(QNO) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều qua (24/11) về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng quy định buộc khám sức khỏe định kỳ đối với tất cả người lái xe ô tô là không khả thi, không cần thiết, gây tốn kém thời gian và chi phí xã hội; thậm chí có thể xảy ra tiêu cực trong khám sức khỏe tại các cơ sở y tế.
Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, quy định việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe là hết sức cần thiết góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nên điều chỉnh theo hướng tùy vào đối tượng cụ thể để thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, không nên bắt buộc chung mà phải có sự phân loại và hướng nhóm đối tượng.
Trong đó, cần chú hơn với nhóm người từ 65 tuổi trở lên (áp dụng cho tất cả lái xe đối với các phương tiện) vì độ tuổi này đa số sức khỏe giảm sút, thị lực kém, xử lý tình huống chậm, thiếu tập trung…; người lái xe khách vận tải (lái xe khách tuyến đường dài, container và các phương tiện hạng nặng khác) vì đối tượng lái xe này điều khiển phương tiện ô tô vận tải cồng kềnh, trọng tải lớn nếu không đảm bảo sức khỏe sẽ gây thiệt hại lớn cho xã hội; người có tiền sử bị các bệnh nền được phát hiện thông qua việc khám sức khỏe để cấp bằng lái xe lần đầu hoặc phát hiện thông qua khám chữa bệnh (như bệnh tim mạch, cận thị, điếc hoặc khuyết tật các chi trên cơ thể…), mặc dù đối tượng này vẫn đảm bảo điều kiện để lái xe nhưng vẫn phải bắt buộc khám sức khỏe định kỳ để xác nhận đủ điều kiện lái xe.
Thời gian tái khám định kỳ cũng nên được lượng hóa rõ là bao lâu, hằng tháng, hằng năm hay 5 năm chứ không nên quy định chung chung như dự thảo luật.
Trên cơ sở sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cũng cần bổ sung quy định cho phép linh hoạt chuyển đổi giấy phép lái xe phù hợp với từng hạng sức khỏe, vì sẽ có trường hợp người không đủ điều kiện cấp giấy phép lái xe ở hạng này song với vẫn đảm bảo ở hạng khác.
Với quy định về phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo tai nạn giao thông đường bộ, theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, hiện dự thảo luật quy định theo hướng “Doanh nghiệp bảo hiểm khi nhận được tin báo phải trực tiếp (hoặc ủy quyền) cho người đại diện đến hiện trường, phối hợp với đơn vị giải quyết vụ tai nạn giao thông” là không cần thiết.
Nguyên tắc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông là phải nhanh chóng, kịp thời để điều tiết giao thông, lập lại trật tự an toàn giao thông, thậm chí khởi tố vụ án hình sự. Dự thảo luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải đến hiện trường thì công tác phối hợp sẽ ảnh hưởng đến tính kịp thời, có khả năng làm gián đoạn việc điều tra, giải quyết, làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh cũng đề nghị bổ sung hành vi “cấm đe dọa, cản trở việc dừng xe, đỗ xe đảm bảo theo quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ” vào những hành vi cấm của luật. Trên thực tế việc dừng xe, đỗ xe tạm thời tại một số tuyến đường, nhất là đường đô thị thường bị các hộ kinh doanh buôn bán cản trở, đe dọa... trái quy định. Đồng thời bổ sung các hành vi: “sử dụng đèn, còi ưu tiên khi không làm nhiệm vụ”; “cấm đỗ xe trên vỉa hè”.