(QNO) - Phương án cấm xe ô tô qua lại để sửa chữa cầu Câu Lâu mới đã được đưa ra. Tuy nhiên, việc phân luồng để ô tô lưu thông “vòng tránh” cầu mới trên quốc lộ (QL) 1 sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho các tuyến đường tiếp cận.
Nằm song song với cầu Câu Lâu mới về phía tây, cầu Câu Lâu cũ đang xuống cấp nặng, trụ lún, lan can gãy đổ mất an toàn giao thông (ATGT). Từ nhiều tháng qua, ngành chức năng đã cấm ô tô các loại qua cầu Câu Lâu cũ nên việc phân luồng ô tô qua cây cầu này để sửa chữa cầu Câu Lâu mới không thể thực hiện.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam - ông Văn Anh Tuấn bày tỏ, cầu Câu Lâu cũ hiện chỉ cho phép xe thô sơ, xe mô tô, xe gắn máy lưu thông. Việc sửa chữa cầu này được bắt đầu từ ngày 29/9/2024, tiến độ thi công dự kiến 365 ngày. Trong quá trình sửa chữa, việc qua lại rất hạn chế, kể cả cấm lưu thông hoàn toàn qua cầu Câu Lâu cũ khi cần thiết.
Cuộc họp giữa Khu Quản lý đường bộ III, đơn vị quản lý QL1, đơn vị tư vấn thiết kế với các ngành chức năng của tỉnh, đại diện UBND các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn đã đi đến thống nhất nhiều nội dung về phương án phân luồng giao thông, tiếp tục cho phép các phương tiện xe thô sơ, xe máy, xe gắn máy lưu thông qua cầu Câu Lâu mới, bố trí dự phòng đảm bảo cho xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ khẩn cấp (Báo Quảng Nam đã thông tin).
Theo phương án phân luồng, địa bàn Thăng Bình sẽ “đón nhận” thêm xe ô tô lên - xuống QL14E, nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; xe ô tô qua địa bàn Duy Xuyên đi trên QL14H (đoạn tuyến ĐT610 cũ), phía nam cầu Giao Thủy; xe ô tô qua khu vực Điện Bàn di chuyển trên QL1 cũ (đoạn từ ngã 3 đường tránh Vĩnh Điện đến trước cổng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu), tuyến ĐT609, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; xe ô tô từ Điện Bàn lên Đại Lộc để qua Duy Xuyên, xuống QL1 và ngược lại sẽ đi trên các tuyến ĐT609, ĐT609B, cầu Giao Thủy và QL14H.
Bình thường mỗi ngày, có hàng chục nghìn ô tô qua cầu Câu Lâu mới. Bây giờ, lưu lượng phương tiện này “tỏa ra” các tuyến đường tiếp cận qua 4 huyện, thị xã nêu trên là rất lớn. Trong khi đó, nhiều tuyến hiện đã quá tải, đơn cử như QL14H đoạn từ phía nam cầu Giao Thủy xuống ngã 3 Nam Phước (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên); tuyến ĐT609B đoạn từ phía bắc cầu Giao Thủy ra đến ngã 4 Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc); đầu tuyến ĐT609 giao nhau với QL1 cũ (đầu đường Phan Thúc Duyện, phường Vĩnh Điện) và cầu Phong Thử (xã Điện Thọ, Điện Bàn).
Được biết, xe chở quặng hay hàng hóa khác từ Cửa khẩu quốc tế Nam Giang về cảng Chu Lai để xuất khẩu có chạy vào tuyến ĐT609B, xuống ĐT609 và qua cầu Câu Lâu mới. Nhưng khi bị cấm để sửa chữa cầu Câu Lâu mới, những dòng xe nêu trên sẽ phải thay đổi lộ trình, có thể đi cao tốc hoặc cũng có thể đi ĐT609B để qua cầu Giao Thủy, xuống ngã 3 Nam Phước rồi vào cảng Chu Lai. Nếu như thế, lưu lượng xe trên các tuyến ĐT609B, QL14H vốn đã đông thì nay càng thêm quá tải.
Chính vì vậy, Khu Quản lý đường bộ III cần có văn bản gửi các ngành chức năng, công an các huyện, thị xã bố trí lực lượng chức năng hỗ trợ điều tiết giao thông một cách linh hoạt, đảm bảo ATGT. Đáng chú ý, tuyến xe buýt LK21 (Đà Nẵng - Tam Kỳ) bị ảnh hưởng là điều tất yếu. Cho nên, 2 sở GTVT của Đà Nẵng và Quảng Nam, cùng đơn vị đang khai thác tuyến xe buýt cần bàn bạc, thống nhất phương án “chữa cháy” cho giai đoạn này để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.
Theo ông Văn Anh Tuấn, Khu Quản lý đường bộ III cần báo cáo Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam sớm đầu tư xây dựng mở rộng cầu Câu Lâu mới và tuyến tránh Vĩnh Điện đủ 4 làn xe ô tô, 2 làn xe thô sơ theo quy hoạch để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân và ATGT. Như vậy, đơn vị chức năng sẽ thuận lợi trong tổ chức đảm bảo giao thông mỗi khi cần thiết phải sửa chữa bảo trì cầu đường bộ, chẳng hạn như cầu Câu Lâu mới.