Những gạch nối giữa cái bụng, cái chữ, cái nghề, biểu thị quan hệ lẫn nhau các yếu tố giữa thực tại đời sống và giáo dục, cần giải quyết thế nào để tác động trở lại làm cho vật chất và trình độ học vấn, tri thức nghề nghiệp đều được nâng cao? Điều này, có lẽ là mục tiêu nhiều trăn trở ở miền núi sau những ngày vui cùng nhà giáo, nghề giáo.
Khi báo Quảng Nam đăng tải những hình ảnh các thầy cô giáo ở vùng cao còn gian khó, liền có nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: sao mà còn “hun hút giữa mây ngàn” một số giáo viên khổ ải cùng học trò thiếu ăn, thiếu mặc?
Ngay cả có những buổi vui “ê a trên đất lở” khi các em ngây thơ hồn nhiên học tiếng Anh, thì phía những ngọn núi xa thẳm vẫn còn điểm trường chìm trong mây mù, các cô giáo phải làm “mẹ đỡ đầu”, lo giặt giũ, nấu nướng cho các cháu nhỏ ở bán trú để theo học cái chữ.
Dường như rất nhiều năm tháng trôi qua, lo cho cái bụng của học trò vẫn là chuyện đầu tiên, dù giáo viên bám miền núi cao từng phải đối diện “nhiều cái không” nữa, như không điện, đường, nước sạch, thông tin liên lạc…
Học cái chữ đã khó, học cái nghề cũng khó. Xưa không có chữ thì đi học nghề. Những nghề truyền thống, như đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, thợ rèn, làm gốm… chủ yếu theo kiểu cầm tay chỉ việc nghề truyền nghề; cao hơn chút thì “tâm truyền tâm” để hiểu sự tinh xảo, tinh hoa. Mà những nghề ấy với người ở núi bây giờ thì khó và chậm làm ra nhiều tiền, nên chỉ người trung niên chọn, chứ người trẻ ít theo học.
Người trẻ muốn học nghề mới lại cần cái chữ, biết chữ mới đọc hiểu lý thuyết rồi học thực hành. Và xoay quanh học chữ hay học nghề cũng đều gặp cái khó là tìm đầu ra; học ra để làm gì cho có sinh kế nâng cao thu nhập đời sống, cho cái bụng không phải chỉ lo mỗi ngày kiếm đủ ba bữa ăn mà cần sống chất lượng hơn nữa?
Giữa bao nhiêu câu hỏi thao thức đó, vấn đề chính sách, phương cách dạy chữ và dạy nghề cho thanh thiếu niên ở miền núi sao cho hiệu quả vẫn là điều cần nghĩ. Nói riêng chuyện dạy nghề thôi, những lối đi dường vẫn chùng chình.
Một chương trình lớn tầm mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong đó có dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp song hành giải quyết việc làm, đã triển khai nhưng vẫn gặp khó. “Họ ít tham gia học nghề”, “họ hỏi học ra làm gì?”, “họ nghèo mà quen tập quán đi rừng, lên rẫy, mấy ai quan tâm đi ra ngoài thành thị tìm việc làm?”… đại loại những câu nói, câu hỏi ấy vẫn day đi trở lại. Hậu quả là sao? Nguồn vốn chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo đều tồn đọng.
Sở LĐ-TB&XH cho hay, đối với tiểu dự án 1 của dự án 4 về phát triển giáo dục vùng nghèo - vùng khó khăn, nguồn kinh phí phân bổ thực hiện quá nhiều nên vượt quá nhu cầu, khả năng thực hiện của các đơn vị, địa phương.
Lại thêm bất cập, ở cấp huyện không có cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nên nhiều nội dung hỗ trợ của chương trình không thực hiện được. Như thế vẫn là chuyện loay hoay giữa cái bụng và cái nghề, bụng còn lo đói nên không học nghề thì sao tìm việc làm, kiếm thu nhập, nghèo lại hoàn nghèo.
Dẫn ra số liệu điều tra hộ nghèo năm 2023, ví dụ như huyện Nam Giang thấy còn 2.654 hộ nghèo, chiếm 35,58% số hộ. Muốn thoát nghèo thì phải tìm việc làm nhưng hiện lao động chưa qua đào tạo chiếm đến 62% trong tổng số khoảng 16 ngàn lao động của huyện này. Còn tính chung cả tỉnh có hơn 132 ngàn thanh niên chưa qua đào tạo (chiếm 43,24%), 33.672 thanh niên có trình độ công nhân kỹ thuật không bằng cấp (tỷ lệ 11%).
Thiết kế chính sách hỗ trợ phải trên cơ sở nhu cầu người dân. Với miền núi lại phải cần thêm việc vận động, truyền thông sao cho đồng bào hiểu, nhận thức được sự cần thiết chuyện học nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập thì cái bụng họ mới tin, việc dạy cái chữ, cái nghề mới tiến triển. Muốn biến chuyển đời sống vùng cao, cả đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm giáo dục đều cần tính đến hiệu quả. Công phu hành trình qua núi!