Cuộc sống thường ngày

Bơi giữa biển xa...

Ghi chép của HÀ QUANG 14/04/2024 10:01

Bơi giữa biển lạnh suốt 38 giờ để giành lại sự sống cho mình, Hoàng Minh Nhơn (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) trải qua hành trình sóng gió với nghị lực sinh tồn phi thường.

z5327836375873_7569bbdece825560c560aa45a98a9db3.jpg
Hoàng Minh Nhơn cùng cha mình kể lại vụ tai nạn vừa qua. Ảnh: H.QUANG

Biết Nhơn vừa xuất viện, nhưng tôi không dám hẹn gặp, bởi nghe nói anh vẫn còn yếu lắm, dạ dày tổn thương và teo lại do phải uống nước biển trong mấy ngày liền, chưa ăn được nhiều để phục hồi sức lực. Thêm vài hôm, khi được người nhà thông báo tình hình sức khỏe của Nhơn tương đối ổn định, tôi vội vàng tìm đến.

Nghị lực sinh tồn

Bằng giọng nhỏ nhẹ, Nhơn kể, chuyến ra khơi của anh bắt đầu từ ngày 25/2 (16 tháng Giêng) cùng 42 bạn biển trên chiếc tàu câu mực do một ngư dân địa phương làm chủ.

Hành trình hơn 400 hải lý thì tới ngư trường. Chập choạng tối ngày 3/3, 42 chiếc thúng câu lần lượt được thả xuống biển, mỗi thúng trôi hun hút theo những luồng gió khơi xa.

“Khoảng 9 giờ tối, em đang thả câu thì một mép sóng mạnh ập tới đánh chiếc thúng lật úp, em cố chui ra ngoài rồi định thần lại. Sau đó lợi dụng con sóng ập tới, em cố lật chiếc thúng ngửa ra nhưng nặng quá, chỉ hở lên một chút. Rất may vật đầu tiên trôi ra là chiếc phao định dạng (một loại thiết bị tín hiệu vệ tinh), em vớ lấy và cột vào người.

Lần thứ hai cũng cố lật thúng lên để lấy những đồ vật cần thiết nhưng vẫn không thể, chỉ vớt được chiếc áo phao đã bị cắt một nửa, rồi sau đó chiếc thúng chìm dần, em quyết định bỏ thúng, bơi đi...” - Nhơn kể.

Từ đây, bắt đầu hành trình tìm sự sống. Và niềm hy vọng khởi đi từ chiếc phao định dạng. Đây là một loại thiết bị hàng hải, phát tín hiệu từ vệ tinh. Máy thu trên các loại tàu thuyền có thể nhận dạng tín hiệu ở khoảng cách vài hải lý. Nhiều tàu câu mực khơi trang bị thiết bị này để bắt tín hiệu từ ngư dân trong quá trình vớt thúng lên tàu.

Nhưng với tàu thuyền khác, đặc biệt là tàu hàng, loại tín hiệu này cũng dùng để nhận biết vật phía trước mà chủ động né tránh va chạm. Bởi vậy, giữa đêm đen kịt, Nhơn nhiều lần cố bơi theo hướng đốm sáng lập lòe trên sóng để lại gần nhất có thể, với hy vọng chiếc phao định dạng của mình được bắt tín hiệu. Nhưng đêm đầu tiên anh đã không “bắt” được đốm sáng nào.

Ngày mới bắt đầu trên biển, trong cơn lạnh đã ngấm, Nhơn rệu rã. Anh kể, chân tay của mình tê cóng, không muốn cựa quậy nữa, miệng đã khô khốc đi... Nhơn nói: “Lúc đầu em ngậm từng ngụm một, rồi nhả ra từ từ. Nhưng sau đó khát quá, uống nước biển vào đầy bụng rồi ói ra. Lúc này em không biết bơi đi đâu nữa, chỉ trụ đó và chờ tàu đi vớt thúng, nhưng mình đã trôi quá xa rồi, tàu không tìm thấy được.

Trụ qua đến buổi chiều, em quyết định phải cố bơi đến những con tàu mà mình nhìn thấy. Lúc đầu em thấy một đôi giã cào, nên nhắm hướng đó mà bơi, nhưng được khoảng nửa chừng thì đôi giã này chạy mất.

Tiếp đến thấy một tàu chở hàng, mình cũng bơi đón hướng nhưng họ đã bẻ lái ngày càng xa ra... Rồi đến tối, em phát hiện nhiều tàu nữa nhưng bơi miết mà không được, hình như em bơi được 11 đoạn dài, cũng đã đuối sức lắm rồi...”.

Và bình minh trên biển lại đến. Nhơn kể, “lúc ấy mệt quá, em đã muốn buông tay, nhưng khi ngước mắt lên, hình như em nhìn thấy một bến cảng, nhưng không phải, đó là một chiếc tàu hàng đi khá gần. Trên tàu có một người hét lên bằng tiếng Việt, “chiếc tàu đằng sau sẽ đến cứu anh đó”... Sự sống của Nhơn bây giờ gấp gáp như những hơi thở. Và “chiếc tàu đằng sau” cũng kịp đến, Nhơn cũng chỉ kịp nói tên và quê, rồi không biết gì nữa...

Nhọc nhằn biển khơi

Những ngày Nhơn “mất tích”, ông Hoàng Thanh Tâm (cha của Nhơn) có lẽ cũng muốn “bơi” thật nhanh để tìm thấy con. Ông Tâm đi chung tàu với con trai, sáng 4/3, sau khi những chiếc thúng câu lần lượt được vớt lên tàu, ông mới hớt hải vì biết chiếc thúng của Nhơn đã mất định dạng.

z5327835023776_e2166ba3808aa9ec4b2ccaa2247c1ac5.jpg
Ngư dân thôn Bình Tịnh chuẩn bị phương tiện để bắt đầu mùa biển mới. Ảnh: H.Quang

Chủ tàu huy động thêm hai chiếc nữa, bắt đầu cuộc tìm kiếm, rồi niềm hy vọng tắt dần, cho đến khi nhận được thông tin của chủ tàu người Bình Định.

Ông Tâm cho biết: “Phải chạy đến 5 giờ mới gặp được tàu đã cứu con tôi. Chủ tàu người Bình Định vừa nói vừa lắc đầu, sức khỏe của hắn yếu lắm. Khi vớt lên, cả người hắn tím tái, đen như cục than, suýt nữa thì họ không vớt vì tưởng là khúc củi.

Tôi thấy tình thế không xong nên liên lạc tàu từ bờ ra ứng cứu, và hai tàu phải chạy ngược chiều nhau thêm nhiều giờ nữa, Nhơn mới được lực lượng chức năng đưa lên tàu và sơ cứu kịp thời”.

Ngồi cùng con trai trong căn nhà khá tươm tất, là thành quả của hơn 30 năm đeo bám biển khơi, ông Tâm nói như tỏ ra hối lỗi về tai nạn của con mình: “Nó ham quá nên tôi mới để đi câu mực, chứ nghề này khổ lắm!”.

Một đời ngư dân đủ nhọc nhằn như ông, chuyện không muốn để đứa con trai mình trải nghiệm sóng gió xa bờ, cũng là điều dễ hiểu. Ông Tâm kể, mình cũng từng suýt chết vì cơn bão Chanchu năm 2006. Tàu của ông dự đoán sai, chạy theo hướng gió, nhưng bất ngờ sau đó, tâm bão xoay chuyển, tàu mới thoát khỏi vùng nguy hiểm, còn hàng chục chiếc chạy theo hướng khác đã mãi mãi nằm lại biển khơi.

Ở thôn Bình Tịnh này, tôi cũng từng chứng kiến “tâm bão” Chanchu quét qua đây. Cả một đoạn dài theo đường Thanh niên ven biển qua địa phương lúc ấy, tràn ngập màu tang tóc. Cơn vật vã đợi chờ người thân “trở về” trong những chiếc túi chen kín muối biển, là tiếng kêu gào thương xót, cuộn lên từng cơn như sóng chướng.

Gần 20 năm trôi qua, Bình Tịnh mang diện mạo mới từ nguồn thu nhập chủ yếu của nghề mực xà, nhưng nỗi nhọc nhằn vẫn đeo bám ngư dân. Trên tàu câu mực xà bây giờ, dù có thêm các thiết bị tân tiến, nhưng nhiều ngư dân vẫn chật vật, đánh đu với sóng gió theo kế sinh nhai.

Hơn bốn chục con người chen chúc trên chiếc tàu gỗ lênh đênh suốt vài tháng giữa biển cả, thật khó kể hết về sự chật vật. “Mình lỡ theo nghề này thì phải làm, chứ khổ lắm. Cả đêm câu trên thúng, ban ngày thì xẻ phơi mực, ăn uống thất thường, nước ngọt khan hiếm..., rồi đi qua đi lại trên tàu là hứng phải nước mực từ giàn phơi, ngứa ngáy không chịu nổi. Sóng gió đã đành, mà thu nhập ngày càng khó do nguồn lợi suy giảm. Chủ tàu thì còn được được chứ bạn biển đủ trang trải gia đình là may lắm rồi” - ông Tâm chia sẻ.

Nguy hiểm với nghề câu mực khơi, với ông Tâm, là chuyện đã đành, bởi đó là “môi trường làm việc” khó thể khác được. Nhưng với những ngư dân trẻ như Nhơn, có thể đó là một sự lựa chọn sau khi đã hình dung về nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy phải đối mặt. Sự lựa chọn đó thật dễ nhưng cũng thật khó trước nhu cầu của cuộc mưu sinh gắn với nghề biển, mà với Nhơn, nó như chỉ vừa bắt đầu.

Trải qua hai đêm lạnh giữa biển chỉ với một nửa chiếc áo phao, cuộc sinh tồn này thật quá sức tưởng tượng. Nhưng với Nhơn, khi kể về “diễn biến tâm lý” lúc ấy, chàng ngư dân mới 26 tuổi này nói gọn lỏn: “em chỉ cố bơi để được sống”.

Bây giờ, khi cơn ác mộng biển đêm đã qua, Nhơn có lẽ sẽ không muốn lựa chọn độc hành trên chiếc thúng câu giữa biển xa. Anh nói và nhìn theo hướng biển: “Mai mốt em tính đi nghề lộng”.
Tôi nhìn theo Nhơn, bờ biển cách đó chỉ vài chục bước chân, vài ngư dân đang hì hục san sửa lại phương tiện để bắt đầu một mùa biển mới, gần bờ!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bơi giữa biển xa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO