Chuyện đầu tuần

“Bình dân học vụ số”

HÀ QUANG (thanhminhbqn@gmail.com) 28/04/2025 07:44

Quảng Nam vừa phát động phong trào “Bình dân học vụ số” với kỳ vọng không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình tiếp cận kiến thức về công nghệ số. Hành trình này được cho là sẽ gặp nhiều thách thức với mỗi “học viên”.

Tôi vừa thực hiện một thủ tục trực tuyến về đất đai trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Đây là thủ tục chỉ thực hiện trực tuyến một phần nên việc đầu tiên là phải đến trụ sở của cơ quan chức năng.

Sau khi trình bày nhu cầu của mình, một cán bộ chỉ cho tôi bảng hướng dẫn treo trên tường về cách thực hiện thủ tục này qua điện thoại. Nhìn qua cảm giác dễ dàng nhưng khi thực hiện thì khá rắc rối.

Phải mất đến nửa tiếng đồng hồ thao tác theo hướng dẫn, tôi vẫn loay hoay với chiếc điện thoại của mình. Thấy vậy, một cán bộ lại “cầm tay chỉ việc” nhưng vẫn tiếp tục gặp trục trặc và phải mất khá lâu sau mới hoàn thành...

Trải nghiệm về dịch vụ công trực tuyến của tôi không được thú vị cho lắm trước hết có lẽ do “trình độ kỹ thuật số” của mình còn hạn chế. Mặt khác, nền tảng công nghệ cũng là một vấn đề đáng quan tâm, bởi nhiều thủ tục trực tuyến hiện nay được thiết kế như kiểu đánh đố “trình độ kỹ thuật số” của người thực hiện.

Hạn chế này được nhìn nhận là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức 4 toàn tỉnh hiện nay vẫn còn thấp, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã. Một trong những nguyên nhân chính là quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp, người dân phải kê khai thông tin nhiều lần, gây khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ...

Ngoài ra, tâm lý e ngại, muốn gặp trực tiếp cán bộ để được hướng dẫn cụ thể cũng là rào cản khiến người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến.

Dịch vụ công trực tuyến được xem là một mảng “thực chiến” trong đời sống số mà người dân phải đối mặt, nhất là khi thực hiện các thủ tục hành chính. Vì vậy, việc nâng cao “trình độ kỹ thuật số” là rất bức thiết.

Để đáp ứng yêu cầu này, Quảng Nam vừa phát động phong trào “Bình dân học vụ số” với kỳ vọng không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình tiếp cận kiến thức về công nghệ số. Phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ tập trung vào các nội dung như hướng dẫn sử dụng thiết bị thông minh, internet an toàn; giới thiệu các ứng dụng thiết thực phục vụ đời sống và sản xuất; xây dựng tinh thần học tập suốt đời trong môi trường số hóa...

Để phong trào “Bình dân học vụ số” đạt được hiệu quả thực chất, lãnh đạo tỉnh đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể cần tập trung thực hiện công tác tuyên truyền để cán bộ và nhân dân sẵn sàng tham gia học tập và ứng dụng công nghệ trong đời sống; triển khai các lớp học, khóa học trực tuyến, phổ cập kiến thức số trên nền tảng phù hợp, dễ tiếp cận với mọi đối tượng kết hợp với các lớp học trực tiếp tại các địa phương, giúp mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận tri thức số, dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất... Tuy nhiên, không khó để nhận ra những thách thức trong hành trình này.

Trước hết, sự chênh lệch về hạ tầng công nghệ là một thực tế. Ở thành thị, học online, cập nhật kiến thức số có thể là chuyện hàng ngày. Nhưng ở vùng sâu, vùng xa, nơi sóng điện thoại còn chập chờn thì “Bình dân học vụ số” dễ để lại những “vùng trắng”.

Thêm vào đó, không phải ai cũng có kỹ năng số để học, nhất là đối với người lớn tuổi lâu nay không biết dùng smartphone, không hiểu khái niệm “đăng ký tài khoản”.

Vì vậy, “Bình dân học vụ số” dễ biến thành một vòng tròn khép kín: ai đã biết thì càng biết thêm, còn ai chưa biết thì càng bị bỏ lại phía sau. Trong khi đó, theo lộ trình phát triển của xã hội, tương lai gần, mọi người dân đều phải ứng dụng công nghệ số trong đời sống.

“Bình dân học vụ số” được xem là cuộc cách mạng trong thời buổi 4.0 nhằm “bổ túc” kiến thức về kỹ thuật số. Phong trào này không chỉ đơn giản là phấn trắng bảng đen với học viên đại trà ê a như “Bình dân học vụ” ngày xưa mà cần cả một hạ tầng công nghệ đồng bộ, nên dự lường sẽ gặp nhiều thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Bình dân học vụ số”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO