Cải thiện môi trường kinh doanh: Hướng đến doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 15/01/2019 06:42

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019. Trong đó nhấn mạnh các mối quan tâm của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên trong các chương trình nghị sự; vấn đề doanh nghiệp sẽ phải được đưa lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo các cấp.

Mọi chính sách kinh tế đều hướng đến tháo gỡ khó khăn, giảm thời gian, chi phí, kích thích doanh nghiệp phát triển. Ảnh: T.D
Mọi chính sách kinh tế đều hướng đến tháo gỡ khó khăn, giảm thời gian, chi phí, kích thích doanh nghiệp phát triển. Ảnh: T.D

Niềm tin kinh doanh gia tăng

Con số hơn 130.000 doanh nghiệp mới thành lập, hơn 34.000 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, ngân sách vượt dự toán 3,5 tỷ USD, số vốn ngoài nhà nước tăng 18,5% (chiếm đến 43,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội), vốn FDI thực hiện đạt 19,1 tỷ USD… là những chỉ dấu thể hiện môi trường đầu tư, kinh doanh quốc gia đã thăng tiến rõ rệt. Chủ tịch Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định nếu thiếu niềm tin vào môi trường kinh doanh, sẽ không thể có lượng doanh nghiệp hay số vốn cam kết thực hiện lớn như thế.

Không thể thực hiện được mục tiêu lọt vào tốp ASEAN 4 khi phần nhiều chỉ số đứng thứ 5 hoặc 6, 7, nhưng kết quả điều tra xu hướng kinh doanh cho thấy 85,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng ổn định và có khả năng tốt lên. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc, xếp hạng 45/126, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 2 trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và chỉ số phát triển bền vững tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia, vùng lãnh thổ. Không chỉ vậy, từng chỉ tiêu cụ thể như tiếp cận điện năng, thuế và bảo hiểm xã hội, khởi sự kinh doanh đều có mức cải thiện đáng kể (theo thứ tự tăng 69 bậc, 36 bậc và 17 bậc). Năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành đứng 67, chỉ số logistics đứng thứ 39… Quan trọng hơn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế thể hiện rõ nét khi cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1/2 điều kiện kinh doanh và hơn 2/3 danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Song, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nhiều điểm yếu. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, hiện 6/11 chỉ tiêu được đánh giá tốt hoặc rất tốt, cải thiện nhanh, nhưng vẫn còn đến 5/11 chỉ tiêu ít được cải thiện như  phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu hoặc những chỉ tiêu được quốc tế đánh giá tốt như thủ tục xây dựng (đứng thứ 21) nhưng 51% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập. Không ít lĩnh vực còn rườm rà thủ tục hành chính, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Hiện chỉ có Bộ KH&CN có sổ tay hướng dẫn xuống cấp dưới. Còn lại mới chỉ triển khai ở bộ, chưa hướng dẫn. Một số cải cách còn hình thức, chưa thực chất. Thái độ phục vụ một bộ phận công chức còn nhiều vấn đề qua phản ánh của doanh nghiệp.

Kiên trì mục tiêu ASEAN 4

Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ (về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia), nhận thức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia đã cải thiện rõ nét. Hàng nghìn điều kiện kinh doanh bất hợp lý về đầu tư, kinh doanh đã được bãi bỏ. Một số mặt hàng xuất nhập khẩu đã được loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Cơ chế kiểm tra theo nguyên tắc đánh giá rủi ro và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp đã được thực hiện ở không ít lĩnh vực. Tuy nhiên, thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn chỉ ở 69/190. Không ít chỉ số liên tục tụt hạng. Cải cách quản lý nhà nước không đồng đều. Không ít các quy định của pháp luật vẫn chưa cụ thể, thiếu nhất quán, chưa tiên liệu trước được. Không thiếu cán bộ, công chức vẫn cố tình gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Rủi ro đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn còn cao. Kinh doanh ngầm, phi chính thức vẫn còn lớn...

Đứng trước những thách thức có tính quyết định đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (thay số 19 bằng số 2) vào đầu năm 2019 với tinh thần đột phá “bứt phá đầu tiên là thể chế”. Nghị quyết này đặt ra 4 lĩnh vực trọng tâm. Đó là tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã được thực hiện trong năm 2018; tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (bao gồm xây dựng và thực hiện cổng dịch vụ công quốc gia) và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up).

Kế hoạch năm 2019, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng xếp hạng môi trường kinh doanh 2019 lên 5 - 7 bậc, đặt mục tiêu lọt vào tốp ASEAN 4 vào năm 2021 hoặc phần lớn các chỉ số lọt vào tốp này để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, trực tiếp tăng số doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng cửa…Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố các ngành, địa phương cần có chương trình hành động thực hiện nghị quyết này. Các mối quan tâm của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên trong các chương trình nghị sự. Vấn đề doanh nghiệp sẽ phải được đưa lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo các cấp. Không thể để tình trạng “thích thì làm, không thích thì thôi”!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải thiện môi trường kinh doanh: Hướng đến doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO