(QNO) - Chiều 30/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì cuộc làm việc với các địa phương và chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp để bàn giải pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư trong những tháng còn lại của năm 2024.
Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến ngày 27/9, vốn đầu tư công năm 2024 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân đạt 40,79% (thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn tỷ lệ giải ngân của cả nước, lần lượt 3,01% và 1,84%).
Theo Sở KH&ĐT, qua kiểm tra, cơ quan này đã tổng hợp nhiều nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân không đạt tiến độ. Nguyên nhân chính vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều địa phương đã phân công Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách đứng điểm một số công trình trọng điểm nhưng công tác chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, sâu sát. Cùng một mặt bằng pháp lý như nhau nhưng có đơn vị, địa phương thường tập trung chỉ đạo thì tỷ lệ giải ngân tốt (Thăng Bình, Đại Lộc...). Các đơn vị địa phương chưa tập trung, thiếu quyết liệt chỉ đạo thì tỷ lệ giải ngân thấp (Hội An, Quế Sơn, Nông Sơn).
Công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, do nhiều nguyên nhân như việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn. Đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế. Người dân thường kiến nghị chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung (bao gồm đơn giá và chính sách tái định cư). Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác GPMB còn thiếu. Kinh phí cho hoạt động thấp, tính chất công việc khó khăn, phức tạp và một số địa bàn trọng điểm không đủ cán bộ địa chính.
Thiếu vật liệu xây dựng thông thường. Các đơn vị thi công tiếp cận với giá thành cao hơn so với đơn giá lập dự toán. Trong khi đó phần lớn các công trình theo hình thức hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định, dẫn đến một số nhà thầu triển khai thi công cầm chừng chờ cập nhật, điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp với đơn giá thị trường.
Các dự án sử dụng ngân sách trung ương chuyển tiếp phải hoàn thành năm kế hoạch (năm 2024), theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phải ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án từ đầu năm. Dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp các dự án này gặp khó khăn vướng mắc, có tỷ lệ giải ngân thấp vẫn khó thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 để chuyển sang các dự án khác đã có khối lượng và tỷ lệ giải ngân tốt.
Thời tiết miền núi phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất rất cao nên việc thi công bị gián đoạn. Ngoài ra, nguồn thu sử dụng đất (2.700 tỷ đồng) chỉ mới đạt 26% (701 tỷ đồng) nên không có thực để phân bổ, giải ngân. Các dự án y tế gặp khó liên quan đến công tác thẩm định giá thiết bị. Dự án sử dụng vốn ODA chậm do công tác xem xét và chấp thuận của nhà tài trợ đối với các thủ tục đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ rút vốn thường rất lâu. Còn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thiếu sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành từ cấp ủy đảng đến chính quyền. Các địa phương chưa thành lập các Tổ thẩm định, dẫn đến quá tải trong công tác thẩm định cho Phòng Kinh tế hạ tầng (cán bộ ít nhưng cùng thời gian thẩm định cho quá nhiều công trình (3 chương trình mục tiêu quốc gia, kể cả vốn 2022 chuyển sang, vốn các Nghị quyết của HĐND tỉnh, vốn huyện…).
Bên cạnh đó, công tác GPMB chậm do vướng đất rừng, vướng quy hoạch vẫn còn, nên một số dự án triển khai chậm. Nhiều văn bản của các cơ quan Trung ương ban hành để triển khai thực hiện chương trình vẫn còn chậm và chưa được đồng bộ, một số nội dung còn chồng chéo. Luật Đấu thầu quy định nguồn vốn sự nghiệp trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các chương trình...
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói giải ngân là một nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Nguyên nhân quan trọng nhất, quyết định nhất là các chủ đầu tư, địa phương trong quản lý, điều hành chưa thực hiện đến nơi đến chốn, chưa vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ ngay từ đầu. Một cơ chế, một bộ máy, điều kiện như nhau, tại sao chủ đầu tư, địa phương này làm được, mà chủ đầu tư, địa phương khác làm không được?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương quyết tâm hơn nữa, đảm bảo giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất. Các địa phương cần tập trung mọi giải pháp để thực hiện giải ngân. Thực hiện thật tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, định kỳ nghe báo cáo tiến độ giải ngân của địa phương. Điều chuyển vốn, thu hồi, đảo vốn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thi công, giải ngân, nhất là 5 tổ công tác của tỉnh, hai tuần/lần, các chủ đầu tư báo cáo kết quả tiến độ giải ngân về UBND tỉnh thông qua Sở KH&ĐT (vào ngày 15 & 30 hằng tháng). Tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng và nút thắt đền bù, giải phóng mặt bằng. Tập trung công tác phối hợp của các sở, ngành, địa phương chặt chẽ, nhịp nhàng, tránh tình trạng "quyền anh, quyền tôi". Chấm dứt việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ, thủ tục dự án. Ấn định thời gian cụ thể trả lời kết quả cho chủ đầu tư, địa phương (chậm nhất là 7 ngày).
Sở, ngành nào không thực hiện, kéo rê thời gian theo quy định thì UBND tỉnh sẽ có biện pháp xử lý nghiêm minh. Có biện pháp xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng, bỏ thi công hay trả dự án (nếu trách nhiệm thuộc về nhà thầu) theo hướng sẽ đề nghị cấm tham gia đấu thầu...