Cải cách giảm nghèo

TRƯỜNG ĐỒNG 17/07/2023 06:14

Chính sách hỗ trợ rất sát sườn, nguồn kinh phí đầu tư lớn, cơ hội thoát nghèo bền vững cao khi soi chiếu danh mục các dự án, chương trình triển khai..., thế nhưng hộ nghèo, địa phương nghèo vẫn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Nam vẫn cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh có tổng số 29.146 hộ nghèo (tỷ lệ 6,63%). Báo cáo kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, nói về hạn chế trong công tác giảm nghèo chỉ gói gọn: “Chất lượng giảm nghèo chưa thật vững chắc. Tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và mức bình quân cả nước (mức bình quân cả nước là 4,03% - PV)”.

Chất lượng giảm nghèo, trước hết phụ thuộc vào việc triển khai chính sách.

Chỉ nói riêng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, công trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo nhiều, nhưng chậm triển khai nên chưa thể tác động tích cực đến thực tiễn. Chính sách chậm đi vào đời sống bởi cơ chế ràng buộc.

Như năm 2022 triển khai chương trình này, toàn tỉnh thực hiện 96 dự án. Số danh mục công trình nhiều, trong khi đó phải thông qua HĐND cấp huyện; đến khi được phê duyệt, các dự án lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đều có giá trị tổng mức đầu tư cao hơn nên phải điều chỉnh, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm.

Chưa nói chuyện nhiều công trình có quy mô và kết cấu phức tạp, ảnh hưởng rộng phải lấy ý kiến của các ngành chức năng, việc chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần khiến kéo dài thời gian…

Ở một góc nhìn khác, liên quan đến dự án “đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện Nghị định số 27, ngày 19/4/2022, của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ngày 14/10/2022 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 24 hiện thực hóa Nghị định số 27 và đến ngày 18/11/2022 UBND tỉnh ban hành Quyết định triển khai Nghị quyết số 24.

Thực hiện cho đúng quy trình triển khai, nên đến cuối năm 2022 các sở, ngành, đơn vị ở tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao vốn mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát, đề xuất nhu cầu thực hiện dự án. Vì thế, khi thực hiện các bước để thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án thì đã hết niên độ ngân sách năm 2022, UBND tỉnh phải chỉ đạo lập thủ tục chuyển nguồn sang năm 2023 để tiếp tục triển khai thực hiện.

Trong khi chính chính sách chưa kịp triển khai thì ngày 24/6/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 38 Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 27, ngày 19/4/2022, của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Và đến nay các Bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ tài chính) chưa có văn bản hướng dẫn nên tỉnh chưa thể tiếp tục triển khai thực hiện.

Một chính sách dù tốt đến đâu nhưng phải trải qua chặng đường quá dài và gập ghềnh mới đi vào cuộc sống thì có khi tới nơi đã không còn phù hợp, và lại phải thay đổi chính sách, lại phải trải qua chặng đường dài...

Cải cách cơ chế, quy định thực hiện chính sách giảm nghèo (cũng như các chính sách khác) là điều cần suy ngẫm. Hiện nay Nhà nước đang đẩy mạnh chủ trương phân cấp, theo đó các dự án, chương trình mục tiêu khi triển khai cũng cần phân cấp mạnh cho cơ sở.

Trung ương khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cần phân cấp mạnh cho chính quyền cấp tỉnh trong thực hiện và chịu trách nhiệm. Triển khai chính sách, Trung ương chỉ quy định khung chung, để tạo chủ động cho cơ sở, rút ngắn thời gian cho các địa phương trong thực hiện, đồng thời giao UBND cấp tỉnh quy định cho phù hợp.

Chỉ khi nào cơ chế hết nhiêu khê thì chính sách mới có thể nhanh chóng đi vào đời sống, đem lại lợi ích cho nhân dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải cách giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO