Đời sống

Cân bằng thực thể phố - làng

TÚ TRINH 11/06/2024 15:20

(VHQN) - Mở rộng không gian đô thị nhưng vẫn phải giữ được chất của làng trong quá trình đô thị hóa, là điều cần nhìn nhận thấu đáo. Trường hợp làng cổ Nam Ô (TP.Đà Nẵng) là một ví dụ cụ thể.

namo1.jpg
Làng cổ Nam Ô hiện nay. Ảnh: XUÂN SƠN

Không gian văn hóa bị “tước đoạt”

Năm 2019, UBND TP.Đà Nẵng ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô. Nam Ô cũng là điểm cuối trong chương trình du lịch học tập và trải nghiệm dọc sông Cu Đê do Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Hòa Bắc khai thác.

Thế nhưng, đến Nam Ô những ngày gần đây, chúng tôi lại không thể thấy được “sinh khí” làng như đã từng có. Cảnh vật mới đang từng ngày “bao trùm” lên những cổ xưa, những hồn cốt của làng chài cổ. Cư dân bản địa đã vắng đi ít nhiều do phải chuyển cư đến khu mới.

Khi phải trả lời câu hỏi: Đặc điểm văn hóa của Nam Ô là gì, người ta hay dẫn nghề làm nước mắm Nam Ô làm ý cốt lõi, cùng với những lý giải về lịch sử, xã hội, văn hóa trăm năm trong mối giao hảo Chàm - Việt.

Thực ra dẫn làng nghề nước mắm để luận giải về văn hóa Nam Ô cũng là hợp lẽ vì chính làng nghề này đã được ghi danh di sản, là ngành nghề mang lại nguồn sống cho con người nơi đây.

Nhưng theo chúng tôi, không gian văn hóa biển với những ghềnh, mỏm, vịnh, eo… đã làm nên đặc trưng của làng chài cổ này. Viện dẫn như vậy để thấy rằng, những bức tường rào chắn và ngăn cách những chòm xóm còn lại của ngư dân đối với mặt biển, hướng biển đã trở thành một hành động “tước đoạt” không gian văn hóa của họ. Người vạn chài mà không được nhìn thấy biển, ngư dân mà không sống cùng với biển, còn mất mát gì hơn!

namo3.png
Lăng Ông và dinh Âm linh tại Nam Ô. Cả hai di tích đều hướng mặt ra biển.

Thực tiễn lễ hội cầu ngư trong những năm gần đây đã phơi bày ít nhiều sự suy giảm trầm trọng của đời sống văn hóa của cư dân Nam Ô.

Ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, cũng là người giữ vai trò chủ tế trong các lễ hội cầu ngư chia sẻ: “Theo truyền thống của ông cha để lại, lễ hội cầu ngư thì phải có hát hò, các trò chơi. Nhưng thực tế là dân đi hết rồi, chính bản thân tôi đi tìm từng hộ nhưng không biết ở đâu vì họ ở khu chung cư mới nên không tìm được, năm nay lễ hội không có gì nhiều. Chỉ có những bậc cao niên trong làng, vì sống không thể thiếu ông bà tổ tiên nên phải quay về đây trong ngày lễ hội”.

Giữ “chất” cho đô thị

Mở rộng không gian đô thị nhưng vẫn phải giữ được chất của làng trong quá trình đô thị hóa nên được coi là vấn đề bức thiết hiện nay của các đô thị Đà Nẵng nói chung, Nam Ô nói riêng.

Văn hóa địa phương luôn được hình thành từ văn hóa của các cộng đồng. Bản sắc của nó suy tới cùng là sự gom kết bản sắc của những cộng đồng đã góp diện mạo làm nên văn hóa địa phương theo nghĩa đa dạng, tích hợp. Không giữ được bản sắc hoặc không duy trì được bản sắc của Nam Ô trên phương diện văn hóa cũng đồng nghĩa với việc tự tước bỏ khả năng tồn tại và phát triển độc lập.

Con người Nam Ô là chủ thể của văn hóa Nam Ô, khi họ mất đi động lực và điều kiện để sáng tạo, không sớm thì muộn, bản sắc văn hóa của họ sẽ mờ nhạt. Biển và đời sống văn hóa liên quan đến biển chính là những động lực sống của làng cổ Nam Ô.

Vậy nên, từ phía nhà quản lý cần có những chủ trương phù hợp để can thiệp, từ phía cộng đồng cần có những giải pháp thích ứng kịp thời với tình hình mới nhằm đem lại đời sống văn hóa “trọn vẹn” theo nhiều nghĩa!

Nam Ô sẽ trở thành điểm đến mới và hấp dẫn trên bản đồ du lịch Đà Nẵng nếu cân bằng được hai thực thể phố - làng của mình!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cân bằng thực thể phố - làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO