Tạp văn

Căn bếp của ngoại

TRÂN HUYỀN 27/01/2025 15:51

(VHQN) - Tôi ở với ngoại từ hồi 10 tuổi, cho tới khi ngoại bán nhà vô Nam. Ở với ngoại, tôi trải qua những cái tết quê, đắm chìm trong mùi tết từ căn bếp nhỏ nhắn và ấm áp.

mui-tet-04.jpg
Chợ quê ngày Tết. Ảnh: Đặng Văn Trân

Mùi tết

Như bao căn bếp khác ở nhà quê, bếp có ba ông đầu rau bằng đất nung đặt chính giữa nền đất nện chặt; phía sau có cái trang nhỏ kê trên mấy cục gạch. Trên đó, có một bát nhang và một miếng đất nung khác nhỉnh hơn bàn tay một chút, khắc hình “hai ông một bà”, mà ngoại gọi là Ông Táo.

Bên cạnh ba ông đầu rau còn có cái kiềng ba chân bằng sắt để nấu bằng củi và cái lò đun bằng trấu hình phễu, làm từ vỏ đạn thời hậu chiến. Có một cái chạn nhỏ bằng gỗ tạp nằm ở mé phải căn bếp, ngoại tôi kêu theo tiếng Tây là cái “gác-măng-rê”. Cạnh “gác-măng-rê” là mấy cái thạp đựng gạo, đậu, mè, cá khô…

z6102711960433_52664faee1727b9b6f2c22ca122fefbe.jpg
Bếp lửa quê. Ảnh: Xuân Hiền

Ngày thường, tôi thấy căn bếp rộng rãi và gọn hơ, nhưng từ rằm tháng Chạp trở đi, căn bếp trở nên “sầm uất” lạ kỳ. Ngoại mở rương, lấy ra mấy cái khuôn làm bánh in bằng đồng, cái khuôn đúc bánh thuẫn bằng gang… rửa sạch, lau cho khô ráo rồi bày lên hai cái kệ nhỏ ở cạnh gian bếp chính. Đó là lúc tôi bắt đầu được hít hà mùi Tết tỏa ra từ căn bếp của ngoại.

mui-tet-01.jpg
Mứt màu hoa xứ Huế. Ảnh: Hoàng Anh

Ngoại đi chợ mua than, giấy thủ công nhiều màu, đường, trứng, bột bình tinh… mang về cất trong “gác-măng-rê”. Rồi, ngoại mở mấy cái thạp ở trong bếp, lấy đậu xanh, gạo nếp ra rang chín, rồi đem đi xay thành bột. Từ 20 tháng Chạp, căn bếp của ngoại bắt đầu có mùi tết và màu tết.

Từ món ngọt tới món mặn, tết “về” từng ngày ở căn bếp nhỏ. Ngoại ra sau vườn hái đu đủ, mua cà rốt, củ cải trắng ở chợ về, xắt những thứ củ quả đó thành từng lát nhỏ; rồi hái ớt chỉ thiên, xẻ dọc bỏ hột, gọt cuống; có nắng thì đem phơi, không thì sấy khô trên bếp than. Đó là lúc ngoại làm dưa món.

mui-tet-02.jpg
Mứt hạt sen. Ảnh: Hoàng Anh

Ngoại có tay làm dưa, làm mắm. Mùa hè, cá nục, cá cơm, khuyết biển… vào vụ. Ngoại đi chợ mua về, tự tay rang thính bằng bột bắp, bột nếp để làm mắm thính cá nục; hay ướp muối cá cơm làm mắm nêm; xay nhuyễn con khuyết để làm mắm ruốc…

Riêng dưa món và thịt heo ngâm nước mắm do ngoại làm, thuộc hàng thượng thừa. Lát dưa món ngòn ngọt, mằn mặn, giòn rụm khi nhai; miếng ba chỉ dầm, cân phân giữa nạc và mỡ, xắt dày bằng quân cờ domino, sắp ra dĩa, rắc tiêu bột lên, ăn với bánh tét trong ba ngày Tết thì không có thứ gì hợp hơn.

Bánh dâng cúng đêm ba mươi

Món sau cùng ngoại làm trong căn bếp nhỏ trước lúc đón Giao thừa, là gói bánh chưng, bánh tét. Ngoại mua lúa nếp trữ sẵn từ mùa thu. Gần tết thì đem lúa nếp đi xay, mang về dần, sàng cho sạch, đợi tới sáng 30 Tết thì mang ra gói bánh.

mui-tet-03.jpg
Mứt hạt dâu. Ảnh: Hoàng Anh

Mỗi cái tết, ngoại gói chừng 5 đòn bánh tét và chục cặp bánh chưng. Tôi phụ ngoại lau lá chuối, vuốt nếp, luộc đậu xanh để làm nhưn bánh. Khoảng 3 giờ chiều thì bánh đã gói xong. Và tất cả đều là bánh chay.

Ngoại kêu tôi phụ chất bánh vào nồi. Trước giao thừa chừng 2 tiếng thì bánh chín. Ngoại hối hả vớt bánh, sắp lên bàn thờ trên gian nhà trên, thờ ông ngoại, cha và cậu ruột tôi; mỗi nơi một đòn bánh tét và một cặp bánh chưng, rồi thắp mỗi nơi ba nén nhang.

Sau đó ngoại lấy cái giỏ nhựa, bỏ vào đó hai đòn bánh tét, hai cặp bánh chưng, hai phong bánh in và một bì bánh thuẫn, cùng một hộp trà B’lao ngoại mua từ trước, mặc chiếc áo dài màu lam. Bà kêu tôi cùng đi qua chùa Phong Nguyên, ở cách nhà khoảng một cây số. Ông vãi giữ chùa năm nào cũng đón ngoại ở bên ngoài chánh điện, nhận bánh trái và trà từ tay ngoại, dâng lên các bàn thờ trong chùa.

Ngoại đón mấy nén nhang đã thắp từ tay ông vãi. Tôi nghe lời khấn của ngoại, nghe tiếng được tiếng mất, nhưng biết là ngoại đang tạ ơn Trời Phật đã phù trợ cho bà cháu tôi có một năm an lành, và mời cậu tôi về ăn Tết.

Ngày ngoại tôi rời quê vào Nam, căn nhà được người em trai của ngoại tháo dỡ mang về quê ngoại ở xã Phong Hòa, trả lại khoảnh đất mà ngoại đã mướn để dựng nhà tá túc từ năm 1970 cho đến năm 1985 cho người ta.

Kể từ đó, căn bếp của ngoại không còn nữa, nhưng mùi tết và màu tết mà tôi từng tận hưởng trong những tháng ngày sống với ngoại vẫn lưu dấu trong ký ức.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Căn bếp của ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO