Nỗ lực giảm hồ sơ trễ hạn

HÀN GIANG - ANH ĐÔNG 29/09/2022 06:46

Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết hồ sơ, thủ tục đất đai bị trễ hạn được chỉ ra, phần nào lý giải “xu hướng” giảm liên tục về chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra việc giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa phường Cẩm Phô, TP.Hội An. Ảnh: N.ĐOAN
Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra việc giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa phường Cẩm Phô, TP.Hội An. Ảnh: N.ĐOAN

Chưa rõ trách nhiệm

Chỉ số SIPAS của Quảng Nam năm 2021 đứng thứ 57/63 tỉnh thành phố. Chỉ số này liên tục giảm (năm 2018 đứng thứ 27, năm 2019 đứng 47 và năm 2020 đứng thứ 53) cho thấy chất lượng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, nếu các địa phương có đề xuất, ngành chuyên môn của tỉnh phải nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh cho cắt giảm thời gian hoặc cắt giảm TTHC (có thể cắt giảm được) để tạo thuận lợi nhất cho việc giải quyết TTHC của tỉnh. Đây là vấn đề rất quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng cải cách hành chính của tỉnh.

Ở lĩnh vực cải cách TTHC, hồ sơ giải quyết trễ hạn ở cấp huyện, cấp xã còn nhiều, tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư… Để cải thiện tình trạng hồ sơ trễ hạn ở lĩnh vực đất đai, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì thành lập tổ kiểm tra tại một số Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) cấp huyện có hồ sơ trễ hạn nhiều.

Theo Sở Nội vụ, hồ sơ trễ hạn có nguyên nhân chưa làm rõ trách nhiệm trong quy trình giải quyết TTHC. Việc tiếp nhận hồ sơ đầu vào là Chi nhánh VPĐKĐĐ, tuy nhiên phần mềm điện tử chưa liên thông các cơ quan, đơn vị trong quy trình giải quyết TTHC; do vậy chưa phân đoạn trách nhiệm giải quyết TTHC.

Thành ra việc trễ hạn hồ sơ đều cho là do Chi nhánh VPĐKĐĐ. Việc thống kê báo cáo nguyên nhân trễ hạn hồ sơ còn chung chung chưa phân định trách nhiệm và đơn vị xin lỗi công dân.

Ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, phiếu theo dõi giải quyết hồ sơ chỉ mới trong hệ thống Chi nhánh VPĐKĐĐ, chưa liên thông theo dõi quá trình trình ký hồ sơ giữa các cơ quan liên quan như Phòng Tài nguyên - môi trường, UBND cấp xã và Chi cục thuế. Việc trễ hạn hồ sơ và liên đới trách nhiệm chưa thể hiện cụ thể giữa các cơ quan.

Mặt khác, công tác phối hợp giữa Phòng Tài nguyên - môi trường, UBND cấp xã, Chi nhánh VPĐKĐĐ chưa được gắn kết nên trong quá trình xử lý hồ sơ, một số nội dung chưa thống nhất giữa các cơ quan.

Trong đó, nguyên nhân chính bắt nguồn từ cách hiểu luật nên quan điểm giải quyết công việc chưa thống nhất, quy trình giải quyết TTHC cần hoàn chỉnh, tính nhạy cảm trên lĩnh vực đất đai, nhất là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.

“Việc luân chuyển hồ sơ giấy và hồ sơ trên quy trình điện tử không trùng khớp, thiếu phiếu kiểm soát hồ sơ. Vậy nên không phân định được trách nhiệm của cá nhân tham gia trong quy trình giải quyết TTHC.

Một số trường hợp sợ bị thống kê trễ trên phần mềm nên tiến hành kích hoạt cho cá nhân khác, mặc dù thực tế chưa giải quyết xong, nghĩa là đùn đẩy trách nhiệm cho người khác” - ông Giang nói.

Phấn đấu giảm hồ sơ trễ hạn

Nhiều địa phương cho rằng, có những hồ sơ đất đai lẽ ra không bị trễ hạn, nhưng việc chuyển hồ sơ trong quá trình giải quyết dẫn đến trễ hạn. Đơn cử, hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử đất hạn xử lý theo quy định 7 ngày, song thực tế không kịp thời gian; bởi nguyên nhân hồ sơ chuyển vào sở, bưu điện chuyển đi và về đã hết 3 - 4 ngày, còn lại 3 ngày xử lý thì không kịp thời gian. Có hồ sơ mặc dù đã giải quyết xong và trả cho công dân nhưng cán bộ không kích chuyển trên phần mềm một cửa điện tử.

Ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, có những bất cập xử lý phần mềm, công tác phối hợp; vậy nên, ngành chuyên môn cần nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình tác nghiệp thuận lợi, rút ngắn đầu vào, đầu ra trong giải quyết hồ sơ lĩnh vực đất đai, đảm bảo công tác quản lý, vừa quy định rõ về mặt trách nhiệm. Đồng thời hỗ trợ cán bộ chuyên môn xử lý song song hồ sơ giấy và mạng.

Toàn ngành tài nguyên & môi trường tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2022 đưa tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn trên lĩnh vực đất đai xuống dưới 5%. Để đạt mục tiêu này, ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, trong quý I-2022, Đảng ủy, Ban giám đốc sở đã chỉ đạo kiểm tra việc giải quyết hồ sơ, thủ tục đất đai của các địa phương.

Từ đó, tổ chức đánh giá kết quả giải quyết TTHC - cụ thể là tập trung kiểm điểm, phân tích nguyên nhân các hồ sơ trễ hạn tại các Chi nhánh VPĐKĐĐ trực thuộc để đề xuất các giải pháp khắc phục.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 04 ngày 1.3.2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về triển khai Tháng cao điểm toàn tỉnh ra quân giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách hành chính.

Từ đó rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC để trả kết quả sớm nhất, đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Hơn 6 tháng triển khai, việc giải quyết TTHC trên lĩnh vực đất đai bước đầu có sự chuyển biến tích cực.

Ông Toàn cho hay, Sở Tài nguyên - môi trường đang tập trung tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, ban hành quyết định xác định rõ thời gian, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc phối hợp giải quyết các TTHC trên lĩnh vực đất đai.

Đồng thời điều chỉnh, bổ sung thủ tục mới phát sinh vào quy chế phối hợp do hiện nay không có trong bộ TTHC do Bộ Tài nguyên - môi trường ban hành, tăng thời gian giải quyết các TTHC phù hợp với thực tế.

Tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án lập hồ sơ cơ sở dữ liệu đất đai giai đoạn 2 và số hóa hồ sơ địa chính cho các huyện, thị xã còn lại. Mục đích hoàn thiện đầy đủ các thông tin về từng thửa đất gắn với chủ sử dụng đất, giúp cho công tác quản lý đất đai được thuận lợi, phục vụ hiệu quả cho việc đăng ký…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực giảm hồ sơ trễ hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO