Tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức kết hợp với việc rà soát đúng đối tượng, đúng nhu cầu người nghèo, công tác giảm nghèo tại xã Bình Trị (Thăng Bình) đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là số hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo tại địa phương ngày một tăng.
Năm 2014, gia đình bà Lê Thị Xuân (thôn Việt Sơn, xã Bình Trị) mất đi trụ cột gia đình khi ông Lê Thanh Tùng (chồng bà Xuân) hoàn toàn không còn khả năng lao động sau một vụ tai nạn. Thời điểm này, khó khăn chồng chất đối với gia đình. Qua rà soát của địa phương, bà Xuân được tiếp cận nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo. Bà Xuân đầu tư vốn cho công việc làm nấm rơm. Sau vài năm kiên trì, nỗ lực, công việc làm nấm đã giúp bà có nguồn thu nhập ổn định. Đến năm 2018, bà Xuân tự nguyện đăng ký thoát nghèo.
“Thời điểm chồng bị tai nạn, gia đình lâm vào cảnh cùng cực. Nhờ Nhà nước hỗ trợ vay 50 triệu đồng, tôi có vốn để sắm sửa dụng cụ làm nấm. Nói chung nghề này vất vả nhưng bù lại sau những đêm thức khuya là gia đình có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán nấm” – bà Xuân chia sẻ.
Đối với gia đình bà Trương Thị Xuân (thôn Châu Lâm, xã Bình Trị) cách đây khoảng 10 năm, được sống trong ngôi nhà kiên cố, khang trang là điều không tưởng. Bởi trước đây, vợ chồng bà Xuân phải làm lụng vất vả để nuôi 3 con trai ăn học. Trong khi các hộ dân khu vực bỏ đất hoang hóa vì cằn cõi thì vợ chồng bà cải tạo để trồng các loại rau củ phù hợp; được tiếp cận nguồn vốn vay, gia đình bà Xuân đầu tư nuôi heo, bò để có tiền trang trải.
“Đến nay, 3 con trai học tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã ra trường và có công việc ổn định, vốn vay cũng đã trả xong, gia đình có điều kiện để sửa chữa ngôi nhà khang trang hơn” - bà Trương Thị Xuân cho hay.
Theo ông Trương Văn Ngọc - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Trị, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, địa phương xác định phương châm “Trao cần câu để người nghèo làm kinh tế”. Do đó, tùy thuộc vào từng đối tượng mà Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chọn hình thức hỗ trợ phù hợp; đó có thể là bò giống, máy xay nước mía, hỗ trợ vốn vay làm kinh tế… Nhờ rà soát đúng đối tượng nên hộ nghèo tại địa phương đã có điều kiện để vươn lên làm kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định đời sống.
“Trước đây, Bình Trị là địa phương có điều kiện kinh tế còn khó khăn của huyện, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm còn 3,3%, chủ yếu là hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Năm 2020, địa phương giảm 12 hộ nghèo, riêng năm nay có đến 10 hộ đăng ký thoát nghèo” - ông Trương Văn Ngọc cho biết.