Cuộc sống thường ngày

Bút Tưa, từ cơn gió thoảng

Ký của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 26/10/2024 12:41

Tiếng lạo xạo dưới mỗi bước chân. Chúng tôi bước đi trên ngổn ngang gạch đá, gỗ vụn, ngang qua Bút Tưa (tên làng cũ, nay là thôn Bhlô Bền, ở xã Sông Kôn, Đông Giang). Những nóc nhà trống hoác: kèo cột và ngói đã dỡ đi, xiên qua màu trời xám. Bếp lửa đã tắt, thân củi chỉ vừa cháy được một nửa. Hoang lạnh, ảm đạm, đổ nát...

z5958291813276_c8c3b5d3ad70cbd0fdbe9a037d79b41a.jpg
Thôn Bhlô Bền hiện tại. Làng ma cũ đã được phủ xanh. Ảnh: C.N

Đó là ký ức của chúng tôi mười năm trước, ở “làng ma” Bút Tưa, ngay sau khi xảy ra sự kiện cả làng rùng rùng dời đi vì lo sợ “chết xấu”...

Hồi ức mười năm

Bếp lửa tắt nghĩa là nhà không còn nữa, người không ở nữa. Sừng trâu nằm lăn lóc, những con gà, con heo của bà con nuôi vẫn còn quẩn quanh đống gạch vụn.

Cả làng bỏ đi, với ám ảnh chết xấu gieo rắc cả làng nhỏ bên sườn đồi. Bỏ đi sau khi Alăng N., một người có tiền sử tâm thần tự tử. Trước Alăng N. là Alăng Tr., cũng “đi” trước đó chưa đầy một tháng...

Bây giờ, màu xanh phủ lấy làng cũ Bút Tưa, sau hơn một thập kỷ người dân rời làng. Màu của sự sống. Không còn nhiều dấu tích của những ngôi nhà cũ, vốn đã được hạ giải, đập bỏ sau cuộc rời làng năm đó. Bút Tưa chỉ còn trong trí nhớ.

Làng mới giờ mang tên Bhlô Bền. Khi ám ảnh đã nguôi, cũng là lúc người dân hai làng cũ - mới hòa làm một, sống chung trong cộng đồng rộng lớn hơn, cả về những chỉ số cơ học lẫn tình đoàn kết...

Ông Alăng Thừa nhặt nhạnh những thứ còn sót lại sau khi đập bỏ ngôi nhà. (Ảnh chụp tháng 2/2014). Ảnh: C.N

Chúng tôi gặp lại ông Alăng Thừa trong căn nhà mới khang trang. Ông là người xuất hiện trong bức ảnh chúng tôi ghi lại 10 năm trước, khi đang lội giữa đống đổ nát nhặt nhạnh lấy những thứ có thể mang đi được.

Người đàn ông ấy đã dừng lại rất lâu trước bức tường còn sót lại, rồi dồn hết sức vào cây gậy trong tay, đẩy mạnh. Bức tường đổ sập, bụi cuộn lên. Chỉ còn cái dáng khắc khổ, bất động của ông Thừa trong ánh nắng hiếm hoi của chiều xiên qua làng cũ.

Có quá nhiều đổi khác trong gương mặt người đàn ông Cơ Tu sau mười năm. Cái nhìn đã sáng hơn. Ông Thừa chừng đã đi qua nỗi sợ vô hình của một thập kỷ.

Kỷ vật mà ông mang đi, là chiếc đàn Âng’trzưl - loại đàn 2 dây của người Cơ Tu. Tiếng Âng’trzưl thi thoảng lại ngân lên trong đêm, nhất là sau những cuộc say. Ông giấu nỗi nhớ vào trong tiếng đàn, loang ra trong màn đêm...

“Chuyện đau buồn, nên không ai muốn nhắc. Hàng chục năm trời tích cóp, vay mượn để dựng nhà, rồi đập bỏ, ai không buồn, không tiếc. Nhưng tất cả đã qua rồi. Chưa hết cực, nhưng yên ổn, không còn lo sợ” - Alăng Thừa nói.

Xanh lại “làng ma”

Trong thâm tâm của những người cũ ở làng ma, cuộc đi lần đó như một ngã rẽ định mệnh. Phận số của họ vẫn gắn chặt vào rừng, như chưa hề có cơn biến động. Alăng Nhếch, một chứng nhân của “làng ma” nói, bà con “không có gì để sợ nữa”.

z5958292050727_a85b2425146c37624c0d051e1315187a.jpg
Một góc tổ Bút Tưa, nơi các hộ dân làng ma chuyển đến. Ảnh: C.N

Họ quay trở lại canh tác trên đất cũ, làng cũ. “Những ngày đầu chuyển xuống, sống tạm trong lán trại, nhiều người muốn đổi luôn cả tên làng vì sợ. Cái tên đó được đặt theo một người hùng của làng, cũng mất vì “chết xấu”. Bàn rất nhiều, cuối cùng dân làng vẫn giữ cái tên cũ. Giờ sáp nhập thôn, Bút Tưa thành tên gọi của tổ đoàn kết. Tên làng không mất hẳn” - Alăng Nhếch kể.

Chỉ hơn một năm sau khi rời làng, 14 hộ dân ở “làng ma” lần lượt dựng lại cuộc đời. Dựng lại nhà, dựng lại người.

Căn nhà đầu tiên hoàn thành ở vùng đất mới là nhà của bà Alăng Thị Poói, vợ của Alăng T. - người “chết xấu” năm 2014. Có đến hơn một nửa số tiền dựng nhà mới là từ hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Đất làm nhà, được người làng mới tự nguyện san sẻ cho đồng bào mình vừa sấp ngửa rời đi từ “làng ma”. Bà con giúp nhau dựng từng ngôi nhà mới, sẻ chia từng chút một trong cơn khốn khó. Đường bê tông, hệ thống nước sinh hoạt được đưa về, xóa đi cơ cực của một thời...

2e18dc1b38468018d957.jpg
Những ngôi nhà xây khang trang cũng bị đập bỏ. (Ảnh chụp tháng 2/2014)

“Chuyện xưa, bỏ đi là do tin vào lời đồn thổi. Trở về đây, cuộc sống cũng có nhiều đổi thay. Bà con ở tổ dưới hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều, từ chia sẻ đất làm nhà, cho đến đất canh tác.

Tinh thần đoàn kết cũng được duy trì giữa cộng đồng, chúng tôi luôn xem nhau như anh em ruột thịt, có chuyện gì cũng đều giúp đỡ lẫn nhau, không ai phân biệt ai” - Alăng Nhếch cho biết thêm.

Một con đường bê tông được Nhà nước đầu tư, kết nối giữa làng cũ - làng mới, để người dân dễ dàng trở về canh tác trên khu đất cũ. Nơi đó không bị bỏ hoang, nhiều nhà đến trồng keo, trồng lúa, bình thường như chưa có gì xảy ra.

Đã nhiều mùa, người tổ Bút Tưa nấu cơm mới từ lúa thu hoạch trên đất làng cũ mời cả làng. Hạt lúa ở “làng ma” xuất hiện trên mâm cúng. Bát cơm mới thơm nức đến tận tay từng người trong gia đình.

Trên tay họ, là thành quả của nhiều tháng ròng cặm cụi dọn rẫy, gieo hạt, chăm sóc. Phần thưởng cho những vất vả hàng tháng ròng, và cũng là phần thưởng cho một niềm tin trở lại.

Chung một mái nhà

Quên, như cách để nỗi nhớ đầy hơn. Người “làng ma” quên đi những ám ảnh ngày cũ, quên nỗi sợ vô hình từng “đóng đinh” trong quan niệm của mình, để sống bình thường, chan hòa với chốn từng dung chứa một phần đời của họ. Quên, để biết họ từng tin vào một điều sai lạc.

Ông Alăng Thừa trở thành nhân tố tích cực trong việc cố kết cộng đồng, đoàn kết giữa các hộ dân trong thôn Bhlô Bền. Ảnh: Ông Thừa nhận giấy khen của UBND xã Sông Kôn tại ngày hội đoàn kết. (Ảnh: C.N)

Trưởng thôn Bhlô Bền, ông Alăng Phân là người đã “cắt” đất của mình để chia cho 3 hộ dân từ làng cũ về dựng nhà ở làng mới. Alăng Túi, một người dân trong làng mới năm ngoái cũng tình nguyện hiến đất để xây nhà văn hóa thôn - một “mái nhà chung” cho cả cộng đồng.

Không còn làng cũ, làng mới, không một ranh giới tồn tại trong suốt mười năm tổ Bút Tưa đón nhận những công dân mới về với phần đất của mình. Chỉ có tình xóm làng, một thứ tình cảm lớn để họ sẵn lòng chia sẻ, bảo bọc và giúp đỡ nhau, ân cần và nhiệt thành cho đến tận bây giờ.

Nhiều năm sau này, người ta đến hỏi mua đất ở “làng ma”. Họ chỉ nhận được những cái lắc đầu từ Alăng Thừa, Alăng Nhếch và những hộ còn lại.

“Chúng tôi không bán. Đó là khu đất mà ông bà tổ tiên để lại, là một phần đời, là tuổi thơ của nhiều thế hệ trong làng. Dù không còn ở đó nữa, nhưng chúng tôi sẽ giữ lại đất, sẽ tiếp tục canh tác” - Alăng Thừa khẳng định.

Nổi lên giữa màu xanh nơi làng cũ, là những thân cau vươn cao, những tán cây mít, cây nhãn đã thành cổ thụ. Thi thoảng, trong những chuyến đi của mình, chúng tôi vẫn bắt gặp một khoảnh đất “lạ” nơi từng tồn tại dấu tích của một ngôi làng - những ngôi làng đột nhiên biến mất, từ rừng.

Người vùng cao, bước đi giữa đời sống chông chênh - một thế “chông chênh bền vững” như nhà văn Nguyên Ngọc từng viết về Tây Nguyên. Đâu đó nơi miền Tây xứ Quảng cũng vậy, người ta sống giữa ranh giới mong manh, “bên này là rừng, bên kia là xã hội”.

Niềm tin nguyên thủy như ngọn lửa, đâu đó lại bùng lên, chẳng thể dập tắt, không thể lý giải. Lửa nguyên thủy giữ lấy những ngôi làng và cũng đẩy họ đi - là một thứ đam mê và cũng đầy nỗi sợ vô hình.

Nhưng sau tất cả, là sự bền vững trong cố kết cộng đồng, là sự chở che, lòng khoáng đạt và sẵn sàng sẻ chia của đồng bào. Nỗi sợ, rồi sẽ như một cơn gió thoảng qua, khuấy động và rời đi, trả lại sự lặng yên thân thuộc cho làng...

Cơn gió thoảng từ “làng ma” đã đi xa, rất xa rồi...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bút Tưa, từ cơn gió thoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO