Tăng điểm, vượt điểm trung vị dù giảm hạng, ít nhiều vẫn thể hiện nỗ lực cải cách của chính quyền địa phương về chỉ số năng lực cạnh tranh. Dư địa cải cách còn nhiều để địa phương tự soi mình thay đổi, cải thiện.
Thành công của cải cách
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận Quảng Nam nằm trong tốp 30 tỉnh thành có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất năm 2022. Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI cho hay, so với năm 2021, Quảng Nam dù giảm 3 bậc, nhưng tăng điểm (66,62/66,24), tổng điểm cao hơn điểm trung vị (66,62/65,22 điểm), thể hiện nỗ lực cải cách của địa phương đi đúng hướng.
Trong đó, theo dữ liệu phân tích, tính minh bạch, tính năng động, tiếp cận đất đai và gia nhập thị trường của Quảng Nam tăng cả điểm số, thứ hạng, cao hơn điểm trung vị cả nước (kể cả 4 chỉ số dù giảm bậc, nhưng điểm trung vị vẫn cao hơn cả nước) được cho là những điểm sáng đáng được ghi nhận.
Tính minh bạch bị đánh giá thấp năm 2021 đã thăng hạng từ 55 lên 15 (6,35/5,32 điểm). Số doanh nghiệp (DN) nhận được thông tin, văn bản khi yêu cầu đã gia tăng 8% (71%). Website của UBND tỉnh công bố nhiều thông tin hữu ích tăng 11% (50%). Số lượng DN than phiền về việc cần có các mối quan hệ để có được tài liệu đã giảm đáng kể (giảm 36%) khi chỉ còn 30% DN đánh giá điều này. Tỷ lệ DN thường xuyên truy cập website của UBND tỉnh tăng từ 37% lên 43% cho thấy tính minh bạch của chính quyền đã được DN cho điểm.
Sự năng động của chính quyền đã được cộng đồng DN ghi nhận đáng kể (từ vị thứ 47 đã lên 19, tăng 0,35 điểm, 6,90/6,55 điểm). Các hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, sáng tạo giải quyết các vấn đề mới phát sinh đã được hơn 80% DN đánh giá. Sự quan tâm của chính quyền với khu vực tư nhân đã được 69% DN ghi nhận (tăng 24%).
Tiếp cận đất đai vốn suy giảm triền miên đã có sự cải thiện (từ vị thứ 27 lên 16, tăng 0,07 điểm (7,23/7,16 điểm), khi có đến 78% DN đã cho rằng 2 năm qua họ không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục (tăng đến 65%). Tỷ lệ DN than phiền về thiếu quỹ đất sạch đã giảm từ 33% xuống 21% và chỉ có 20% DN gặp khó khi thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn thời hạn niêm yết hoặc văn bản quy định.
Gia nhập thị trường không còn là chuyện khó (tăng 0,14 điểm - 7,19/7,05, thăng từ vị thứ 25 lên 19), khi DN đánh giá việc đăng ký chỉ còn 5 ngày (giảm 2 ngày) và số ít DN (chỉ 9%, giảm 11%) cho rằng phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký DN từ 2 lần trở lên. Số lượng DN đăng ký trực tuyến ở trung tâm hành chính công hay qua bưu điện đã gia tăng lên 76%, so với 63% năm 2021.
Tỷ lệ DN than phiền khai trình sử dụng lao động, cấp mã số BHXH, sử dụng hóa đơn thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký DN đã giảm từ 78% xuống còn 34%. Rất ít DN (6%) phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành tất cả thủ tục để chính thức hoạt động. Không có DN nào phải chờ hơn 3 tháng để hoàn tất việc gia nhập thị trường...
Không ít khoảng trống
Tổng điểm và 4 chỉ số thành phần tăng điểm đều vượt tỷ lệ điểm trung vị. Tuy nhiên, cải cách vẫn còn khá nhiều điểm nghẽn. Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI nói, sự cạnh tranh cải thiện môi trường đầu tư giữa các tỉnh thành diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Không chỉ các chỉ số giảm điểm, giảm hạng mà những chỉ số được cho tích cực của địa phương cũng cần nhận diện rõ để đưa ra các giải pháp thay đổi, đo lường được các tác động đến DN trong nền kinh tế.
Việc minh bạch trong đấu thầu đã giảm từ 82% xuống 54%, trong khi số lượng DN nói thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh lại gia tăng từ 56% lên 60% và số lượng DN cho điểm về tính hữu ích của các quy định thủ tục hành chính trên website UBND tỉnh cũng giảm từ 80% xuống 69%.
Chỉ số các chủ trương, chính sách của tỉnh đã không được các cấp chính quyền, sở, ngành thực hiện đã giảm đến 8% khi có tới 61% DN nhận định về điều này. Niềm tin vào sự giải quyết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN tại tỉnh đã giảm sút từ 83% xuống 77%.
Tiếp cận đất đai không còn khó khăn như trước, nhưng vẫn có đến 71% DN nói phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai (tăng 4%). DN phải mất đến 41,31 ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tăng 22,56 ngày).
Điều đáng nói là tỷ lệ DN gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm từ 15% đã lên 21%, khoảng 40% có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lo ngại thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ nhũng nhiễu (tăng 28%) và vẫn còn 19% DN phản ánh cán bộ nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai không hướng dẫn chi tiết đầy đủ đã khiến họ gặp khó.
Gia nhập thị trường đã hanh thông, nhưng còn không ít sạn. Chỉ có 33% DN nói không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (tăng 7%). Tuy nhiên, thống kê này chỉ ra rằng tức vẫn còn đến 67% DN đã gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục này.
Số DN cho việc hướng dẫn thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện rõ ràng, đầy đủ đã giảm 17% (33% DN nêu ý kiến) và việc đánh giá các cơ quan giải quyết quy trình thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện đúng như văn bản quy định đã suy giảm đến 27% (33% đánh giá)...
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các chỉ số PCI là kênh tham khảo, nhận diện, đo lường trên thực tế về cuộc cải thiện môi trường đầu tư tại địa phương. Chính quyền sẽ đưa ra một hệ thống đánh giá, theo dõi, giám sát kết quả thực thi, để hiểu những chương trình, kế hoạch của chính mình đưa ra có thực sự lan tỏa đến hết địa phương hay sở, ban, ngành hay không.