Bằng nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp động lực được hỗ trợ phù hợp nhu cầu thực tiễn, công tác giảm nghèo ở huyện Nam Giang đang dần có bước chuyển tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Nguồn thu từ heo đen
Sau nhiều năm tìm kiếm, cuối cùng, giải pháp nhân rộng mô hình chăn nuôi heo đen (heo cỏ) địa phương theo hướng liên kết, tập trung đang cho thấy hiệu quả bước đầu trong việc hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Thông các sản phẩm heo đen, nhu cầu thị trường tiêu thụ ngày càng lớn, mở ra cơ hội giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập.
Năm 2022, Nam Giang có 473 hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao (390 hộ). Qua rà soát, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm từ 50,4% (năm 2021) xuống còn 43,5%. Ngoài ra, địa phương có hơn 1.000ha rừng trồng gỗ lớn; gần 700ha keo trên đất đồi… Trong định hướng của địa phương, những năm tới, ngoài tiếp tục nhân rộng các mô hình chăn nuôi tập trung, tại một số xã sẽ phân vùng triển khai trồng rừng gỗ lớn kết hợp cây ăn quả, dược liệu dưới tán rừng, giúp mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài.
Ông Zơrâm Đa - Trưởng thôn Aliêng (xã Tà Bhing, Nam Giang) cho biết, sau thời gian hỗ trợ dự án chăn nuôi heo đen tập trung nhóm hộ, người dân địa phương trở nên thích thú với mô hình liên kết cộng đồng kiểu mới. Dù chỉ vài tháng triển khai nhưng đã có 12 hộ dân đăng ký tham gia chăn nuôi tập trung, phân công nhiệm vụ chăm sóc đàn heo mỗi ngày.
Trên khu đất rộng khoảng 1ha, gần 100 con heo đen được nuôi tập trung theo hình thức chuồng trại bán thả rông, vừa giúp hiệu quả nuôi heo lấy thịt vừa bảo tồn được gen giống đảm bảo chất lượng để tái đàn.
Theo ông Đa, ngoài thức ăn được Nhà nước hỗ trợ như cám và bột dinh dưỡng, các hộ dân thay nhau kiếm thêm rau rừng, thân chuối và một số thức ăn tự nhiên khác giúp heo tăng sức đề kháng cũng như khả năng sinh trưởng.
“Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng về mô hình hợp tác nhóm hộ này. Với tín hiệu khả quan bước đầu, hy vọng mô hình điểm này sẽ mang nét mới cho cách thức chăn nuôi heo đen bản địa tại địa phương, giúp nâng cao giá trị kinh tế nhóm hộ, góp sức cho mục tiêu giảm nghèo” - ông Đa chia sẻ.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang - Hồ Viết Căn cho hay, từ giá trị thực tế về kinh tế, thị trường mang lại cho sản phẩm heo đen khá lớn. Thời gian qua, bên cạnh khuyến khích người dân đẩy mạnh chăn nuôi heo đen bản địa theo hướng tập trung nhóm hộ, chính quyền địa phương tìm sự kết nối thị trường đầu ra cho sản phẩm độc đáo này.
“Cùng với xây dựng các mô hình nuôi heo tập trung nhóm hộ, chúng tôi quan tâm rất lớn đến chất lượng con giống, thị trường đầu ra. Bởi không chỉ phục vụ cho việc nuôi heo lấy thịt, từ các trang trại chăn nuôi này, tới đây sẽ cung ứng thêm con giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân, cộng đồng” - ông Căn nói.
Thêm giải pháp động lực
Theo ông Hồ Viết Căn, ngoài nuôi heo đen nhóm hộ, trong định hướng về các giải pháp giảm nghèo của địa phương, nhiều mô hình động lực khác sẽ tiếp tục được triển khai, tạo sự đột phá mang tính chiến lược và lâu dài. Trong đó, trồng cây ăn quả và trồng rừng gỗ lớn được ưu tiên nhằm vừa cải tạo đất đồi, vừa xây dựng nên mô hình kinh tế hiệu quả từ sản xuất nông - lâm nghiệp.
Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được huyện Nam Giang chú trọng theo hướng bền vững, nhất là về thu nhập và chất lượng cuộc sống. Tại các khu dân cư, bên cạnh sắp xếp ổn định chỗ ở, chính quyền địa phương triển khai hỗ trợ sinh kế phù hợp, giúp người dân có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Ở địa bàn núi cao, xung quanh nhà dân được khuyến khích trồng cây ăn quả, khu vực núi đồi trồng rừng gỗ lớn và xen canh trồng cây dược liệu. Từ sự kết hợp này, những năm qua, nguồn thu nhập của người dân đã được nâng lên đáng kể.
Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, năm 2022 địa phương cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu theo nghị quyết của Huyện ủy, cũng như chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao về giảm nghèo.
Nhiều giải pháp được phối hợp triển khai khá đồng bộ và phù hợp với nhu cầu thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo nên sự chuyển biến khá rõ nét. Kết quả giảm nghèo phản ánh đúng thực tế đời sống của người dân, cũng như nỗ lực triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ của chính quyền địa phương.
Ông Sơn nói, ngay từ đầu năm, các chỉ tiêu giảm nghèo được lãnh đạo huyện quan tâm, xem đó là nhiệm vụ quan trọng cần kịp thời tháo gỡ. Trên cơ sở phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn và giúp đỡ hộ nghèo, nhận thức người dân về chủ trương và định hướng phát triển kinh tế, đặc biệt là trong việc đăng ký thoát nghèo bền vững đang ngày càng nâng cao rõ rệt.
“Chúng tôi hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho người dân, mà xây dựng các mô hình cụ thể theo nhu cầu đăng ký của họ. Trong đó tập trung khảo sát, hỗ trợ đầu tư cho nhóm hộ có khả năng thoát nghèo bằng sinh kế tại chỗ, hạn chế thấp nhất việc trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước” - ông Sơn nói.•