Tuyến giáp là một tuyến nội tiết vô cùng quan trọng, có vai trò điều hòa nhịp độ, cường độ của hầu hết hoạt động cơ bản, thiết yếu của cơ thể, như nhịp tim, nhịp thở, nhịp trao đổi chất, hấp thu ở ruột, nhu động của hệ tiêu hóa.
Bệnh lý về tuyến giáp
Để thực hiện nhiệm vụ chính yếu của mình, tuyến giáp sẽ tiết ra các hormone T3 và T4 để tương tác với phần còn lại của cơ thể.
Bất kỳ sự thiếu ổn định nào của tuyến giáp kéo theo một chuỗi hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng, dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau: tâm trạng thất thường, rối loạn giấc ngủ, táo bón, nhịp tim loạn, hồi hộp khó thở, sụt cân hoặc tăng cân bất thường, rối loạn sinh lý cơ thể...
Có thể chia các “tình trạng” bệnh lý tuyến giáp thành các dạng cơ bản tùy theo triệu chứng cũng như các chỉ số xét nghiệm cận lâm sàng. Phổ biến hiện nay gồm: Cường giáp, tức tuyến giáp hoạt động quá mức, gây tình trạng trao đổi chất nhanh, tim đập nhanh, sụt cân, lo lắng, mất ngủ; suy giáp: tuyến giáp hoạt động kém, làm giảm trao đổi chất, gây tăng cân, mệt mỏi, trầm cảm; bướu cổ: tuyến giáp phình to, thường do thiếu i-ốt; nhân giáp: xuất hiện các khối u trong tuyến giáp, phần lớn lành tính nhưng có thể gây chèn ép hoặc phát triển thành ung thư.
Thật ngạc nhiên khi hầu hết trường hợp của bệnh gây ra rối loạn tuyến giáp đều không xuất phát trực tiếp từ tuyến giáp mà lại liên quan tới các bệnh tự miễn. Bệnh tự miễn là các bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tự tấn công chính cơ thể mà cụ thể là tuyến giáp thay vì các tác nhân bên ngoài như vi rút, vi khuẩn.
Khi hệ miễn dịch sinh ra kháng thể TRAb, kích thích tuyến giáp hoạt động quá mức, chính là bệnh Grave, gây ra tình trạng cường giáp.
Nếu hệ miễn dịch tự tấn công các tế bào tuyến giáp gây ra thiếu hụt tổng hợp hormone giáp chính là bệnh viêm Hashimoto, dẫn đến tình trạng suy giáp.
Với hệ miễn dịch không thể tiêu diệt các tế bào giáp bất thường, sinh ra nhân giáp.
Khác với các tình trạng cường giáp hoặc suy giáp, nhân giáp có thể không xảy ra đồng thời với cường giáp hoặc suy giáp do không ảnh hưởng tới hormone tuyến giáp. Người bệnh không có triệu chứng rõ rệt cho tới khi khối nhân giáp lớn dần, gây ra chèn ép các mô lân cận, dẫn tới khó nuốt hoặc khó thở.
Vi chất cho tuyến giáp
Các vi chất liên quan mật thiết với tuyến giáp bao gồm iốt, selen, kẽm. Việc thiếu hụt và dư thừa các vi chất này sẽ tác động trực tiếp tới các tình trạng cụ thể của tuyến giáp.
Tuyến giáp sử dụng iốt để tạo ra hormone T3 và T4 với tỷ lệ phù hợp. Selen lại có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hormone dạng T4 - dạng kém hoạt động thành T3 - dạng có hoạt tính cao. Hai hormone này phối hợp bù trừ cho nhau để cơ thể luôn ở trạng thái hài hòa. Do đó chế độ ăn cần có sự cân bằng của cả I ốt và selen.
Selen còn giúp sản xuất glutathione peroxidase, một chất chống oxy hóa mạnh, bảo vệ tuyến giáp khỏi tổn thương do stress oxy hóa và viêm nhiễm, các yếu tố nguy cơ cực cao dẫn tới nhân giáp, cường giáp, hoặc suy giáp. Do đó cần ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu selen như trứng gà ta, thịt bò hoặc thịt heo trong tất cả bệnh liên quan tới tuyến giáp.
Riêng iốt, tùy tình trạng cụ thể của tuyến giáp sẽ cân nhắc lượng thực phẩm phù hợp. Với tình trạng cường giáp, nên ăn một lượng vừa phải các thực phẩm giàu iốt như rong biển, hải sản.
Nếu thích ăn cá có thể bổ sung cá nước ngọt hoặc một vài loại cá biển ít Iốt hơn như cá hồi hoặc cá mòi. Ngược lại nếu gặp tình trạng suy giáp hoặc bướu cổ, hãy chú ý thêm vào khẩu phần rong biển hoặc cá biển, hải sản.
Để giúp ích cho hệ miễn dịch, cần chú ý các thực phẩm giàu kẽm và vitamin A, vitamin D. Kẽm có nhiều trong thịt bò hoặc hàu biển. Tuy nhiên, hàu cũng rất giàu iốt nên nếu gặp tình trạng cường giáp hãy ưu tiên thịt bò thay vì hàu biển. Ngược lại nếu gặp tình trạng suy giáp hãy bổ sung thêm hàu vào khẩu phần hằng tuần để cung cấp cả iốt và kẽm cho cơ thể.
Vitamin A có nhiều trong gan động vật hoặc các loại rau củ có màu vàng hoặc cam như cà rốt, bí đỏ. Cuối cùng hãy chú ý tắm nắng thường xuyên để có thêm nhiều vitamin D, giúp điều hòa hỗ trợ hệ miễn dịch tốt nhất.
Đối với ngũ cốc, ưu tiên gạo hoặc yến mạch thay vì các loại ngũ cốc chứa nhiều gluten như các loại bánh mì. Gluten kích ứng hệ miễn dịch có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng của bệnh giáp. Các thực phẩm cần chú ý hạn chế tối đa bao gồm các thực phẩm chế biến công nghiệp gây viêm, nhiều đường tinh luyện, dầu tinh luyện tạo áp lực đáng kể cho cơ thể, càng làm trầm trọng thêm các tình trạng của bệnh giáp.
Phụ nữ nếu gặp các tình trạng nhân giáp, suy giáp cần hạn chế các thực phẩm có nguồn gốc từ sữa bò, dê và đậu nành vì nguy cơ làm tăng estrogen. Estrogen có thể làm bất hoạt khả năng chuyển đổi từ T4 sang T3 và trầm trọng thêm tình trạng bệnh suy giáp.