Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ

XUÂN HIỀN 23/10/2020 06:21

Tuần lễ quốc gia "Dinh dưỡng và Phát triển” vừa kết thúc (từ ngày 16 đến 23.10) với chủ đề “Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững”. Tại Quảng Nam, hoạt động cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển…

Trẻ dưới 60 tháng tuổi cần được nhỏ Vitamin A 2 lần trong năm. Ảnh: UNICEFT
Trẻ dưới 60 tháng tuổi cần được nhỏ Vitamin A 2 lần trong năm. Ảnh: UNICEFT

Bỏ ngỏ

Ông Chrưm Thanh Vòm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Giang cho biết, hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn huyện lâu nay chỉ ở mức duy trì vì thiếu quá nhiều điều kiện. Mạng lưới y tế thôn bản thay đổi, chế độ bồi dưỡng thấp nên hoạt động triển khai tại cộng đồng gần như rất ít. Theo quy định về hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại Thông tư số 26/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính “Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020”, không có kinh phí hỗ trợ cho việc cân trẻ. Trong khi thực tế ở các xã vùng sâu vùng xa, nhiều khu vực dân cư tách biệt, người dân không mặn mà với việc đưa trẻ đi cân, đo, đi uống vitamin A.

Kinh phí hạn hẹp, việc tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ tại các huyện, thị, thành phố cũng ít hơn. Trong khi đó, kiến thức của các bà mẹ về chăm sóc dinh dưỡng khi mang thai, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ vẫn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng do khẩu phần ăn không đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt trong một số giai đoạn quan trọng như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang tuổi lớn.

Tại Quảng Nam, thống kê năm 2019, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ ở mức trung bình, trong đó suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 10,8%, suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm khoảng 23,5%. Đại diện Sở Y tế nhìn nhận, công tác đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại mỗi huyện cho kết quả cân đo hằng năm chưa đảm bảo độ tin cậy, chưa phản ảnh đúng thực trạng dinh dưỡng của địa phương. Tại nhiều địa phương, nhất là các nơi xa xôi, đi lại cách trở, số trẻ bị suy dinh dưỡng vẫn còn nhiều. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu kiến thức chăm con, nên dù trong độ tuổi từ 1 -  5 tuổi, nhưng trẻ không được quan tâm bữa ăn và bổ sung chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thấp còi hoặc nhẹ cân.

Hoạt động cải thiện dinh dưỡng trong tình trạng khẩn cấp, quản lý điều trị suy dinh dưỡng cấp tính từ cộng đồng đến bệnh viện và ngược lại đang còn bị bỏ ngỏ. Dù hiện nay, theo quy định, các đơn vị y tế đều thành lập khoa hoặc phòng dinh dưỡng để tổ chức thăm khám và tư vấn cho người bệnh. Tuy nhiên, việc thăm khám và điều trị suy dinh dưỡng hiện nay tại các cơ sở y tế lại không được chi trả theo bảo hiểm y tế. Đây cũng là lý do các khoa, phòng dinh dưỡng ít được người dân quan tâm.

Duy trì hoạt động truyền thông

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết, trung tâm thường xuyên duy trì các hoạt đông truyền thông, tư vấn dinh dưỡng trẻ em thường quy tại các cơ sở y tế tỉnh, huyện, xã và triển khai các hoạt động về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Các mô hình phòng tư vấn "Mặt trời bé thơ", mô hình tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại thôn, bản hay tổ chức xổ giun định kỳ cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi... luôn được ngành y tế Quảng Nam đôn đốc các địa phương thực hiện. 

Hiện nay, tại các địa phương như Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Giang, Nông Sơn, UBND tỉnh đã cho triển khai Chương trình vùng do Tổ chức World Vision International tài trợ. Chương trình nhằm cải thiện an sinh bền vững cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương thông qua các hoạt động bảo vệ trẻ em tránh khỏi mọi hình thức bị xâm hại, bóc lột và tai nạn thương tích; cải thiện dinh dưỡng và y tế cho trẻ em dưới 5 tuổi bằng phương pháp tiếp cận lồng ghép; cải thiện sinh kế bền vững hộ gia đình để duy trì an sinh cho trẻ em và xây dựng cộng đồng gắn kết tham gia chăm sóc, bảo vệ trẻ em... Đây chính là cú hích để tạo điều kiện cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại một số xã khó khăn, vùng sâu vùng xa của tỉnh. 

Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo ngay trong Tuần lễ dinh dưỡng quốc gia, theo đó, cần phát triển mô hình vườn ao chuồng để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình. Sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, ăn đủ nhu cầu theo từng lứa tuổi; tăng cường ăn rau, củ, trái cây và các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng. Thực hiện nuôi dưỡng trẻ hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời để giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành. Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây. Đồng thời kêu gọi cộng đồng đặc biệt quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, phụ nữ có thai, bà mẹ đang nuôi con dưới 2 tuổi và những hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Tạm dừng tổ chức hội thi tuyên truyền về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Trước tình hình bão lũ đang diễn biến phức tạp tại khu vực miền Trung, Bộ TT&TT đã quyết định tạm dừng tổ chức hội thi tuyên truyền về chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo khu vực miền Trung - Tây Nguyên để các cấp ngành và địa phương tập trung cho công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. Công văn của Bộ TT&TT gửi các tỉnh, thành phố trong khu vực có nêu, căn cứ vào tình hình thực tế trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ có văn bản thông báo thời gian tổ chức hội thi sau.

Trước đó, vào ngày 13.10, Bộ TT&TT thông báo tổ chức hội thi tuyên truyền về chủ quyền và phát triển bền vững biển đảo Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh lân cận tại tỉnh Quảng Nam từ ngày 27.10 đến ngày 30.10. (CHÂU NỮ)

100% xã ở Điện Bàn đạt chuẩn nông thôn mới

Sáng 22.10, UBND thị xã Điện Bàn tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020.

Qua 10 năm xây dựng, đến nay thị xã có 13/13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 39 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Tổng nguồn vốn huy động lũy kế dự kiến đến cuối năm 2020 trong xây dựng NTM hơn 2.769 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ở 13 xã NTM đạt 42,39 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,56%; tỷ lệ lao động được đào tạo đạt 78%... Diện mạo các xã, thôn có nhiều khởi sắc, chuyển biến theo chiều hướng văn minh, cảnh quan ngày càng xanh sạch đẹp và an toàn.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho ông Phan Minh Dũng (Phó Bí thư Thường trực Thị ủy – Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thị xã Điện Bàn) vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 - 2020. UBND thị xã Điện Bàn cũng tặng Giấy khen cho 20 tập thể và 13 cá nhân vì có thành tích trong phong trào xây dựng NTM trên địa bàn, giai đoạn 2010 - 2020. (NGỌC ĐỨC)

Thành lập khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn

Ngày 22.10, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức lễ công bố quyết định thành lập khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn. 

Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn với quy mô 1.160ha nằm trên địa giới hành chính 2 xã Duy Phú, Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) và giáp ranh với xã Duy Sơn (Duy Xuyên), Sơn Viên (Nông Sơn). Việc thành lập khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn nhằm bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa; bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các loài động thực vật hoang dã hiện có; đồng thời bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái rừng, các giá trị di tích lịch sử văn hóa.

Các chương trình hoạt động sẽ được triển khai trong khuôn khổ dự án bao gồm: quản lý, bảo vệ rừng; phục hồi sinh thái rừng; xây dựng cơ sở hạ tầng; giáo dục môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Tổng mức vốn đầu tư cho các dự án này đến năm 2025 khoảng 96 tỷ đồng. (Q.TUẤN)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO