh tại Đài liệt sĩ Vĩnh Điện). Dù hoạt động trong điều kiện khó khăn khắc nghiệt, sống - chết cận kề trong gang tấc, nhưng toàn đội qua 9 năm không có trường hợp nào dao động, đầu hàng địch.

Ghi nhận thành tích trong công tác và chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ của Đội công tác Vĩnh Điện đã được tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập hạng Ba, 1 Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 17 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và 52 Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Hay trong trận tổng tấn công Mậu Thân (1968) đánh vào Chi khu Điện Bàn, các cơ sở mật và nhân dân đã mưu trí, dũng cảm che giấu, cứu chữa, chăm sóc 18 thương binh, sau đó thông tin để lực lượng của ta chuyển thương binh ra vùng ven an toàn.

Cũng trong chiến dịch này, đến nay vẫn còn nhiều người nhắc đến câu chuyện Đội công tác đã vận động được ông Đỗ Gáy - là cơ sở binh vận - mang thư của Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Đặc khu Quảng Đà đến chi khu quận lỵ trao cho quận trưởng Điện Bàn.

Sau khi đọc thư, tên quận trưởng ra lệnh bắt người thì ông Gáy bình tĩnh đáp trả: “Tôi là ân nhân của ông, tôi đưa thư của Mặt trận đến để ông giao chính quyền cho nhân dân, nếu không quân giải phóng đánh vào quận lỵ thì ông phải chết”. Nghe ông Gáy nói vậy, tên quận trưởng dao động, ra lệnh thả ông về.

Những trận đánh xuất thần

Từ khi thành lập, Đội công tác Vĩnh Điện đã phối hợp, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh gây được tiếng vang, tạo động lực cho quân ta và khiến quân địch khiếp sợ, hoang mang.

z5381299737510_4512ee093d847d7b46df5371cdaf59e3.jpg
Lãnh đạo phường Vĩnh Điện viếng hương Đài tưởng niệm liệt sĩ Vĩnh Điện.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Đức Hiền kể, chiến công ghi dấu ấn nổi bật đầu tiên của Đội công tác Vĩnh Điện là vào đầu tháng 2/1966 đã phối hợp với Đội an ninh vũ trang, cùng Trung đội 1, Đại đội 1 bộ đội địa phương do ông chỉ huy tiến công vào ấp Tân Mỹ.

Nhờ thông thuộc địa hình, nắm chắc các vị trí đóng quân quan trọng, vị trí trọng yếu của địch và bằng sự mưu trí, dũng cảm, cán bộ, chiến sĩ Đội công tác đã dẫn đường cho lực lượng ta vượt qua nhiều vòng kiểm soát gắt gao của địch, tập kết ém sẵn ở vị trí an toàn, bí mật.

Đến nửa đêm, sau khi có lệnh, lực lượng ta đồng loạt nổ súng tấn công, tiêu diệt hàng chục tên địch; đánh sập một lô cốt, một nhà máy điện... Ngay sau khi trận đánh kết thúc, đội công tác đã phân tán đưa lực lượng ta rút lui để tránh thiệt hại do địch phản công nhằm chiếm lại trận địa đã mất.

Cũng tại Tân Mỹ, vào đêm 26/12/1966, Đội “Quyết tử Võ Như Hưng” của huyện do đồng chí Trần Văn Súng chỉ huy phối hợp với Đội công tác Vĩnh Điện, Đội công tác Điện Minh tập kích, tiêu diệt gọn Trung đội nghĩa quân đóng tại đây.

Đến sáng 27/12/1966 địch tổ chức phản kích, sử dụng một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 51 ngụy, một chi đội xe tăng M113 có cố vấn Mỹ tấn công vào trận địa.

Lực lượng của ta bám chắc địa hình, dựa vào công sự đã đánh lui nhiều đợt phản kích, buộc địch phải điều động một đại đội biệt kích đóng ở Hội An, được xe tăng M113 hỗ trợ từ Lai Nghi tấn công vào bên sườn đội hình của ta bố trí...

Đội công tác Vĩnh Điện cùng với bộ đội huyện đã chiến đấu anh dũng, bắn cháy 3 xe tăng, diệt hơn 30 tên lính Mỹ và biệt kích, địa phương quân...

Trong trận chống phản công này, tuy tương quan lực lượng chênh lệch, diễn ra ban ngày có nhiều bất lợi về ta, song với tinh thần tiến công tiêu diệt địch, cán bộ, chiến sĩ Đội công tác Vĩnh Điện cùng bộ đội huyện đã anh dũng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.

Sau trận này Huyện ủy, Huyện đội Điện Bàn đã phát động phong trào học tập, thi đua với Đội công tác Vĩnh Điện và Đội “Quyết tử Võ Như Hưng” trong lực lượng vũ trang toàn huyện.

Nối tiếp chiến công

Chảy theo mạch kể, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Đức Hiền cho biết, tiếp đà thắng trận, trong nhiều năm sau đó cho đến ngày toàn thắng, Đội công tác Vĩnh Điện với tinh thần và ý chí sắt đá, đã cùng với các lực lượng của cấp trên phối hợp tổ chức hàng chục trận đánh, trong đó có nhiều chiến công xuất sắc.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Điện Bàn về quyết định tổ chức tấn công địch ở quận lỵ Điện Bàn tại Vĩnh Điện, vào đêm 28/8/1967, được Huyện ủy giao nhiệm vụ, Đội công tác Vĩnh Điện tổ chức trinh sát nắm tình hình lực lượng và bố phòng của địch, đồng thời thông qua các nguồn tin do các cơ sở mật cung cấp, chỉ huy Đội công tác đã kịp thời báo cáo tình hình địch cho Huyện ủy để chỉ đạo xây dựng các phương án tác chiến đánh địch.

Sau đó Đội công tác dẫn đường và trực tiếp tham gia với các đại đội bộ đội huyện, Tiểu đoàn 1 bộ binh của tỉnh chia làm nhiều mũi tấn công vào quận lỵ Điện Bàn.

Sau 2 giờ chiến đấu, lực lượng của ta đã đánh thiệt hại 2 đại đội địa phương quân, 3 trung đội nghĩa quân, một đoàn bình định nông thôn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch, bắt và diệt hàng chục tên ác ôn, phá hủy một trận địa pháo, một nhà kho, 2 lô cốt của địch.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), Huyện ủy Điện Bàn xác định trọng điểm tiến công và nổi dậy của huyện là Vĩnh Điện.

Tham gia trận này, Đội công tác Vĩnh Điện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao là xây dựng cơ sở nội ứng vận động quần chúng nổi dậy nhằm phối hợp với các lực lượng bên ngoài tấn công vào quận lỵ; tổ chức lực lượng trinh sát nắm tình địch, dẫn đường cho bộ đội, du kích tiến công vào nội thị.

Năm 1975, trong cuộc tiến đánh giải phóng Điện Bàn, trước sức tiến công của quân giải phóng, bọn địch ở Vĩnh Điện hoang mang rút chạy.

Từ mờ sáng 29/3, Đội công tác Vĩnh Điện đã phối hợp, dẫn đường cùng các mũi tiến công của ta tiến vào làm chủ tất cả địa bàn xung quanh chi khu, quận lỵ Điện Bàn. Đúng 7 giờ sáng 29/3 cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam được kéo lên trên nóc trụ sở quận lỵ Điện Bàn; khắp nơi ở Vĩnh Điện phất phới cờ giải phóng...

Trong khuôn khổ bài viết này, không thể nêu hết, làm rõ hết những chiến công của Đội công tác Vĩnh Điện, nhưng trong lời kể của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Đức Hiền, chúng tôi nhận ra được niềm mong muốn của ông về đơn vị do mình trực tiếp theo dõi, chỉ đạo hoạt động: “A40 xứng đáng được công nhận anh hùng!”.

Âu, đó cũng là niềm mong mỏi của lãnh đạo thị xã Điện Bàn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Vĩnh Điện, của thế hệ hôm nay tri ân, hướng về công lao đóng góp của cha anh cho quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Biệt động thành" Vĩnh Điện thời chống Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO