Quốc phòng

Bộ đội Biên phòng Quảng Nam - 64 năm chặng đường vẻ vang

ALĂNG NGƯỚC (alangnguoc@gmail.com) 19/05/2025 08:41

Không dừng lại ở nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, dấu ấn của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam được nhắc đến bằng nhiều việc làm hữu ích với cộng đồng, đặc biệt là các chương trình đồng hành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

b7d58e8a5596e0c8b987.jpg
Qua 64 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam trở thành lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hào khí cha ông

Dòng chảy lịch sử suốt 64 năm của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam luôn gắn liền với truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quê hương xứ Quảng.

Lần theo câu chuyện lịch sử, những ngày tháng 3/1961, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Bảo vệ an ninh Quảng Nam - Đà Nẵng trên cơ sở kiện toàn Ban Bảo vệ Đảng.

Tháng 5/1961, chấp hành ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Trưởng ban Bảo vệ an ninh trực tiếp đề xuất kế hoạch thành lập lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng, với tên gọi lúc đầu là Tổ Cảnh vệ.

Sau khi được Tỉnh ủy phê duyệt, ngày 19/5/1961, đúng vào Ngày sinh nhật Bác, lễ ra mắt đơn vị tiền thân của An ninh vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng được tổ chức trang trọng tại làng Blô Hiền (nay là thôn Bhlô Bền, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang). Quân số khi ấy chỉ vỏn vẹn 7 người, do ông Đinh Ngọc Cân làm Tổ trưởng.

Trước diễn biến ngày càng phát triển của phong trào cách mạng, ngày 22/2/1962, Tỉnh ủy quyết định đổi tên Ban Bảo vệ An ninh thành Ban An ninh tỉnh để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.

Cuối năm 1962, chấp hành nghị quyết của Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy quyết định chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Ban An ninh cũng chia thành 2 lực lượng nhưng vẫn phối hợp chặt chẽ với nhau trong chiến đấu.

Với truyền thống “trung dũng, kiên cường” và tinh thần linh hoạt, sáng tạo, lực lượng An ninh vũ trang sát cánh cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, giữ vững thế tiến công, đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù và đưa phong trào tiếp tục tiến lên.

Đến năm 1972, lực lượng An ninh vũ trang xây dựng thành hệ thống từ tỉnh đến huyện, hoạt động đến xã, được bố trí trên khắp địa bàn, cùng với nhân dân sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, lập nên những chiến công vang dội.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP Quảng Nam kiểm tra mô hình sinh kế được hỗ trợ cho các hộ nghèo tại xã biên giới A Xan (Tây Giang). Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nhiều mô hình sinh kế được BĐBP Quảng Nam thực hiện, giúp đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đại tá Trần Tiến Hiền - Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Nam kể, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia được phát triển trong điều kiện mới nhưng lại đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách.

Đồng lòng “vì nhân dân phục vụ”, lớp lớp cán bộ chiến sĩ vượt qua gian khó, từ miền xuôi khoác ba lô ngược tuyến biên giới để triển khai lực lượng. Vừa dựng đồn, lập trạm trên dải đất biên cương hiểm trở, vừa bắt tay vào nhiệm vụ vận động quần chúng, xây dựng hệ thống tổ chức chính trị ở địa bàn biên giới vững vàng.

“Một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng của cán bộ chiến sĩ biên phòng lúc bấy giờ là thực hiện Chỉ thị số 391, ngày 11/11/1977 của Thủ tướng Chính phủ về “Thực hiện Hiệp ước hoạch định Biên giới Việt Nam - Lào”.

Công tác khảo sát, cắm mốc gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Rừng núi hiểm trở, địa hình phức tạp, quá trình thực hiện nhiệm vụ, hầu hết cán bộ chiến sĩ bị bệnh sốt rét. Có những đồng chí đã hy sinh ngay trên đường biên.

Song với ý chí quyết tâm vượt qua mọi gian khó, từ năm 1977 - 1980, lực lượng BĐBP tỉnh hoàn thành 17 mốc giới, góp phần phân định được đường biên giới đầu tiên giữa Việt Nam - Lào trên đoạn biên giới Quảng Nam - Sê Kông” - Đại tá Trần Tiến Hiền chia sẻ.

Tiếp bước truyền thống anh hùng

Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhà nước với tinh thần “Giúp bạn là giúp mình”, những năm qua, BĐBP Quảng Nam triển khai đầu tư xây dựng nhiều trụ sở, bệnh xá, trường học, công trình dân sinh, nhà ở… cho bạn Lào.

Nhiều bản làng đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở các huyện Tây Giang, Nam Giang được cán bộ chiến sĩ biên phòng hỗ trợ lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tuyến biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tuyến biên giới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhiều bệnh xá quân dân y kết hợp và quân y các đồn biên phòng tổ chức khám, chữa bệnh, cấp cứu và cứu sống hàng trăm công dân Lào. Trong đó, gần 120 sản phụ Lào được đỡ đẻ thành công, những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời tại các đồn biên phòng trên địa bàn biên giới của tỉnh.

Hàng chục học sinh Lào ở các bản giáp biên được giúp đỡ, nhận nuôi; cùng hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ giúp bạn trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt mẫu mực Việt Nam - Lào.

Cùng với hoạt động đối ngoại biên phòng, cán bộ chiến sĩ phối hợp với chính quyền các địa phương tuyến biên giới tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đến nay, đã thành lập 37 tổ/733 thành viên tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; 217 tổ/13.600 thành viên tổ tự quản an ninh trật tự; 81 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với 955 tàu thuyền và hơn 4.500 thuyền viên; xây dựng 15 bến bãi tự quản với hơn 1.700 thành viên, cùng 10 nghiệp đoàn nghề cá…

Ngoài nhận đỡ đầu hơn 200 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”, chúng tôi duy trì phân công gần 300 đảng viên phụ trách hơn 1.000 hộ gia đình, qua đó giúp gần 400 hộ gia đình thoát nghèo bền vững; vận động hỗ trợ ngư dân hơn 7 tỷ đồng vươn khơi, bám biển và nhận phụng dưỡng 30 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Lực lượng còn phối hợp vận động hơn 12 tỷ đồng giúp xây dựng 200 ngôi nhà “Mái ấm biên cương”, huy động nguồn lực trao gần 50 tỷ đồng hỗ trợ sinh kế, nhà ở, nhu yếu phẩm, chăm sóc sức khỏe cho người dân biên giới khó khăn thông qua các trình “Quân - dân y kết hợp”, “Xuân biên cương - Tết hải đảo”, “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”…

“Những năm qua, BĐBP tỉnh triển khai nhiều chương trình, mô hình, phần việc ý nghĩa chung sức xây dựng nông thôn mới, điểm sáng văn hóa vùng biên, giúp nhân phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tiếp bước truyền thống cha ông đi trước, lực lượng BĐBP Quảng Nam luôn có mặt trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và dịch bệnh, đặc biệt là trên mặt trận phòng chống tội phạm, đem lại bình yên cho người dân các tuyến biên giới” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn nói.

Ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, BĐBP Quảng Nam cùng 8 tập thể và 9 cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1 tập thể được tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, đón nhận 1 Huân chương Quân công hạng Nhất; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, Ba; 3 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 1 Huân chương hữu nghị của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bộ đội Biên phòng Quảng Nam - 64 năm chặng đường vẻ vang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO