Thưa các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Tỉnh ủy viên, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cơ quan, đơn vị, địa phương!
Thưa các đồng chí tham dự hội nghị tại các điểm cầu trong toàn tỉnh!
Hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt các văn bản của Đảng và phát động Phong trào “Bình dân học vụ số”. Đây là hội nghị có ý nghĩa sâu sắc, được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ tỉnh đến cơ sở, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chủ trương lớn của Trung ương; đồng thời khơi dậy tinh thần học tập, đổi mới, hội nhập trong thời đại chuyển đổi số.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị các điều kiện để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, phát huy cao độ tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”; đồng thời, cũng là thời điểm tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng toàn diện, đồng bộ về sắp xếp, tinh gọn, tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tổng Bí thư nhấn mạnh một số vấn đề cần tiếp tục phải quán triệt sâu sắc liên quan đến chủ trương này: sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh và không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã "không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển, là cơ hội để chúng ta sàng lọc sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới".
Có thể nói, cuộc cách mạng lần này đã và đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ to lớn của Nhân dân và dư luận quốc tế. Sự đồng thuận, kỳ vọng của Nhân dân chính là động lực, là nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra.
Trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều kết luận quan trọng liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, làm cơ sở định hướng để các địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, như:
- Kết luận số 130-KL/TW về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
- Kết luận số 134-KL/TW về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
- Kết luận số 135-KL/TW về Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
- Kết luận số 136-KL/TW về Đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng không tổ chức cấp huyện.
- Kết luận số 137-KL/TW về Đề án tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
- Kết luận số 138-KL/TW về Đề án sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ (cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã).
- Kết luận số 139-KL/TW về Đề án Hệ thống tổ chức đảng ở địa phương (cấp tỉnh và cấp xã).
Mới nhất là Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết nghị và thông qua nhiều chủ trương lớn, mang tính đột phá về tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, Trung ương đã quyết nghị sau hợp nhất các tỉnh, thành, cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay. Cùng với đó, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Đặc biệt, Trung ương thống nhất sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị cấp xã hiện nay. Đây là bước đi mạnh mẽ, nhằm hướng đến bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sát dân, vì dân.
Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, Đề án để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, các văn bản này đã triển khai quán triệt đến các địa phương, đơn vị, đề nghị các đồng chí lưu ý triển khai thực hiện.
Thưa các đồng chí!
Cuộc cách mạng sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp lần này có quy mô rộng hơn, phức tạp hơn. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi trong mỗi người dân Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, quê hương là nơi thiêng liêng, là cội nguồn ký ức, nơi chôn nhau cắt rốn và hun đúc nên bản sắc mỗi con người. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đây là điều dễ hiểu, bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức về hình ảnh quê hương, nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức, tư tưởng, phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước, vượt qua những khó khăn, lo lắng, tâm lý thói quen bình thường, vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy và tầm nhìn rộng lớn hơn "đất nước là quê hương". Giờ là lúc không chỉ nghĩ, mà phải hành động, hành động quyết liệt, hành động vì sự phát triển chung, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính chúng ta và các thế hệ sau này, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài trong tầm nhìn 100 năm.
Tất cả tâm tư, đề xuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà về tên gọi, nơi đặt trụ sở trung tâm hành chính sau khi sáp nhập 2 tỉnh đã được tổng hợp và báo cáo đầy đủ với Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tại hội nghị ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất cao về thực hiện chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng.
Khi hợp nhất với Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (sớm hơn 25 năm so với mục tiêu quy hoạch tỉnh đã phê duyệt), Quảng Nam đang chuyển mình bước vào một giai đoạn phát triển mới, một vị thế mới. Nơi tiếng nói của Quảng Nam sẽ vang xa hơn; trí tuệ, sức lực và đóng góp của Quảng Nam sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn; và giá trị con người, văn hóa Quảng Nam sẽ được khẳng định, nâng tầm trong một không gian phát triển rộng lớn, đầy triển vọng phía trước. Thành phố Đà Nẵng hiện đang là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, giữ vai trò trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với hạ tầng hiện đại, nhân lực chất lượng cao và vị thế vững chắc trên bản đồ quốc gia, quốc tế, định hướng phát triển sắp đến cũng là trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm phát triển của khu vực, đang được thụ hưởng nhiều cơ chế đặc thù để phát triển. Việc giữ tên gọi “Thành phố Đà Nẵng” nhằm bảo đảm sự liền mạch trong chiến lược phát triển, trong thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác quốc tế, những lĩnh vực mà cái tên “Đà Nẵng” đã và đang mang lại những giá trị to lớn không chỉ cho riêng địa phương mà cho cả khu vực miền Trung.
Phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước, vượt qua những khó khăn, lo lắng, tâm lý thói quen bình thường, vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy và tầm nhìn rộng lớn hơn "đất nước là quê hương".
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết
Thưa các đồng chí,
Chúng ta không chỉ là người thực hiện, mà còn là người dẫn dắt, định hướng, tạo sự đồng thuận trong đảng bộ và nhân dân. Tôi mong các đồng chí phải hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc cách mạng lần này, phải là người đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động, giải thích, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đồng chí Tổng Bí thư đã lưu ý: Tinh thần thực hiện quyết liệt, khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng, không được để gián đoạn công việc. Bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ. Lộ trình thực hiện phải bài bản, khoa học, đảm bảo đúng Điều lệ Đảng, đúng quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo Trung ương; mạnh mẽ, quyết liệt khoa học, nhân văn; phải đảm bảo tầm nhìn xa, hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế xã hội, văn hóa phù hợp cho phát triển của địa phương cũng như là sự phát triển chung của đất nước",
Công việc phía trước rất bộn bề, cùng lúc triển khai nhiều công việc lớn, vừa sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, vừa tăng tốc bứt phá phát triển kinh tế và chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, tôi đề nghị các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Tỉnh ủy viên, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phát triển đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh, ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất,
(1) Các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến tận khu dân cư phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Tập trung, chủ động, tích cực làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các cơ quan, địa phương, tổ chức của mình để tiến tới nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, qua đó tạo được sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng và lan tỏa ra toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra.
(2) Xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, phân công nhiệm vụ đầy đủ. Triển khai công việc với tinh thần vừa chạy, vừa xếp hàng, nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản; không nóng vội, chủ quan đảm bảo yêu cầu đề ra với phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm (của tập thể và từng cá nhân), rõ thời gian hoàn thành”.
(3) Thực hiện đúng quy trình, thủ tục; không làm tắt, làm ẩu, qua loa. Ưu tiên việc nào chắc việc đó, bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch để đảm bảo các công việc thực hiện đúng tiến độ theo thời gian quy định. Phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các đề án, kế hoạch đã được Trung ương và tỉnh thông qua.
Chính quyền địa phương sau khi sắp xếp phải đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại; tạo động lực cho phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mục tiêu cao nhất là xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn hiệu lực hiệu quả, gần dân, sát dân, chủ động hướng về nhân dân phục vụ tốt hơn. Cần lưu ý khắc phục cả hai khuynh hướng: sáp nhập các xã, phường quá rộng như cấp huyện thu nhỏ; hoặc sáp nhập các xã, phường quá nhỏ.
Việc sắp xếp lại mô hình, tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phải thực sự tinh gọn, bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; không hành chính hóa hoạt động, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân theo tinh thần chú trọng và thực hành dân làm gốc, phải thực sự là cánh tay nối dài của Đảng đến từng hộ gia đình, từng người dân; phải chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đoàn viên, hội viên và của Nhân dân.
Tất cả các công việc này đều phải triển khai cùng lúc, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả, không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động thường ngày của người dân, doanh nghiệp.
(1) Tổ chức lấy ý kiến cử tri về hợp nhất cấp tỉnh, sáp nhập cấp xã trong 2 ngày 19, 20/4, hoàn thành trong ngày 20/4/2025; HĐND cấp xã thông qua ngày 22/4/2025; HĐND cấp huyện thông qua ngày 23/4/2025; HĐND cấp tỉnh thông qua ngày 24/4/2025; hoàn thiện Đề án sắp đơn vị hành chính cấp xã trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025; kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, cấp tỉnh từ ngày 1/9/2025.
(2) Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quyết định phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo công tác sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tại địa phương; UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Nam.
Đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy; đảng ủy các xã, phường, thị trấn phải phát huy vai trò chủ động, tích cực, phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, gần dân, sát dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; bảo đảm việc sắp xếp các đơn vị hành chính diễn ra đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.
(3) Các Tổ công tác ở từng thôn, tổ dân phố, khối phố; đồng chí bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn, khối phố và các đồng chí được phân công nhiệm vụ phải xác định trách nhiệm của mình trong "cuộc cách mạng" chung của đất nước, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, nhất là trong tuyên truyền vận động giải thích cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn về chủ trương của Đảng (nhất là nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Tỉnh ủy về sắp xếp đơn vị hành chính); chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho việc lấy ý kiến nhân dân (hình thành tổ do đồng chí trưởng ban công tác mặt trận làm tổ trưởng, hình thức lấy phiếu đại diện từng hộ dân); báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri theo quy định.
Các nội dung công việc khác thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 01 của BCĐ sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh (51 đầu công việc cụ thể, có giao rõ trách nhiệm, tiến độ cho các địa phương, đơn vị).
Kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công trong sắp xếp đơn vị hành chính là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ ba:
(1) Các địa phương, đơn vị chủ động các nhiệm vụ về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cao nhất cho sắp xếp. Bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân.
- Chủ trương chung, trước mắt cơ bản bố trí biên chế cán bộ, công chức, viên chức bao gồm các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã như hiện đã có để đảm bảo ổn định. Sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động sẽ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện vị trí việc làm, xác định biên chế từng cấp trong tổng biên chế chung của cả hệ thống chính trị (về cơ bản, sẽ sử dụng lực lượng cán bộ, công chức của huyện, xã hiện nay để bố trí cho các xã mới, có thể điều động cán bộ tỉnh về công tác tại các xã).
- Phương án nhân sự cấp ủy cấp xã sau khi thành lập mới là công việc quan trọng, cần đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy; giữ vững nguyên tắc trong công tác nhân sự, đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước (thực hiện lựa chọn, bố trí cán bộ theo đúng tinh thần kết luận 150 của Bộ Chính trị. Tỉnh ủy sẽ hướng dẫn cụ thể đối với việc sắp xếp cán bộ cấp huyện, xã).
Tiêu chí để bố trí cán bộ là phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng, có năng lực lãnh đạo, uy tín, nhất là có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vị sự nghiệp chung và có sản phẩm, kết quả cụ thể. Không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới. Đồng thời, phải đảm bảo tính kế thừa, phát triển và có cơ cấu cân đối, hài hòa, đáp ứng được ngay yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập. Tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”, tiêu cực trong phân công, bố trí, giới thiệu cán bộ. (Tiêu chí cao nhất là năng lực cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở vị trí công tác mới).
Nhân sự lãnh đạo các cấp như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Phải hội tụ “đủ đức – đủ tài – đủ tâm – đủ tầm – đủ sức – đủ nhiệt huyết cách mạng. Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người xứng đáng hơn - tự nguyện đứng về phía sau vì sự phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng tự hào, đáng được khen ngợi”;
- Về cán bộ không chuyên trách: Số cán bộ này theo chủ trương chung sẽ thôi không duy trì mô hình cán bộ không chuyên trách ở các xã. Tỉnh đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ cho đối tượng này. (Cán bộ không chuyên trách sẽ có thể xem xét bố trí phụ trách các công việc tại thôn, tổ dân phố, hoặc các đơn vị sự nghiệp tự chủ sẽ hình thành sau khi thành lập các xã).
(2) Chủ động việc rà soát, thống kê tài chính, tài sản, có phương án quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở làm việc, tuyệt đối không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Tập trung số hóa tài liệu của các cơ quan (cấp xã hoàn thành trước 30/6, cấp tỉnh xong trước 15/8, đây là việc khó, khối lượng lớn, cần khẩn trương triển khai ngay từ bây giờ).
Cuộc cách mạng sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp lần này là một bước ngoặt lớn, là nhiệm vụ mang tính lịch sử. Một lần nữa, tôi đề nghị các đồng chí phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước nhân dân, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thành công của cuộc sắp xếp lần này không chỉ đo bằng số lượng đơn vị hành chính giảm đi mà còn ở chất lượng bộ máy được nâng lên, ở niềm tin và sự hài lòng của người dân và ở năng lực phát triển bền vững của địa phương mới.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết
Thứ tư, về tổ chức đại hội các cấp tại địa phương sáp nhập, hợp nhất: Chúng ta tổ chức đại hội cấp xã, cấp tỉnh ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Vì vậy, cần lãnh đạo, chỉ đạo hết sức chặt chẽ để bảo đảm đại hội đúng quy định và thực chất, không hình thức. Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 35 hướng dẫn cụ thể việc tổ chức đại hội các cấp theo tinh thần mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 58 thay thế chỉ thị 50 về Đại hội Đảng các cấp, đề nghị các địa phương đơn vị tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện.
Tôi lưu ý thêm về văn kiện: (1) Cấp tỉnh phải sớm bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội cấp mình trên cơ sở dự thảo văn kiện mới của Trung ương. Phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng để xây dựng văn kiện của Đại hội tỉnh mới. Phải trên tinh thần không gian phát triển mở rộng của thành phố mới để xây dựng văn kiện. Không phải là cộng gộp cơ học các văn kiện của tỉnh cũ thành văn kiện của mới. (2) Các xã sáp nhập cũng phải thực hiện theo tinh thần này. Các xã cùng trong diện dự kiến sát nhập phải chủ động ngồi với nhau để bàn bạc, xây dựng văn kiện xã mới trước khi chính thức sát nhập, để đảm bảo sau khi sát nhập thì có thể đại hội ngay. Tỉnh ủy sẽ có phân công cụ thể các đồng chí Tỉnh ủy viên chỉ đạo đại hội các xã, đề nghị các huyện thị thành ủy cũng phải tập trung chỉ đạo cấp xã cũ thực hiện nhiệm vụ quan trọng này
Thứ năm là, vừa tập trung cho sắp xếp bộ máy hành chính, chúng ta cũng vừa tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo yêu cầu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025. Yêu cầu các ngành, các địa phương bám sát kịch bản tăng trưởng đã xây dựng, điều hành quyết liệt, cụ thể các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn:
(1) Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia
(2) Rà soát, tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án, nhất là các dự án tồn đọng, kéo dài, gây lãng phí (188 dự án đã thống kê)
(3) Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, nhất là các dự án Cảng hàng không sân bay Chu Lai, Luồng Cửa Lở, các dự án giao thông (đường Võ Chí Công; 14D, 14B, 14E, đường Liên kết vùng).
(4) Tập trung phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kích cầu du lịch.
(5) Đẩy mạnh, dốc sức đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn (Đến 8/4/2025, toàn tỉnh đã thực hiện hoàn thành được 5.767 nhà/11.523 nhà, chiếm tỷ lệ 50,05%, kinh phí đã phân bổ là 217,736 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách tỉnh là 169,990 tỷ đồng; nguồn vận động từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh là 47,746 tỷ đồng. Số nhà còn lại phải thực hiện hoàn thành trong năm 2025 là 5.756 nhà, gồm: xây mới: 3.985 nhà; sửa chữa: 1.771 nhà).
Thứ sáu là: Tập trung tổ chức tốt các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và 135 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Cùng với đó, chú trọng đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội; công an, quân sự, biên phòng cần triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án bảo vệ an ninh trật tự, biên giới, nắm chắt tình hình, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Kính thưa toàn thể hội nghị
Cuộc cách mạng sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp lần này là một bước ngoặt lớn, là nhiệm vụ mang tính lịch sử. Một lần nữa, tôi đề nghị các đồng chí phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước nhân dân, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thành công của cuộc sắp xếp lần này không chỉ đo bằng số lượng đơn vị hành chính giảm đi mà còn ở chất lượng bộ máy được nâng lên, ở niềm tin và sự hài lòng của người dân và ở năng lực phát triển bền vững của địa phương mới.
Sự đoàn kết, thống nhất và đồng lòng của chúng ta hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho thành công ngày mai, tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh và thịnh vượng.
Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các đồng chí đã dành thời gian tham dự hội nghị. Kính chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!