Đời sống

Cảm ơn hòa bình

XUÂN HIỀN (hienphan88@gmail.com) 27/04/2025 08:43

Giữa những ký ức cũ, vẫn có những câu chuyện mới - xoay quanh giá trị của lòng biết ơn, từ những con người biết trân quý hòa bình và lòng nhân hậu.

z6532712681997_a3863385cdcc1c66302ebeb3640c829b.jpg
Tri ân. Ảnh: PHẠM TOÀN

Trả nợ và trả ơn

Năm 2007, Manus Campbell - cựu quân nhân Tiểu đoàn 1, binh đoàn Thủy quân lục chiến 4 của quân đội Mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam, lần đầu tiên quay lại Việt Nam. Ông lựa chọn Huế để bắt đầu hành trình ở Việt Nam của mình.

Năm 2009, Manus kêu gọi những người Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam, thành lập tổ chức phi chính phủ gọi là HIVOW (Helping Invisible Victims of War) nhằm giúp đỡ những nạn nhân bị tác động bởi chiến tranh. Ông cũng là nhà tài trợ cho tổ chức Children’s Hope In Action (CHIA) tại Hội An để triển khai các dự án hỗ trợ trẻ em và nạn nhân chất độc da cam ở các tỉnh miền Trung.

Sớm hơn Manus Campbel, năm 2001, Chuck Pallaozo quay lại Việt Nam và bắt đầu chuỗi hoạt động “vì nạn nhân chất độc da cam” tại Việt Nam. Chuck chọn Đà Nẵng để ở hẳn lại Việt Nam. Năm 2009, Chuck bắt tay vào những phần việc “trả nợ” và “trả ơn” Việt Nam.

Veterans for Peace - cựu binh vì hòa bình được lập ra ở Việt Nam bởi Chuck Palazzo và một người bạn Mỹ của ông. Nhóm của Chuck tổ chức đưa các cựu binh về thăm lại Việt Nam với yêu cầu mỗi người đến ngoài chi trả chi phí sẽ hỗ trợ thêm 1.000USD để giúp đỡ nạn nhân da cam hoặc giải quyết bom mìn còn sót lại ngay trên đất nước này.

z5651268165092_8186b3efe096f727b9ac6fd2c3ed074d.jpg
Những đồng đội cũ cùng về hương khói cho đồng chí của mình tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Ảnh: Phạm Toàn

Những người như Chuck, như Manus đã chọn Việt Nam, không phải để tìm lại quá khứ, mà để sửa chữa nó - bằng những hành động cụ thể: rà phá bom mìn, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ giáo dục cho trẻ em vùng khó.

Với nhiều người Mỹ từng tham chiến, Việt Nam từng là nơi của những ký ức nặng nề. Nhưng chính nơi từng là chiến trường ấy, lại mở lòng đón họ bằng sự vị tha kỳ lạ.

Ông Mike Boehm, một nhạc sĩ đến từ bang Wisconsin, từng thừa nhận rằng mình không thể ngủ được nhiều năm sau khi chứng kiến những gì đã gây ra ở Quảng Trị. Nhưng rồi họ nói, khi họ quay trở lại - người dân nơi ấy đã dạy họ thế nào là tha thứ.

Từ đó, ông dành 27 năm cuộc đời để gây quỹ xây dựng trường học, trạm y tế tại các làng quê miền Trung.

Những cựu binh, nhà báo, nhà hoạt động xã hội... từng chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam và mang theo ám ảnh đó suốt đời. Và thay vì né tránh, họ chọn quay lại, đi dọc dải đất hình chữ S để nói một lời giản dị: Cảm ơn. Và xin lỗi.

Di sản hòa bình

Hòa bình - hai tiếng bình dị, nhưng là kết quả của những tháng năm máu lửa, của biết bao con người đã nằm lại và cả những người lặng lẽ đi qua cuộc chiến mà không bao giờ quên ký ức ấy.

z5651268180187_84bdb1efaf4242e223484f90b73188f3.jpg
Những đồng đội cũ cùng về hương khói cho đồng chí của mình tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn. Ảnh: Phạm Toàn

NSND Huỳnh Hùng - nguyên Giám đốc Sở VHTT&DL TP.Đà Nẵng, mới đây, ông nói mình cảm thấy ấm lòng khi góp phần tôn tạo được ngôi mộ cho mẹ Trương Thị Bưng (xã Điện Bình cũ, nay thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn). Năm 1965, khi đã 60 tuổi, mẹ Bưng dẫn đầu chị em phụ nữ địa phương dũng cảm chặn đứng đoàn xe tăng 21 chiếc của Mỹ hung hăng tràn vào làng, buộc chúng phải quay đầu, hủy bỏ cuộc hành quân càn quét.

Nhà mẹ có 4 liệt sĩ (1 con rể và 3 cháu ngoại), và con gái của mẹ cũng là Bà mẹ VNAH. “Nhưng suốt mấy chục năm trời, nơi yên nghỉ của mẹ vẫn quá sơ sài, lạnh lẽo” - NSND Huỳnh Hùng nói. Từ đây, ông kêu gọi và nhận được sự quan tâm của nhiều người, để ngày 22/4 vừa qua, một ngôi mộ khang trang của mẹ Bưng khánh thành.

“Di sản 30/4” - là sống, là nhớ, là biết ơn. Nhà văn Nguyễn Bảo - người từng tham gia trận đánh Thượng Đức tại Quảng Nam, cũng là một trong số các văn nghệ sĩ tham gia chiến trường Khu 5 nói, chưa bao giờ ông nghĩ mình sẽ viết gì khác ngoài những ký ức với đồng đội và chiến trường. Từng câu chuyện trong mỗi tác phẩm, như một lời cảm ơn gởi tới xa xanh dành cho đồng đội nằm xuống.

Những ngày này, dòng thời gian của mỗi người Việt hình như nhiều hơn những hình ảnh của các đoàn diễu binh, diễu hành sẽ diễn ra ở Sài Gòn. Cũng thời gian này, hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình chính thức được tái bản và phát hành rộng rãi. Lớp lớp thế hệ Việt sẽ biết được hành trình của hòa bình, qua từng câu chuyện thấp thoáng dáng dấp của một người phụ nữ bé nhỏ. Bóc tách từng lớp thời sự, thông tấn, sự kiện, có thể tìm hiểu một mặt trận đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà bà tham gia như một yếu nhân.

Nói như tác giả Nguyễn Phương Loan, người biên tập cuốn hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình: “Di sản 30/4 qua câu chuyện của bà là lời nhắc nhở về sự kết nối. Lịch sử không bao giờ cũ, nếu ta biết cách lắng nghe nó bằng sự cảm thông và lòng kính trọng. Hòa bình - bình dị, nhưng là từ máu và nước mắt của biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ - có danh và vô danh. Tất nhiên cả công lao của những người như Madam nữa- những người lính không mặc áo lính với “tiền tuyến là chiếc bàn và ánh đèn chiếu vào mặt”.

Hơn 15 năm làm báo, tôi gặp rất nhiều lớp người từng đi qua cuộc chiến. Có người trong căn nhà nhỏ gắn rất nhiều huân chương, huy chương. Nhưng có những người không mang quân hàm, không có huân chương, từng là “người lính không mặc áo lính”, với “tiền tuyến là chiếc bàn gỗ, kẹp tài liệu là con gà luộc nửa sống nửa chín che mắt địch”. Họ sống trong vùng tạm chiếm, để tiếp tế và che chở cho cách mạng. Họ lặng lẽ góp vào khúc khải hoàn của di sản hòa bình.

Lắng nghe những câu chuyện, để hiểu rằng, nói lời cảm ơn hòa bình, cũng là để nhắc mình sống biết ơn!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảm ơn hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO