Tôi lên xã Ch’Ơm huyện Tây Giang, hỏi cán bộ thôn Chà Nốc: “Còn tình trạng trả của hồi môn không?”. Tức là đàn ông cưới vợ về, biến vợ thành “máy đẻ, con trâu” làm lụng đến kiệt sức để trả món nợ mà nhà trai, thông qua lễ cưới tặng cho nhà gái.
Mấy cán bộ thôn nói: “Hết rồi!”. Các chị bảo, giờ có gia đình hầu hết là thanh niên có học, nam như nữ, kiến thức, điện thoại, mạng không thiếu, rồi chính sách tuyên truyền mạnh, cặp vợ chồng nào cũng hai con, quyền lợi như nhau.
Chị Alăng Thị Tre - cán bộ phụ nữ thôn Cha’Năng cười bảo: “Bây giờ ngày 8/3 rồi 20/10, chị em cũng tổ chức lễ, nhảy múa tưng bừng, không còn chuyện trọng nam khinh nữ, bắt làm trả nợ đâu”.
Nhận thức được giá trị bản thân ở phụ nữ, biết làm ăn, biết quyền lợi, biết được chồng mình cần gì và mình cần gì, là con đường giải quyết bất đình đẳng giới, nhưng nó chỉ đầy đủ khi nam giới cũng ý thức được rằng vợ mình có quyền bình đẳng như mình; còn mình, là người chủ gia đình, phải gánh vác việc nặng hơn để nuôi sống gia đình.
Giá trị của chính mình, nếu có được, không phải do người khác mang tới, và nếu có do người khác mang tới thì chỉ là họ cho mình cơ hội, còn giữ và phát triển là ở chính mình.
Phụ nữ vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có mặt nhiều ở các lĩnh vực xã hội, góp tiếng nói bình đẳng và có giá trị với tư cách là thành viên của cộng đồng, gia đình.
Sự phân công xã hội, xét ở yếu tố truyền thống lâu nay, là chăm sóc, nuôi dạy con cái, trước đây gần như đặt hết gánh nặng trên vai phụ nữ. Nhưng cái gánh nặng hơn, là họ làm lụng cực khổ.
Hình ảnh người đàn bà sáng gùi rỗng, từ đó đến chiều cắm mặt trên nương, tối mịt thì cái gùi thè lè vật vã to như muốn làm họ bật ngửa trên dốc, còn đó. Nhưng nội hàm của chuyện này tải sắc màu buồn bã, chua chát về thân phận cực khổ của người phụ nữ vùng cao, ngày càng bay đi, mất dần.
Nhưng chưa hết. Mới đây, tôi tình cờ chứng kiến một buổi họp về tuyên truyền nâng cao sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở xã Tà Bhing huyện Nam Giang. Câu hỏi từ diễn giả, là nữ bao nhiêu tuổi thì sinh con: 16? 18? hay 20?... Câu trả lời từ chị em không đồng nhất, thậm chí có người nói không biết!
Nâng cao năng lực nhận thức về quyền làm mẹ, kiến thức sinh sản, sức khỏe ở phụ nữ, không đơn thuần là lợi ích của chính họ. Bởi, bất kỳ một tổn thương nào, ảnh hưởng nào không tốt tới bất kỳ ai, đều mang tới khó khăn cho gia đinh, xã hội.
Nhà nước tốn biết bao nhiêu công sức, tiền của, tinh thần đổ vào miền núi, trên hầu khắp lĩnh vực, nhằm xóa bức tranh xám về vật chất và tinh thần nơi đây. Nhưng mấy chục năm qua, những hạn chế chưa được khắc phục hết, cần phải nhìn từ hai phía, là phía cung cấp và phía thụ hưởng. Có nhiều vấn đề trong chính sách không hiệu quả như mong muốn, dù đề bài là đúng, nhưng hướng dẫn sai, dẫn tới cả hai cùng sai.
Câu chuyện cái gùi dần mất đi trên lưng phụ nữ, là có thật, nhưng không phải đã hết. Dân trí, chứ không phải gì khác, là chìa khóa để mở nút thắt. Dân trí cho họ, lẫn đàn ông và đám đông. Không nên đánh đồng có chữ, được học lớp này, trường nọ là có nhận thức tốt.
Tạo cơ hội cho họ thử thách, mới là con đường ngắn nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Cơ hội là gì? Việc làm, chính môi trường tạo giá trị xã hội từ năng lực chính họ, sẽ ngầm hoặc nổi, tạo ra cho họ nhận thức đúng về chính mình, có khả năng gì, quyền hạn gì, mình ở đâu… Một khi họ đã có nhận thức và việc làm, cái nhìn của đàn ông, đám đông với họ sẽ khác.
Sự mất chênh lệch trong nhận thức chỗ này, chỗ kia, là điều khó tránh khỏi. Tôn vinh họ dịp lễ lạc, nói thẳng, cũng là trình diễn, nếu thực sự trước và sau đó họ đã tự mình hoặc được đặt vào vị trí đáng được tôn trọng. Nữ quyền là gì, nếu không phải là họ được cất tiếng, được lắng nghe và được hành động.