Xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng của từng nhà trường nói riêng và toàn ngành GD-ĐT nói chung nhằm tạo dựng môi trường học tập thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Những năm qua, Quảng Nam đã tập trung cho công tác này, từ đó tạo nên bức tranh trường chuẩn có nhiều nét tươi sáng.
Không chỉ là nhiệm vụ của ngành GD-ĐT, xây dựng trường chuẩn còn nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và lan tỏa đến đông đảo phụ huynh. Nhờ đó, giáo dục Quảng Nam đã gặt hái được những kết quả lạc quan…
Điểm sáng
Năm 1999, Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình (xã Đại Hiệp, Đại Lộc) được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia và là ngôi trường đầu tiên của tỉnh Quảng Nam hoàn thành nhiệm vụ trường chuẩn. Đến năm 2002, một trường học khác của huyện Đại Lộc là Mầm non Đại Phong (xã Đại Phong) trở thành trường mầm non đầu tiên ở miền Trung - Tây Nguyên vinh dự đạt chuẩn quốc gia. Không dừng lại ở đó, giáo dục Đại Lộc duy trì “phong độ” xuyên suốt thời gian dài và xứng đáng là điểm sáng của tỉnh về xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với sắp xếp trường lớp, tạo ra sức bật mới trong việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, nâng cao chất lượng dạy và học.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc cho biết, thời điểm năm 2017, toàn huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng chuẩn quốc gia ở 100% trường học. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chủ trương của tỉnh sáp nhập 18 trường dẫn đến 1/5 số trường học trên địa bàn huyện không còn đạt chuẩn. Nỗ lực để sớm trở lại, đến nay tất cả 52 trường học các cấp từ mầm non, tiểu học đến THCS của huyện đã đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục; đặc biệt có những trường đã 4 lần được công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia.
Một số địa phương cũng gặt hái thành công trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, tiêu biểu như TP.Tam Kỳ. Theo Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, dù có đôi chút khó khăn về cơ sở vật chất, diện tích nhưng với quyết tâm và sự đầu tư mạnh mẽ của thành phố, đến thời điểm này tất cả 37 trường học của thành phố đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tương tự, các địa phương đã về đích xây dựng trường chuẩn với 100% trường đạt chuẩn như huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Núi Thành.
Là địa phương miền núi, song với sự vào cuộc tích cực, huyện Nam Giang cũng tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng trường chuẩn. Theo ông Châu Ngọc Vĩnh - Trưởng phòng GD-ĐT, hệ thống trường học của huyện Nam Giang những năm qua không ngừng phát triển với 24 trường (gồm 7 trường mầm non, 9 tiểu học, 7 THCS và 1 trường tiểu học &THCS). Mô hình trường học liên xã, nội trú, bán trú phù hợp với vùng miền núi cao, tạo điều kiện cho học sinh ăn ở, sinh hoạt tại trường. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 sớm trước 2 năm.
Thuận lợi ở khu vực đồng bằng
Trên bình diện chung cả tỉnh, bức tranh trường chuẩn cũng có nhiều điểm sáng.
Theo ông Đỗ Quang Khôi - Trưởng phòng Quản lý chất lượng - giáo dục thường xuyên, nghề nghiệp (Sở GD-ĐT), những năm qua, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được các địa phương, trường học quan tâm. Nhờ đó, đến nay trong tổng số 726 trường học cả tỉnh có đến 586 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Với 81%, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của Quảng Nam nằm ở tốp đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên; trong đó cấp tiểu học đạt kết quả cao nhất với 88% (200/227 trường), mầm non 82% (185/226), THCS 81% (178/218) và THPT 42% (23/54).
Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia phản ánh tình hình kinh tế - xã hội và sự quan tâm của từng địa phương. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, hầu hết địa phương đồng bằng đều có được kết quả trường chuẩn khá cao, như Đại Lộc, Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình, Núi Thành đã hoàn thành nhiệm vụ trường đạt chuẩn 100%; còn các địa phương Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tiên Phước, Hiệp Đức đang tiến về đích khi chỉ còn 2 - 3 trường chưa đạt chuẩn.
Bên cạnh kết quả lạc quan ở khu vực đồng bằng thì đối với các địa phương miền núi cao, việc xây dựng trường chuẩn gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, trường đạt chuẩn của nhiều huyện chưa đến 50%, thậm chí có huyện còn dưới 30%, như Bắc Trà My 29% (11/39 trường), Phước Sơn 30% (6/20), Đông Giang 35% (9/26), Nam Trà My 49% (14/29). Đây thật sự là bài toán nan giải bởi điều kiện miền núi cao cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chất lượng giáo dục thấp, thiếu đội ngũ giáo viên.
Trưởng phòng GD-ĐT Điện Bàn - bà Trần Thị Thanh Vân cho biết, trong những năm qua quy mô trường học của Điện Bàn phát triển khá nhanh, nhất là tại vùng Đông dẫn đến số lượng trường học khá lớn. Dù vậy, với sự quan tâm đầu tư của thị xã và các địa phương cùng nỗ lực của toàn ngành, công tác xây dựng trường chuẩn trên địa bàn đã đạt được kết quả tốt, bộ mặt trường lớp ngày càng khang trang, góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia khá lạc quan nhưng lại cho thấy một nghịch lý: trong khi trường học được quản lý bởi cấp huyện (mầm non, tiểu học, THCS) đạt chuẩn khá nhiều, thậm chí có địa phương 100%; thì ngược lại, trường học do tỉnh quản lý (THPT) khá thấp.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT, tỷ lệ trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia ở cấp tiểu học 88% (200/227 trường), mầm non 82% (185/226), THCS 81% (178/218), còn cấp THPT khá khiêm tốn với chỉ 42% (23/54). Điều đáng nói, tỉnh quản lý chỉ một cấp học THPT với 54 trường; trong khi các huyện, thị xã, thành phố quản lý cả 3 cấp học với số lượng trường học lớn, thậm chí còn nhiều hơn như Thăng Bình 70 trường, Điện Bàn 69, Núi Thành 57, Đại Lộc 52. Vì sao có nghịch lý này?
Cấp huyện đầu tư bài bản
Một điều rất dễ nhận thấy, đó là hầu hết địa phương cấp huyện đều có kế hoạch, đề án đầu tư trường chuẩn khá bài bản. Chẳng hạn huyện Đại Lộc, theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT, địa phương luôn xem sự nghiệp GD-ĐT là nhiệm vụ chính trị không chỉ của từng đơn vị trường học, ngành GD-ĐT mà còn của Huyện ủy, UBND huyện và từng xã, thị trấn.
Bởi vậy, nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện đều xác định nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong nghị quyết. Đối với ngành, xác định cơ sở vật chất là tiêu chí khó khăn nhất trong xây dựng trường chuẩn, nên phòng GD-ĐT chủ động rà soát, tổng hợp nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất để tham mưu lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện đầu tư theo kế hoạch, lộ trình.
“Liên tiếp trong hai nhiệm kỳ từ 2015 - 2025, HĐND huyện Đại Lộc đã ban hành 2 nghị quyết đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học để xây dựng trường chuẩn với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Cạnh đó, các xã, thị trấn cũng rất quan tâm đầu tư cho các trường học của địa phương, có những xã dành gần 20 tỷ đồng/năm cho các trường đầu tư trường chuẩn” - bà Vân thông tin.
Không chỉ Đại Lộc, các địa phương cũng có sự quan tâm đối với sự nghiệp GD-ĐT, nhất là những cấp học do mình quản lý.
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Tam Kỳ, ở mỗi giai đoạn thành phố đều có nghị quyết, đề án về phát triển giáo dục. Gần nhất là Nghị quyết 09 (ngày 23/7/2021) của Thành ủy Tam Kỳ về phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết 90 (14/4/2022) của HĐND thành phố về phát triển giáo dục TP.Tam Kỳ đến 2025 với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 421 tỷ đồng, đã tạo ra sức bật mới cho sự nghiệp trồng người. Không chỉ dừng lại ở các cấp học do địa phương quản lý, Tam Kỳ còn có chính sách hỗ trợ đầu tư cho mỗi trường THPT trên địa bàn thành phố một công trình phục vụ dạy và học từ 4 - 5 tỷ đồng.
Tại huyện Thăng Bình, theo một lãnh đạo phòng GD-ĐT, ngoài sự quan tâm đầu tư, lồng ghép xây dựng trường chuẩn vào các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện còn giao trách nhiệm thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất cho các xã, thị trấn để cùng với ngành xây dựng trường chuẩn. Nhờ đó, công tác xây dựng trường chuẩn của huyện mới có được kết quả như hôm nay.
Cấp tỉnh chưa quan tâm đúng mức
Từ năm 1999, tỉnh Quảng Nam đã có trường tiểu học đầu tiên đạt chuẩn quốc gia là Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình (huyện Đại Lộc) và sau đó hàng loạt ngôi trường ở các cấp học mầm non, THCS của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp bước.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2012, ngôi trường THPT đầu tiên của tỉnh mới được công nhận đạt chuẩn quốc gia là Trường Phổ thông DTNT tỉnh. Khoảng cách 13 năm cho thấy điểm xuất phát trong công tác xây dựng trường chuẩn ở cấp THPT khá chậm so với các cấp học khác.
Đó là chưa kể, sự quan tâm đầu tư xây dựng trường chuẩn đối với THPT chưa tương xứng. Từ trước đến nay gần như chưa có một đề án, kế hoạch cụ thể nào về thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn. Từ đó, việc đầu tư thiếu tập trung, manh mún dẫn đến số lượng trường đạt chuẩn không như mong đợi.
Không thể phủ nhận, những năm gần đây, Quảng Nam có sự đầu tư khá lớn cho trường THPT. Ngoài hai Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tông, một số trường học có cơ ngơi khá khang trang sau khi được đầu tư 40 - 50 tỷ đồng như THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành), Hồ Nghinh (Duy Xuyên) hay Duy Tân, Trần Cao Vân (Tam Kỳ); và mới đây nhất là THPT Quế Sơn.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ngôi trường xây dựng đã lâu xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu dạy học, nhất là việc dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới, chưa đảm bảo các quy định của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất.
Một con số thống kê của Sở GD-ĐT khiến cho nhiều người không khỏi giật mình, đó là nhiều trường học đã xây dựng cách đây gần 40 năm đến nay vẫn còn sử dụng như Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn, Phổ thông DTNT tỉnh hay 30 năm như THPT Trần Hưng Đạo (Hội An) và 17 trường THPT đã sử dụng trên 20 năm, nay đã xuống cấp.
Chia sẻ về việc trường THPT do tỉnh quản lý có tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia thấp so với bậc THCS, tiểu học, mầm non do các địa phương cấp huyện quản lý, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, đó là một thực tế đáng buồn và cần phải suy nghĩ. Nguyên nhân do ngành chưa tham mưu kịp thời để tỉnh có sự quan tâm đầu tư đúng mức; các trường học cũng không phát huy hết trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn. Vì vậy, thời gian qua Sở GD-ĐT xây dựng đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất trường THPT, tích cực tham mưu cho tỉnh nhằm sớm có chủ trương đầu tư trường chuẩn quốc gia.
Xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành GD-ĐT mà cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là trong đầu tư cơ sở vật chất. Đề án chuẩn hóa THPT dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh tại kỳ họp vào tháng 6 tới được kỳ vọng tạo bước đột phá cho xây dựng trường chuẩn.
Nhiều khó khăn, thách thức
Ngoài các cấp học mầm non, tiểu học và THCS có được kết quả tốt, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở cấp THPT chưa như mong muốn. Dẫu vậy, một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn đó là tình trạng không ít trường học rơi vào cảnh rớt chuẩn. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, đến nay, số lượng trường học rớt chuẩn cả tỉnh khá nhiều với tổng cộng 166 trường; trong đó, mầm non 42 trường, tiểu học 65 trường, THCS 45 trường và 14 trường THPT.
Một số địa phương có số trường hết hạn và rớt chuẩn rất nhiều như Điện Bàn 28, Thăng Bình 23, Núi Thành 19, Duy Xuyên 17. Điều đó khiến số trường được công nhận đạt chuẩn là 586, song thực tế cả tỉnh chỉ còn 420 trường còn hạn đạt chuẩn (gồm 143 trường mầm non, 135 trường tiểu học, 133 trường THCS và cấp THPT chỉ còn vỏn vẹn 9 trường đạt chuẩn).
Với kết quả nêu trên, so với chỉ tiêu về trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 theo Nghị quyết 11 (ngày 25/4/2017) của Tỉnh ủy Quảng Nam thì đến thời điểm này thấp hơn nhiều. Cụ thể, chỉ tiêu đến năm 2025 cả tỉnh có 583 trường học đạt chuẩn (80%) nhưng kết quả chỉ đạt gần 58%; trong đó mầm non chỉ tiêu 159 trường (70% nhưng chỉ đạt 63%), tiểu học 216 (95% - 59%), THCS 175 (80% - 61%), THPT 33 (60% - 16%).
Giải thích nguyên nhân hàng loạt trường mất chuẩn, ông Đỗ Quang Khôi - Trưởng phòng Quản lý chất lượng - giáo dục thường xuyên, nghề nghiệp (Sở GD-ĐT) cho rằng, theo quy định 5 năm sau khi đạt chuẩn các trường học phải được kiểm tra lại để công nhận có tiếp tục đạt chuẩn hay không. Thế nhưng, thời gian qua có rất nhiều trường học vì các lý do khác nhau, trong đó chủ yếu cơ sở vật chất xuống cấp, không còn đủ tiêu chuẩn nên không làm hồ sơ đề nghị công nhận và đương nhiên bị rớt chuẩn.
Một số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia khá sớm như Trường Phổ thông DTNT tỉnh vào năm 2012 và đến năm 2015 tiếp tục nâng lên đạt chuẩn mức 2, song tròn 10 năm qua trường chưa được kiểm tra để công nhận tiếp tục đạt chuẩn.
Khẳng định sự cần thiết của việc trình HĐND tỉnh đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT giai đoạn 2026 - 2030, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn lưu ý các ngành quan tâm đến vấn đề quy hoạch mặt bằng tổng thể khuôn viên nhà trường, đảm bảo các công trình được xây dựng đúng quy hoạch, đầu tư “trường ra trường, lớp ra lớp”, tránh việc đầu tư manh mún, không đồng bộ, hiệu quả thấp. “Đầu tư xây dựng mới theo tinh thần phải toàn diện, phân kỳ đầu tư đảm bảo hợp lý, phục vụ tốt nhất yêu cầu trường chuẩn quốc gia và nâng cao chất lượng dạy học” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Lý do, theo hiệu trưởng Nguyễn Đức Sơn, vì nhiều hạng mục cơ sở vật chất xuống cấp nặng, không đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia và vẫn đang chờ dự án đầu tư xây mới khối nhà lớp học, thư viện, bộ môn, khối nội trú...
Có đến 13 ngôi trường THPT khác cũng rơi vào tình cảnh hết hạn như Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) đạt chuẩn từ năm 2013 nhưng đến nay chưa được kiểm tra công nhận đạt chuẩn trở lại. Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) đạt chuẩn từ năm 2015 đến nay cũng xuống cấp và đang loay hoay trong việc xây dựng ở vị trí mới.
Ngay cả Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi đạt chuẩn vào năm 2015 cũng chịu cảnh rớt chuẩn. Các trường đã từng đạt chuẩn cách đây gần 10 năm đến nay hết hạn như THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc), Hoàng Diệu (Điện Bàn), Lê Hồng Phong (Duy Xuyên), Nguyễn Trãi (Hội An), Tiểu La (Thăng Bình).
Chờ đề án chuẩn hóa trường THPT
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường, công tác xây dựng trường chuẩn trên bình diện cả tỉnh thời gian qua nhìn chung đạt kết quả khá tốt, tuy nhiên so với yêu cầu và chỉ tiêu đặt ra vẫn chưa đáp ứng, nhất là tình trạng nhiều trường học rớt chuẩn. Vì vậy, các năm học gần đây sở đều tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm xốc lại tinh thần, đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn, tránh tình trạng lơ là.
“Phải xác định rõ xây dựng trường chuẩn là công việc lâu dài, cần những giải pháp tổng hợp; trong đó trách nhiệm trước hết là của ngành, sau đó mới nói đến cơ chế chính sách, sự quan tâm của địa phương. Lãnh đạo các trường học cần coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng bên cạnh công tác chuyên môn, từ đó tham mưu kịp thời cho địa phương để có sự quan tâm hỗ trợ. Có như vậy mới tạo ra sự chuyển biến tích cực hơn trong công tác xây dựng trường chuẩn” - ông Tường chia sẻ.
Đối với trường THPT, một trong những giải pháp được Sở GD-ĐT xác định nhằm tạo ra bước đột phá trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thời gian tới là đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026 - 2030. Soạn thảo, chỉnh sửa nhiều lần trong hai năm qua, theo kế hoạch tại kỳ họp vào tháng 6 tới đây, đề án sẽ được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh.
Theo đề án, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư 1.148 tỷ đồng với mục tiêu bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt 60% trở lên. Nếu được thông qua thì đây là lần đầu tiên Quảng Nam ban hành đề án đầu tư xây dựng trường chuẩn cấp THPT, làm cơ sở để tạo ra cú hích trường chuẩn quốc gia.
Nội dung: XUÂN PHÚ - Trình bày: MINH TẠO