Học Bác không phải để được vinh danh, mà bằng tinh thần vươn lên của mỗi người. Đó có thể là nỗ lực vượt khó của bản thân, gia đình trong việc giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống; hay những đóng góp làm đổi thay nhận thức cho cộng đồng, xã hội… Vì thế, những câu chuyện được kể sau đây đều khiến nhiều người cảm phục.
Những chiến sĩ “đa năng”
Trung úy Zơrâm Quế - nhân viên Đội Kiểm soát hành chính (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang) chia sẻ, với người chiến sĩ, tinh thần đoàn kết và tính kỷ luật luôn được xem như sức mạnh của quân đội. Vì thế, trong môi trường quân ngũ, bằng sự tôi luyện đã giúp các chiến sĩ có thêm “tinh thần thép” để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Những năm qua, bên cạnh làm tốt nhiệm vụ kiểm soát hành chính tại khu vực cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc, Trung úy Zơrâm Quế còn tham gia nhiệt tình các chương trình, hoạt động của đơn vị, cũng như Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức.
Như năm 2018, Trung úy Zơrâm Quế đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tại cuộc diễn tập của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Ghi nhận những đóng góp của anh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trao tặng giấy khen như một lời động viên người chiến sĩ hết mình vì nhiệm vụ.
Đặc biệt, trong thời điểm cả nước chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, Trung úy Zơrâm Quế cùng đồng đội không quản ngày đêm tham gia công tác tuần tra, kiểm soát, góp sức giữ đảm bảo an toàn khu vực biên giới. Mới đây, Trung úy Zơrâm Quế được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích cao trong việc thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19, là một trong những gương mặt thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác do Tỉnh đoàn tổ chức.
Cũng như Trung úy Zơrâm Quế, ở huyện Nam Giang, nhiều người vẫn hay nhắc đến câu chuyện của Đại úy Hiền Văn Thìn - Trợ lý tác huấn (Ban Chỉ huy Quân sự huyện). Không chỉ giỏi về chuyên môn, Đại úy Hiền Văn Thìn còn là tấm gương trong hoạt động thiện nguyện, hướng về cuộc sống cộng đồng. Trong đó, nhiều mô hình được triển khai, đem lại hiệu quả tích cực. Tiêu biểu như chương trình gây quỹ thực hiện mô hình “Cặp lá yêu thương” nhận đỡ đầu 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy - Ta Bhing; chương trình “Nồi cháo yêu thương” giúp đỡ hàng trăm suất cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo mỗi tháng.
Đại úy Hiền Văn Thìn nói, các mô hình được triển khai đều xuất phát từ sự đồng cảm, mong muốn sẻ chia với cộng đồng khó khăn, như một cách mà anh học theo gương Bác. Với những đóng góp của mình, Đại úy Hiền Văn Thìn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền; năm 2018 đạt danh hiệu gương mặt trẻ cấp quân khu; năm 2019 được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu...
Tận lực vì cộng đồng
Năm ngoái, được giới thiệu của chính quyền địa phương, tôi gặp ông Nguyễn Văn Bé (dân tộc Bh’noong, ở khu tái định cư Plây Kdhủh, thuộc thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn). Ông Bé là người đã có công sưu tầm, bảo tồn giống lúa baton truyền thống của đồng bào Bh’noong. Câu chuyện giữa chúng tôi chỉ xoay quanh giống lúa và chuyện làm kinh tế. Ông hồ hởi lắm, kéo tay tôi xuống tận nhà bếp để giới thiệu giống lúa baton chuẩn được phơi trên giàn.
Ông bảo, khó khăn lắm ông mới chọn được giống lúa. Bởi đồng bào Bh’noong ít còn người trồng. Phần vì thiếu giống, phần thời tiết cực đoan khiến giống lúa bị lai tạp và kém chất lượng. “Nhưng, không trồng thì lấy đâu ra nguyên liệu để làm bánh phục vụ lễ hội tết mùa?”. Nghĩ vậy nên ông lặn lội khắp vùng để chọn giống tốt nhất mang về nhà cất giữ, phục vụ gieo trồng. Nhiều năm trước, từ nguồn gen lúa baton của gia đình, ông Bé cũng phân phát cho bà con lân cận, vì thế giúp đồng bào giữ được hương vị tết mùa Bh’noong.
Mới đây gặp lại, ông Bé nói, gia đình đang trồng thử nghiệm giống lúa trên cánh rẫy. Nhưng thời tiết nắng kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. “Bên ngành nông nghiệp huyện cũng “đặt hàng”, nếu thành công đây sẽ là mô hình giống lúa baton chuẩn để địa phương nhân rộng” - ông Bé tâm sự.
Vài năm trước, sau thời điểm làng Bút Tưa (nay là Bh’lô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang) gặp biến cố vì “cái chết xấu”, ông Alăng Dưới - một người dân ở làng lân cận đã tình nguyện hiến hơn 200m2 đất trồng cây lòn bon lâu năm của gia đình để dân làng Bút Tưa có đất dựng gươl mới.
Ông Dưới nói, thời bố của ông còn sống, cũng đã từng hiến đất vườn cho bà con ở các làng lân cận để mở rộng phát triển sản xuất. Thậm chí, vì mối tình kết giao nên nhà ông Dưới còn tặng cả vườn cây ăn quả để san sẻ với một số hộ khác. Nhờ vậy, lâu nay bà con ở các làng đều giữ mối quan hệ thân thiết, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Nhớ lời của ông Dưới nói với tôi lúc gặp nhau ở bìa rừng cạnh làng cách đây vài năm, rằng ngày trước, mỗi khi dân làng của ông gặp khó khăn đều nhận được sự giúp đỡ của bà con Bút Tưa. Nay họ gặp khó, sự san sẻ để bà con an tâm tư tưởng, ổn định cuộc sống là điều rất đáng làm.
Bây giờ cả Bút Tưa và Sơn (làng của ông Dưới) đã sáp nhập thành thôn mới mang tên Bh’lô Bền. “Sống chung một nhà”, ông Dưới nói, “tình cảm bà con vẫn luôn đong đầy và ngày càng khắng khít, thuận hòa như dòng sông Kôn xanh biếc”.