Nhớ về cội nguồn

Biểu trưng tâm thức xứ sở Quảng Nam

HY GIANG 01/12/2024 09:35

Sông Thu Bồn và núi Ngũ Hành từ lâu đã được định hình là biểu trưng tâm thức xứ sở của tiểu vùng văn hóa Quảng Nam.

qna_0631.jpg
Sông Thu Bồn. Ảnh: Võ Thịnh

Nguồn sông, mạch núi trở thành mạch sống tâm linh chuyển tải các giá trị nhân văn chung của cộng đồng xuyên suốt tiến trình lịch sử.

Tiểu vùng văn hóa Quảng Nam

Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh phác thảo phân vùng văn hóa Việt Nam thành 7 vùng văn hóa; trong đó, vùng văn hóa duyên hải Trung và Nam Trung Bộ bao gồm phần đất từ đèo Hải Vân ở phía bắc đến Đông Nam Bộ ở phía nam, tính từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Đây là dải đồng bằng hẹp xen với các dãy núi nhô ra biển, nằm kẹp giữa biển và Tây Nguyên.

Ngô Đức Thịnh chia vùng văn hóa này thành hai tiểu vùng: Tiểu vùng xứ Quảng và tiểu vùng Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận. Trong đó, tiểu vùng xứ Quảng (có người gọi là vùng Thu Bồn - Trà Khúc) bao gồm vùng đồng bằng và duyên hải tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và có thể cả Bình Định.

Thời Hồng Đức đổi từ Thừa tuyên Quảng Nam thành xứ Quảng Nam. Vùng đất này đặc trưng bởi vị trí lịch sử, là một trong các trung tâm quan trọng của Vương quốc Champa; là nơi diễn ra tiếp xúc Việt - Chăm; là trung tâm thông thương từ khá sớm với Trung Quốc, Nhật và phương Tây ở Hội An thời trung đại và TP.Đà Nẵng thời cận hiện đại.

Mặc dù có những điểm tương đồng với ý kiến của nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh, nhưng theo chúng tôi, Quảng Nam tự thân là một tiểu vùng văn hóa hoặc ít nhất đã là hạt nhân của tiểu vùng văn hóa xứ Quảng, Nam Trung Bộ, miền Trung rộng lớn hơn.

Theo đó, Quảng Nam trong vùng văn hóa Nam Trung Bộ (trung tâm kim khí thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, địa bàn trung tâm của tiểu vương quốc Amaravati, phủ Thăng - Điện nơi định dinh trấn cai quản toàn hạt của xứ Quảng Nam) đã giữ vai trò là một địa bàn trung tâm, là hạt nhân quan trọng bậc nhất.

Mặt khác, với vị thế bất biến xuyên suốt lịch sử, khi danh xưng thu hẹp lại thành dinh/ tỉnh Quảng Nam, bản thân Quảng Nam, nhìn dưới góc độ phân vùng văn hóa, trở thành một tiểu vùng văn hóa - có thể gọi là tiểu vùng văn hóa Quảng Nam hoặc xứ Quảng Nam với không gian bao gồm TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Nguồn sông, mạch núi

Sự hình thành nét biểu trưng tâm thức xứ Quảng nhất sơn nhất thủy là câu chuyện dài như chính lịch sử của vùng đất này. Trải qua hàng nghìn năm, từ thời tiền sơ sử đến thời cận - hiện đại, lớp lớp cư dân thay nhau sinh tồn. Vì vậy nét biểu trưng về tâm thức xứ sở dần được hình thành và định hình.

Qua hệ thống di chỉ khảo cổ khai quật được trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, GS.Trần Quốc Vượng đã sớm nhìn nhận, hệ sinh thái văn hóa cồn - bàu hay văn hóa cồn - bàu, là đặc trưng của văn hóa tiền sơ sử Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung.
Có lẽ từ không gian sinh tồn là cồn và bàu, đã manh nha hình thành ý niệm về xứ sở của cư dân Quảng Nam?

Trên thực tế, ý niệm về xứ sở ở buổi sơ khai chỉ là mong muốn lựa chọn được nơi thuận lợi cho sự quần tụ của con người, khi trình độ chinh phục tự nhiên còn hạn chế. Cồn và bàu là các dạng địa hình được lựa chọn, đúng hơn là sự thích nghi tối ưu với cảnh quan môi trường đương thời. Có thể, sự sinh tụ trên địa bàn ấy qua thời gian lâu dài, thậm chí kéo dài hàng ngàn năm, dần trong tâm thức cộng đồng mới hình thành cái gọi là ý niệm về xứ sở.

Trong các nghiên cứu của mình, GS.Trần Quốc Vượng cho rằng, Amaravati nằm giữa hai ngọn đèo Hải Vân và Bình Đê, bao quát vùng Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay, là một trong các tiểu quốc có vai trò quan trọng bậc nhất của vương quốc Champa. Tiểu quốc Amaravati dựa trên năm yếu tố theo trục Tây - Đông tương ứng là: Mỹ Sơn - Núi Chúa/Núi Răng Mèo - sông Thu Bồn - Thánh đô Trà Kiệu - Chiêm cảng/ Hội An và bình phong Cù lao Chàm.

Trong mô hình này, có hai yếu tố thuộc về tự nhiên là sông và núi. Đó là dòng sông thiêng và ngọn núi thiêng của cả vương quốc. Có lẽ, đối với người Chăm, Sông Mẹ và Núi Cha trong tâm thức xứ sở của họ là một điều gì đó rất gần với quan niệm nhất sơn nhất thủy. Nó khởi đi từ việc sùng kính các đối tượng sông núi, nằm trong phức thể đối tượng thờ tự của tôn giáo và liên quan mật thiết với đời sống tín ngưỡng - tôn giáo của người Chăm/ đạo Bà-la-môn. Từ sự tín ngưỡng, thờ tự đó, núi - sông hiển hiện là những đối tượng thiêng liêng.

Không chỉ được ghi chép lại trong sử sách, việc thực hiện lễ tế thần sông núi từ chính quyền trung ương đến địa phương làm cho khí thiêng sông núi, yếu tố sông núi được gắn kết, ăn sâu vào đời sống tâm linh của cả dân tộc, của cư dân vùng đất đó.

Việc tế thần sông núi trong chế độ tế tự thần linh của nước ta có thể ra đời từ sớm, nhưng tài liệu lưu giữ được cho thấy, phải đến triều Nguyễn mới có tính quy củ, chặt chẽ.

Vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), các đàn tế “danh sơn đại xuyên” mới được thiết lập. Ở mỗi tỉnh, hằng năm mỗi khi triều đình tổ chức cúng tế xong là triệt giải chứ không làm kiên cố như đàn Sơn Xuyên ở Huế. Mùa xuân năm Canh Tý (1840), vua Minh Mạng đã cho điển chế hóa việc tế lễ thần sông, thần núi cho các “danh sơn đại xuyên” trên cả nước.

Như vậy, có thể nói, từ hệ sinh thái văn hóa cồn - bàu thời tiền sơ sử đến sông thiêng - núi thiêng hay sông Mẹ/ núi Cha trong mô hình văn hóa sinh thái của người Chăm, cuối cùng là sự điển chế hóa thành “danh sơn đại xuyên” núi Ngũ Hành - sông Thu Bồn như một đối tượng tín ngưỡng dưới triều Nguyễn, biểu trưng tâm thức xứ sở Quảng Nam đã được định hình.

*
* *

Theo dòng lịch sử, Thu Thủy - Hành Sơn có thể mang dấu ấn của văn hóa vùng đất Quảng Nam sâu đậm nhất, là một nét biểu trưng quan trọng cho tâm thức xứ sở của xứ này. Đó là cuộc giao hòa giữa đất và nước, sự kết duyên của đất liền và biển cả; là tâm thế mở, mở về miệt biển lớn với dòng sông; chuyển tải những giá trị vùng miền (xuôi - ngược) và đọng lại một giá trị nhân văn đặc sắc: sự giao thoa của các nền văn hóa, sự cộng sinh của các cộng đồng người.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biểu trưng tâm thức xứ sở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO