(VHQN) - Lần này về Trà Nô (Hiệp Đức) tôi thăm lại các di tích lịch sử gắn với những bi hùng trong cuộc trường chinh của dân tộc...
1. Từ thị trấn Tân An đi bộ hơn nửa tiếng thì đến An Lâm. Đi chừng 3 cây số đến Bình Huề. Đây được xem là đại bản doanh cuối cùng của Nghĩa hội Quảng Nam - tổ chức mà các chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến và Nguyễn Thành - Tiểu La tập hợp nhân dân cầm quân đánh Pháp.
Trở lại với Trà Nô, Sông Trường, là dịp chúng tôi đi làm phim Khúc tưởng niệm bên dòng sông Thu - một trích đoạn trong trường thiên tình sử Sông Mẹ Thu Bồn.
Chúng tôi lội theo ven sông Trường gập ghềnh đá, dừng lại trước bãi cát trắng nhấp nhô sóng nước, thắp hương tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Mỹ hy sinh tận đầu nguồn và họa sĩ Hà Xuân Phong hy sinh giữa dòng Trà Nô.
Những ngày còn đen tối không lối ra bởi lưỡi lê máy chém - Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm, dân làng Ông Tía, Phước Trà, dưới chân Núi Vin, đã quyết một phen sống mái với quân thù. Đội tự vệ làng Ông Tía: Lào, Đề, Hèo, Sơn, Xin, Nhéo, Nhớ, Uông, Đu, Loan, Xảo được dân làng tôn vinh, khắc tên vào bia đá.
11 người con - chiến sĩ, quyết chí hy sinh cho cả làng Ông Tía được sống, dù phải lui vào rừng sâu hơn, dù thiếu cái ăn. Đúng như lời Nguyễn Duy Hiệu: ‘‘Chết tức là sống đó ’’. Dân làng Ông Tía, Phước Trà, sông Trà được sống và họ tìm thấy con đường đi của làng mình, sống cho xứng là con dân miền Thượng.
Cả làng xin được mang họ Hồ của Bác thay họ Đinh. Vẫn một lòng yêu núi rừng linh thiêng, yêu dòng sông ân tình, những người dân lành trải qua ác liệt, đói, nghèo, một lòng trung trinh với Tổ quốc, quyết chí hy sinh giữ gìn bí mật, bảo vệ căn cứ của Khu ủy 5 được an toàn.
Giặc Mỹ cùng tay sai mở chiến dịch ‘‘Bình Châu’’… lùa dân vào khu dồn, ruộng vườn bỏ hoang hóa, heo rừng xuống tận cầu Ông Triệu. Sắn, chóc, chuối, rau, bị chất độc hóa học làm trụi trơ, người chịu đói, heo rừng lạc bầy bơ vơ. Ngày 20/7/1969, Tỉnh ủy thành lập huyện Quế Tiên. Bấy giờ có một đường dây giao liên vắt qua bến đò Ba Lức, chạy về bến đò Tân An. Ngày đêm địch pháo kích, dội bom đường dây vô cùng ác liệt: Quế Tiên có Dốc cây Sy. Có Đò Ba Lức. Có đi không về!
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký. Ngày 29/3/1973, tại sân bay quân sự Đà Nẵng, toán giặc Mỹ cuối cùng cuốn cờ, cút về nước. Còn phải đánh cho tay sai nhào. Tháng 7/1973, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chuyển từ căn cứ Nước Oa - Trà Tân về Bắc Trà My. Tình hình chuyển biến nhanh, Khu ủy hành quân về Phước Trà xây dựng căn cứ. Từ ngày 5 đến ngày 22/12/1973, Đại hội đại biểu lần thứ III, bầu đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư Khu ủy, Tướng Chu Huy Mân làm Phó Bí thư, giữ chức Tư lệnh Quân khu 5.
2. Tại đất thiêng này, Bộ Tư lệnh Khu ủy 5 họp bàn, lên kế hoạch hình thành một ‘‘khu chiến’’ - chiến dịch Thu - 1974 - chiến dịch Nông Sơn - Trung Phước và Thượng Đức. Tức thì, Công trường mang tên 2/9 được thành lập. Tướng Chu Huy Mân dự lễ ra mắt. Công trường ra quân mở đường 16 nối từ đường mòn Hồ Chí Minh xuống Làng Hồi.
Quyết thắng giặc Mỹ, anh chị em thanh niên xung phong đội nắng mưa, đội đất, đội đá, đội cả bom đạn, lấp sông để xe vận tải nặng, xe bọc thép có thể vượt sông Tranh!
Công binh Sư đoàn 2 của Nguyễn Chơn cho xe cơ giới cùng lực lượng của các Ban giao thông và nhân dân ngày đêm ban xúc, ủi đất đắp đường. Đường thông đến đâu, vũ khí, lương thực được chuyển đến đó.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thế Chấp phụ trách học tập các chính sách của Đảng và Mặt trận, đón dân tiếp quản xây dựng vùng Giải phóng. Ban giao bưu chuyển Trạm Trà Linh xuống Thạch Bích.
Thời gian này chúng tôi không phải xuống Phú Diên, Đồng Lùng, gần quốc lộ 1 lấy gạo mà đi ngược lên bến Trà Linh - Tân An nhận gạo ‘‘xã hội chủ nghĩa’’. Mỗi chuyến đi gùi, chúng tôi còn được ăn bánh B1, B2, từ hậu phương lớn chuyển vào. Xe ô tô của bộ đội chạy giữa ban ngày không ngụy trang, thỉnh thoảng dừng lại một trạm, đổ xuống mấy bao gạo trắng non cho dân bám trụ. Bà con được ăn cơm trắng, lòng vui hơn nghĩ ngày hòa bình đang rất gần.
Lúc 0 giờ ngày 18/7/ 1974, chốt trên đỉnh Cà Tang bị triệt hạ. Đến 17 giờ 5 phút cùng ngày, lá cờ chiến thắng của Sư đoàn 2 ngạo nghễ bay trên nóc hầm chỉ huy chốt điểm Nông Sơn... Hơn 20.000 dân ra khỏi khu dồn mừng vui ứa nước mắt.
Để phòng địch phản kích, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định dời dân lên vùng giải phóng Quế Tiên - vùng đất rộng được giải phóng sớm nhất trên toàn tỉnh - nơi có khả năng giữ dân và có đất cho dân trồng rau, trồng khoai, nuôi gà, quyết không để ai bị đói…
Ngày đi, tháng chạy, năm bay. Thời gian nước chảy chẳng quay được về… Đường sá, phong cảnh đổi thay, nhiều người đi xa, bỏ lại những ký ức - cuốn nhật ký đời người cho quá khứ. Thực hiện chiến dịch mở toang “cánh cửa thép” kèm kẹp vòng ngoài của tỉnh lỵ Quảng Nam và TP.Đà Nẵng, địch bỏ Tây Nguyên.
Bộ Chính trị quyết định tổng tiến công. Ngày 24/3/1975, ta giải phóng Tam Kỳ. Ngày 28/3/1975, địch tháo chạy khỏi Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An… Và, trưa ngày 29/3/1975, quân Giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng. Nơi nơi, dân ùa ra đường vẫy cờ đỏ sao vàng đón chào ngày Hòa bình đầu tiên…