Du lịch

Bước chân vào rừng nguyên sinh

PƠLOONG PLÊNH 12/01/2025 10:49

Rừng là môi trường sống của bao sinh vật. Không những thế, rừng nguyên sinh còn chứa đựng nhiều bất ngờ với các nhà nghiên cứu khoa học.

Cây Pơ-mu hổ ở Tây Giang. Ảnh Pơloong Plênh
Cây pơmu hổ ở Tây Giang. Ảnh Pơloong Plênh

Rừng ở Tây Giang, nhất là các khu rừng pơmu của đỉnh núi Ziliêng thuộc địa phận xã Tr’hy và A xan, ngoài mang giá trị cây di sản, văn hóa, tâm linh còn chứa các giá trị về khoa học và lịch sử.

Khám phá vòng đời của cây

Quần thể rừng di sản pơmu ở Tây Giang thuộc loại cây quý hiếm, nằm trong sách đỏ của quốc tế. Ngoài những giá trị về cảnh quan du lịch, môi trường, giữ và điều tiết nguồn nước hài hòa quanh năm ở các khe sông, khe suối, quần thể pơmu còn góp phần tạo dựng môi trường sống mát mẻ, trong lành.

Theo công trình nghiên cứu đầu năm 2009 của nhà khoa học người Mỹ Brendan Buckley, thuộc Phòng thí nghiệm Vòng cây (Tree ring Laboratory - cơ quan nổi tiếng Lamont-Doherty Earth Observatory) cùng một đồng nghiệp Việt Nam, cho biết, họ tìm được trong rừng quốc gia Bidoup - Núi Bà thuộc tỉnh Lâm Đồng, gần Đà Lạt, nhiều cây thông đã sống cách đây gần ngàn năm.

Những gốc pơmu tại Tây Giang thuộc họ thông này. Và các cây thông này thuộc loài cây thông hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng (ghi trong sách đỏ) gọi là Fokienia hodginsii (cây pơmu).

Từ việc nghiên cứu vòng đời của các cây pơmu tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, các nhà khoa học đã làm được một điều đáng kinh ngạc là giải mã một số biến cố gây ra bởi sự thay đổi khí hậu trong quá khứ.

z4815210728677_adfc1e4e0e089727cb555c0d9b8cae97.jpg
Du khách khám phá rừng di sản pơmu.

Cụ thể, thông qua hơn 100 mẫu ruột cây pơmu được lấy từ Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nhà khoa học Brendan Buckley đã tiến hành phân tích tại Phòng thí nghiệm Vòng cây của Lamont-Doherty Earth Observatory (Mỹ).

Từ các mẫu lấy ở thân cây pơmu, ông Buckley đã tái tạo lại thời tiết gió mùa ở lục địa Á châu trong quá khứ đến tận thế kỷ 14 và từ đó chứng minh nền văn minh Khmer rực rỡ ở Angkor đã sụp đổ vì nạn hạn hán và lũ lụt. Đây là một khám phá quan trọng trong lịch sử khí hậu gió mùa và hiện tượng El Nino ở Đông Nam Á.

Cộng với các kết quả nghiên cứu trước đây ở Thái Lan, nhóm nghiên cứu của Buckley đã xác định được rằng, từ các vòng trên thân cây pơmu cho thấy loài cây này đã trải qua vài thời kỳ hạn hán lớn trên vùng đất liền ở Đông Nam Á trong các năm đầu của thế kỷ 15.

Du lịch ngắm rừng là hành trình du lịch mới mẻ và hấp dẫn ở Tây Giang. Ngoài thiên nhiên hùng vĩ, du khách còn có cơ hội được thưởng thức văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơ Tu; thăm cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Zi’lieng, thăm thung lũng A Xan, cổng trời Tây Giang...

Điểm đến của các nhà nghiên cứu

Những nghiên cứu trên cho thấy một điều, ngàn cây lim xanh, mun… nhất là những quần thể cây pơmu ở Tây Giang không chỉ có giá trị về cảnh quan, môi trường, du lịch sinh thái, hay kinh tế rừng. Cao hơn, những cánh rừng còn mang theo giá trị về khoa học, thời tiết, văn hóa và lịch sử của một dân tộc.

Lễ hội khai năm tạ ơn rừng người Cơtu Tây Giang. Ảnh Pơloong Plênh
Lễ hội khai năm tạ ơn rừng người Cơ Tu Tây Giang. Ảnh: Pơloong Plênh

Quần thể rừng pơmu Tây Giang cũng minh chứng một điều, thiên nhiên không tách rời đời sống con người. Khu rừng thiêng Tây Giang luôn gắn liền với văn hóa, đời sống của người Cơ Tu, từ việc gìn giữ, bảo tồn rừng tự nhiên như áo mặc của mình. Đối với người Cơ Tu, rừng là nguồn sống, là gốc gác văn hóa phát triển tộc người và quy định lại văn hóa tộc người.

Hứa hẹn trong tương lai không xa, từ Tây Giang nói riêng cho đến những nơi còn hiện hữu các khu rừng nguyên sinh quý hiếm của cả nước, sẽ không chỉ là điểm đến về văn hóa, cảnh quan sinh thái trong lành. Những cánh rừng bản địa sẽ là điểm đến hấp dẫn lý thú của những nhà nghiên cứu quốc tế.

Từ câu chuyện nghiên cứu về “đa dạng sinh học trong rừng nguyên sinh từ các loại động, thực vật quý, hiếm” cho đến nghiên cứu về “văn hóa giữ rừng của người Cơ Tu nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung”, những năm qua, Tây Giang đã bắt đầu đón các đoàn khách là những nhà nghiên cứu khoa học.

Việc phát triển du lịch bền vững từ các đoàn khách quốc tế và du lịch có trách nhiệm, sẽ góp phần phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước chân vào rừng nguyên sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO