Cải cách hành chính, bắt đầu từ công tác cán bộ

NGUYỄN HỮU SÁNG (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) 18/09/2020 04:28

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, không ngừng đổi mới, sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tạo tiền đề để phát triển Quảng Nam nhanh, bền vững trong giai đoạn mới. 

Bảng so sánh xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, ICT INDEX và PAR INDEX của Quảng Nam trong 5 năm qua. Đồ họa: NGUYỄN HỮU SÁNG
Bảng so sánh xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, ICT INDEX và PAR INDEX của Quảng Nam trong 5 năm qua. Đồ họa: NGUYỄN HỮU SÁNG

Theo dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã rút ra một số bài học, trong đó đề cập kinh nghiệm về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Tôi cho rằng, đây là một trong những bài học kinh nghiệm rất quan trọng, hết sức có ý nghĩa cho mục tiêu phát triển của Quảng Nam không chỉ trước mắt mà cả cho chặng đường dài phía trước để bứt phá theo kịp xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, tôi mạnh dạn đề xuất một số ý kiến liên quan đến CCHC.

Nêu cao vai trò người đứng đầu

Trước hết, cần nhất quán về tư tưởng chỉ đạo. CCHC phải cụ thể hóa quan điểm “phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và phải được chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở; trong đó vai trò của người đứng đầu là quan trọng. CCHC phải được tiến hành từng bước vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn cho được khâu đột phá của từng giai đoạn cụ thể phù hợp với điều kiện, đặc điểm của mỗi cấp, mỗi thành viên trong hệ thống chính trị và mỗi loại hình tổ chức; gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Điều kiện cần và tiên quyết là phải có một đề án thật khoa học, nghiêm túc để rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng mới hệ thống cơ chế, chính sách, kể cả một số chủ trương cụ thể của Tỉnh ủy. Điều này đảm bảo cơ sở pháp lý, đúng với các quan điểm của Đảng, vừa phù hợp xu thế của sự phát triển nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, khả thi nhất cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình, dự án lớn của tỉnh. Việc này là khó nhưng phải làm và phải làm đầu tiên, nếu không, sẽ ách tắc.

Hay nói cách khác, các thiết chế pháp lý đặt ra cho nhiệm kỳ mới của Đảng bộ tỉnh phải tạo cho được cơ sở thực sự vững chắc để đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu của các địa phương, đơn vị thực sự yên tâm, dám đột phá cả về tư duy và hành động cho con đường phát triển của Quảng Nam. Việc này được hiểu nôm na là cơ chế, thiết chế pháp lý phải khơi thông cho được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu của từng tổ chức, theo hướng việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân là phải hết sức tránh như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nâng cao chất lượng dịch vụ công

Từng cấp chính quyền phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả việc đơn giản hóa (giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết...) các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của mình, nhất là ở một số lĩnh vực nhạy cảm như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp; đất đai, môi trường; tài chính; cấp phép xây dựng, quy hoạch; hải quan, thuế; y tế, LĐ-TB&XH; bảo hiểm xã hội. Đồng thời tăng và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để người dân cũng như doanh nghiệp có thể “click” chuột máy tính bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu để thực hiện tất cả dịch vụ công của Nhà nước.

Phát huy thật tốt nguyên tắc giải quyết thủ tục hành chính như đã làm trong những năm qua, đó là: “Công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn”, “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ”; đồng thời từng bước nâng dần tỷ lệ các thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trong ngày, trong một buổi hoặc giải quyết ngay. Thực hiện nghiêm túc việc hẹn và trả kết quả một lần, đúng cam kết, không yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần; kiên quyết không để tình trạng công chức gây khó khăn, phiền hà hoặc nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp và người dân. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nền hành chính; đặc biệt là vận hành thông suốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính các cấp. Triển khai đồng bộ, thực chất hoạt động chính quyền điện tử; phấn đấu hình thành đội ngũ công chức điện tử, doanh nghiệp và công dân điện tử.

Đổi mới công tác cán bộ

Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Ở đây cần quan tâm một ý hết sức quan trọng là tính toán sắp xếp hợp lý và phải đi liền với tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn. Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có phẩm chất chính trị, tính chuyên nghiệp cao, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và tận tụy phục vụ nhân dân; nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ. Nếu được, Tỉnh ủy nên chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án quy định chế độ sát hạch bắt buộc 2 năm một lần đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp trưởng, phó phòng và tương đương trở lên. Thực hiện nghiêm việc tuyển dụng, bố trí nhân sự theo danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Cải tiến, đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo chức danh, vị trí việc làm. Không xem xét, đề xuất việc quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu địa phương, đơn vị không thực hiện nghiêm nhiệm vụ CCHC. Vấn đề này nói là vậy nhưng khi thực hiện không dễ dàng chút nào. Phải có quyết tâm chính trị cao mới làm được.

Một việc khác cũng không kém quan trọng đó là, phải xây dựng đội ngũ công chức trực tiếp, trước hết là người đứng đầu ở các cơ quan làm công tác tham mưu về nhiệm vụ CCHC cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh phải đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đó phải là một lực lượng có đạo đức trong sáng, tính chuyên nghiệp cao, tinh thông về nghiệp vụ, có kinh nghiệm, năng động, sáng tạo, tâm huyết với công việc được giao.

Suy cho cùng, công chức, viên chức là hình ảnh về Nhà nước, về Đảng; là nhân tố quyết định đến “thương hiệu” của từng ngành, địa phương. Câu hỏi đặt ra là: “Làm sao,  làm thế nào để họ thực sự là công bộc của Nhân dân, vì Nhân dân mà phục vụ?”. Theo tôi, có nhiều lời giải cho câu hỏi trên, nhưng trước hết phải bắt đầu từ cái gốc, đó chính là công tác cán bộ, phải xác định công tác cán bộ là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Trong đó, hết sức chú ý và làm thật tốt, thật khoa học việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc; thực sự dân chủ, minh bạch, công tâm, khách quan; đảm bảo đúng các quy định hiện hành và hợp lòng dân. Phải kiên quyết chọn cho được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các địa phương, đơn vị trên địa bàn Quảng Nam.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết rất quan trọng về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Trong đó Tỉnh ủy nhấn mạnh, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; lấy chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp, lấy kết quả xếp hạng CCHC hằng năm làm cơ sở để đánh giá trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, xếp loại thi đua, khen thưởng, xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

UBND tỉnh định kỳ hằng năm tổ chức hội nghị phân tích chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI); Hiệu quả quản trị, hành chính công (PAPI); Phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (ICT INDEX); chỉ số CCHC (PAR INDEX) của tỉnh và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh (DDCI). Theo đó, nhiều nỗ lực, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã được ghi nhận. Bảng xếp hạng được công bố. Đơn vị dẫn đầu và những đơn vị cuối bảng xếp hạng nhiều năm liền cũng được công khai. Thế nhưng, vấn đề này có được thực thi nghiêm túc để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Quảng Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải cách hành chính, bắt đầu từ công tác cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO