Xã hội

Cảm xúc ngày trở về…

ALĂNG NGƯỚC (alangnguoc@gmail.com) 26/03/2025 09:26

(QNO) - “Năm mươi năm, một cuộc gặp lịch sử. Nhiều đồng đội tôi dù đôi chân không còn khỏe nữa nhưng vẫn muốn trở về quê hương Quảng Nam để sống lại cuộc đời người lính. Dù ai còn, ai mất nhưng mỗi lần nhắc đến Quảng Nam cũng đều bồi hồi, xúc động và không thể nào quên…”.

Thượng tá Võ Quang Tiến (thứ 2 từ phải sang) trò chuyện cùng đồng đội trong lần gặp và trở về nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Thượng tá Võ Quang Tiến (thứ hai từ phải sang) trò chuyện cùng đồng đội trong lần gặp và trở về nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Thượng tá Võ Quang Tiến - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn 70, Tỉnh đội Quảng Nam) chia sẻ như vậy trong lần gặp mặt truyền thống mới đây của Ban liên lạc cựu chiến binh Đất Quảng (thuộc Cơ quan tham mưu Tỉnh đội Quảng Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ).

Lần trở về này, ngoài thăm lại chiến trường xưa, còn là dịp để các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở Mặt trận Quảng Nam thắp nén nhang tri ân đồng đội cũ và thăm lại những người dân xứ Quảng từng cưu mang, giúp đỡ bộ đội nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2025).

Ông Tiến quê ở Bắc Giang, vào Quảng Nam chiến đấu từ những năm 1968 - 1974, thời điểm “Mỹ lết” hoành hành, đánh phá khắp chiến trường miền Nam, nhất là ở khu căn cứ Nam Tam Kỳ…

Ký ức cựu binh

Khuôn viên Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh một ngày cuối tháng Ba lịch sử, trong niềm vui hạnh ngộ, những câu chuyện chắp nối được kể giữa các cựu chiến binh về tháng ngày tham gia chiến đấu ở vùng đất “chưa mưa đà thấm” vẫn vẹn nguyên cảm xúc.

Đặc biệt, với những người lính tuổi đời chỉ tròn mười tám, đôi mươi ở các tỉnh phía Bắc, tình nguyện góp sức chia lửa cho Mặt trận Quảng Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Những cựu chiến binh từ khắp mọi miền đất nước tìm về Quảng Nam gặp lại nhau trong ngày đặc biệt và ý nghĩa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Những cựu chiến binh từ khắp mọi miền đất nước tìm về Quảng Nam gặp lại nhau trong ngày đặc biệt và ý nghĩa. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Bồi hồi theo dòng ký ức, Thượng tá Võ Quang Tiến nhắc rất nhiều về người mẹ Quảng từng cứu sống ông và đồng đội trong một lần bị địch phục kích. Đó là vào năm 1972, lúc ấy ông Tiến cùng đồng đội đang trên đường từ khu sản xuất vận chuyển lương thực về đơn vị thì bị trực thăng chiến đấu của địch phát hiện.

Ngay lập tức, máy bay hạ độ cao rồi lượn một vòng tìm kiếm mục tiêu. Trong lúc nguy cấp, ông Tiến và đồng đội may mắn được 2 mẹ con ở vùng Sơn Cẩm Hà (Tiên Phước) hướng dẫn đến các hầm trú ẩn.

Chừng vài phút sau, chiếc trực thăng chiến đấu gầm rít trên đầu rồi lao tới bắn hàng loạt rocket xuống quanh khu vườn. Những tiếng nổ chát chúa vang lên, khói bụi bay mịt mù khiến căn nhà của 2 mẹ con “má Hai” bị sập đổ.

“Máy bay địch rời đi, chúng tôi chỉ vừa lóp ngóp chui ra khỏi căn hầm phía góc vườn thì đã nghe giọng của “má Hai” hỏi với “Có đứa mô bị làm sao không, cứ ở yên chờ má nấu cơm ăn rồi hãy đi"… Mỗi lần nhớ lại câu chuyện đó, tôi đều xúc động đến rớt nước mắt” - ông Tiến kể.

Rất nhiều câu chuyện lịch sử mang hồi ức chiến tranh được chính các cựu chiến binh kể lại cho nhau. Ai cũng bồi hồi theo dòng cảm xúc. Giữa nụ cười hạnh ngộ, nét mặt của họ bỗng chốc lại chùng lặng khi nhắc đến tên của đồng đội đã hy sinh trên chiến trường.

Chừng như, đằm sâu trong tâm khảm của họ, ai cũng mang trong mình những dòng ký ức buồn vui lẫn lộn, không thể phai nhòa…

Cuộc hạnh ngộ đặc biệt

Bên trong không gian trưng bày hiện vật chiến tranh tại bảo tàng Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh, rất nhiều cựu chiến binh tìm đến, rồi lặng lẽ hồi tưởng quá khứ của chính mình. Những hình ảnh chiến tranh, kho đạn dược, chông bẫy… đều mang câu chuyện lịch sử và không thể nào quên với người lính năm xưa.

Chiến tranh cướp lấy một bên chân, khiến cựu binh Trần Đình Thảo (trú huyện Thăng Bình) đi lại khó khăn. Nhưng trong cuộc gặp mặt lần này, ông vẫn nhất quyết góp mặt. Là bởi, sau nhiều năm xa cách, ông Thảo nói đây là lần gặp mặt lớn nhất, đầy đủ nhất mà ông từng được dự. Vì thế, ông quyết trở về, cùng hàn huyên với đồng đội cũ.

Ông Thảo là thương binh, trước đây thuộc chiến sĩ Tiểu đoàn 72 (Tỉnh đội Quảng Nam). Năm 1972, trong một cuộc giao tranh với địch, ông Thảo không may bị thương, phải cưa mất một bên chân. Hơn 50 năm qua, vết thương chiến tranh hành hạ, nhưng ông vẫn kiên cường vượt qua. Cuộc đời binh nghiệp, được phục vụ cho cách mạng, với ông là điều hạnh phúc nhất.

“Nhiều năm nay, tôi tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, những người đồng đội của tôi hy sinh ở chiến trường Mặt trận Quảng Nam này. Mình may mắn được sống, nhưng nhiều đồng đội vẫn phải nằm lại ở núi đồi hoang vắng, rất thương xót” - ông Thảo tâm sự.

Thương binh Trần Đình Thảo bồi hồi khi xem lại những bẫy chông, đạn dược - chứng tích sót lại sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, được trưng bày tại bảo tàng Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Thương binh Trần Đình Thảo bồi hồi khi xem lại những bẫy chông, đạn dược - chứng tích sót lại sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, được trưng bày tại bảo tàng Nhà truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Thật may mắn, cuộc hạnh hộ này, ông Thảo được gặp lại người bạn thân thiết nhất thời điểm tham gia chiến đấu ở Mặt trận Quảng Nam những năm 1970 - 1973. Sau một hồi chuyện trò, thăm hỏi và chụp chung bức hình lưu niệm, hai người đàn ông lớn tuổi dìu nhau đến nơi họp mặt, trước sự hỗ trợ của các chiến sĩ trẻ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Những cảm xúc như vỡ òa tiếp nối, với họ không niềm vui nào sánh bằng. Nói như cựu chiến binh Trần Ngọc Nhàn (trú huyện Quế Sơn - nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 72, Tỉnh đội Quảng Nam), cuộc gặp mặt này mang rất nhiều thông điệp, vừa tri ân đồng đội cũ, vừa thăm lại chiến trường xưa sau nửa thập kỷ xa cách.

Mỗi người kể về một kỷ niệm, rôm rả trong dịp “nhớ nhau mà tìm về”…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảm xúc ngày trở về…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO