Giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Tỉnh ủy đánh giá, với việc ban hành nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đã tạo được chuyển biến rõ nét, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh ủy cũng nhìn nhận kết quả cải cách hành chính (CCHC) có mặt còn hạn chế, các chỉ số trụ cột trong CCHC bị tụt hạng. Đồng thời khẳng định tiếp tục đổi mới phong cách, phương pháp làm việc, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo quan trọng trong CCHC. Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số để quản lý nhanh hơn, minh bạch, hiệu quả hơn.
Hồ sơ trễ hẹn có xu hướng tăng
Kết quả giám sát chuyên đề CCHC trên 3 lĩnh vực đất đai, tư pháp - hộ tịch và giao thông của Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa qua đã góp thêm “góc nhìn” đối với các vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả giám sát, mặc dù nhiều TTHC được rà soát, đề xuất cắt giảm nhưng phần lớn là cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian thực hiện khi Trung ương có quy định mới hoặc đã có thông tin từ các cơ sở dữ liệu.
Nghĩa là đương nhiên phải cắt giảm; trong khi đó, một số TTHC có tần suất sử dụng nhiều chưa được cắt giảm thời gian, đơn giản thành phần hồ sơ nên chưa mang lại hiệu quả.
Tại một số nơi, công tác hướng dẫn công dân, tổ chức bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hầu như chỉ thực hiện bằng lời nói, qua giao tiếp trực tiếp, chưa thể hiện qua phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Có nơi, cùng một hồ sơ mà đơn vị tiếp nhận yêu cầu bổ sung hồ sơ từ 2 - 3 lần, gây phiền hà, bức xúc trong nhân dân.
Theo ông Hà Đức Tiến – Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, có tình trạng quy định về thời gian giải quyết đối với một số TTHC chưa hợp lý. Như trên lĩnh vực đất đai, TTHC liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) lần đầu quy định thời gian giải quyết 30 ngày. Trong số 30 ngày đó, UBND cấp xã có 15,5 ngày thực hiện niêm yết, xác nhận hồ sơ với 6 bước công việc.
Tuy nhiên, chỉ riêng thủ tục niêm yết đã hết 15 ngày, các công việc còn lại không thể thực hiện đúng như thời hạn quy định. Quy định này chưa đảm bảo để các chủ thể thực hiện chặt chẽ các bước theo quy trình, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải quyết hồ sơ liên quan cấp bìa đỏ đất lần đầu trễ hạn, gây bức xúc, phiền hà cho nhân dân.
Tại các cuộc họp, hội nghị các địa phương đều kiến nghị xem xét lại việc quy định thời hạn giải quyết ở cấp xã theo hướng tăng thêm - trong tổng số 30 ngày; hoặc tách riêng thủ tục về xác nhận nguồn gốc đất nhưng đến thời điểm giám sát vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Tình trạng hồ sơ trễ hẹn chưa được khắc phục, có lĩnh vực hồ sơ trễ hẹn có xu hướng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước, tập trung ở lĩnh vực đất đai.
Từ kết quả giám sát, ông Tiến kiến nghị UBND tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước và giải quyết TTHC theo quy định, giảm tối đa tầng nấc trung gian, thời gian giải quyết TTHC, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát các TTHC còn rườm rà, không cần thiết hoặc thời gian quy định chưa hợp lý, nhất là các TTHC do các bộ, ngành trung ương quy định để kiến nghị sửa đổi. Đồng thời rà soát, đánh giá lại để điều chỉnh quy trình nội bộ tại Quyết định số 1389 ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh đối với các thủ tục có quy định thời gian chưa hợp lý, nhất là TTHC phức tạp, cần có đủ thời gian xác minh, thẩm định.
Gắn trách nhiệm trong giải quyết TTHC
Tại cuộc đánh giá tình hình CCHC và chuyển đổi số (CĐS) 6 tháng đầu năm 2023 của Ban Chỉ đạo CCHC&CĐS tỉnh, Sở Nội vụ nhìn nhận, các nhiệm vụ, chỉ tiêu về CCHC, về CĐS đều được UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Tuy nhiên nhiều nhiệm vụ còn nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, còn chồng chéo về nhiệm vụ giữa các cơ quan, như: nhiệm vụ cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, quản lý cổng thông tin điện tử tỉnh; chưa có tính hệ thống theo nhóm lĩnh vực. Đồng thời chưa đề ra được các giải pháp đột phá để thực hiện; chưa cụ thể hóa nhiệm vụ cấp huyện, xã.
Để nâng cao chất lượng CCHC, CĐS, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo CCHC&CĐS tỉnh nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện các chỉ số đánh giá được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch khắc phục hạn chế, cải thiện chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2023.
Cùng với đó, rà soát, thống kê các TTHC liên thông, xây dựng quy trình, quy chế phối hợp liên thông giữa các cơ quan, đơn vị, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt các quy trình liên thông, gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết TTHC.
Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, lưu trữ điện tử theo đúng quy định của tỉnh tại Kế hoạch số 8079 ngày 12/11/2021 về số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
Nhằm nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), theo ông Trương Hồng Giang – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã tiếp tục lựa chọn, bố trí công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, thái độ, tác phong phục vụ để làm việc tại bộ phận một cửa các cấp. Sở Nội vụ tiếp tục thực hiện kiểm tra đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.
“Các cuộc kiểm tra đều được lập biên bản, ghi rõ những ưu điểm, kết quả đạt được, những hạn chế và kịp thời có kiến nghị xử lý những trường hợp vi phạm quy định để nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân” – ông Giang nói.