Cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính: Cân nhắc chính sách hỗ trợ phù hợp

TÂM ĐAN - HÀN GIANG 01/12/2023 08:55

Quảng Nam đang nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc diện tinh giản biên chế do dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Chính sách này đang nhận được sự quan tâm với nhiều ý kiến góp ý, phản biện...

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: TÂM ĐAN
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: TÂM ĐAN

Nghiên cứu, bổ sung thêm các nhóm hỗ trợ

Nhằm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Sở Nội vụ đã chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế ở các huyện, xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025. Dự thảo nghị quyết đã và đang được lấy ý góp ý kiến rộng rãi để hoàn chỉnh trước khi trình Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Các địa phương cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025: Huyện Nông Sơn, Quế Sơn và các xã, phường, thị trấn gồm: Bình Định Bắc, Bình Định Nam, Bình Chánh, Bình Phú (Thăng Bình); Sơn Viên, Quế Lộc (Nông Sơn); Hiệp Thuận, Hiệp Hòa (Hiệp Đức); Duy Thu, Duy Tân (Duy Xuyên); Tiên Cẩm, Tiên Sơn (Tiên Phước); Phú Thịnh, Tam Vinh (Phú Ninh); Phước Hòa, An Xuân (TP.Tam Kỳ).

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Phi Hùng cho biết, tại hội nghị phản biện do Mặt trận tỉnh tổ chức, đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành nghị quyết này.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định một cách toàn diện, hợp lý hơn trên cơ sở pháp lý và thực tiễn của địa phương khi đề xuất các mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng theo tinh thần Kết luận số 35 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị và Nghị định số 29 ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.

Về “Đối tượng áp dụng”, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung bảo đảm đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định số 29 của Chính phủ. Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung các đối tượng như viên chức sự nghiệp giáo dục công lập; người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, tổ dân phố.

Ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch UBND phường An Xuân (TP.Tam Kỳ) góp ý: “Dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh nên nghiên cứu, xem xét bổ sung hỗ trợ nhóm đối tượng ở cấp thôn, tổ dân phố. Bởi vì, có thể trong quá trình sáp nhập ĐVHC cấp xã, khả năng sẽ sáp nhập đến cấp thôn. Bây giờ không bổ sung, đến khi đó lại phải nghiên cứu bổ sung nghị quyết”.

Cân nhắc mức hỗ trợ

Theo dự thảo nghị quyết, chính sách hỗ trợ quy định cho 2 trường hợp “nghỉ hưu trước tuổi” và “thôi việc ngay”. Ngoài chế độ, chính sách được hưởng theo Nghị định số 29 của Chính phủ, tỉnh sẽ hỗ trợ một lần với từng mức kinh phí theo các nhóm khác nhau. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định các mức hỗ trợ cụ thể (một khoản tiền nhất định) theo từng nhóm đối tượng như dự thảo nghị quyết là chưa hợp lý, thiếu công bằng giữa từng đối tượng về thời gian nghỉ hưu trước tuổi, chức vụ...

Do đó, đề nghị nghiên cứu chính sách hỗ trợ thêm theo hướng: HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ thêm theo tỷ lệ % nhất định (70% đối với người nghỉ hưu trước tuổi và 80% đối với trường hợp thôi việc) so với mức hỗ trợ theo Nghị định số 29 của Chính phủ.

Ví dụ, ông Nguyễn Văn A nghỉ hưu trước tuổi được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng theo Nghị định số 29 của Chính phủ thì được địa phương hỗ trợ thêm 70 triệu đồng (70% của 100 triệu đồng).

Trong các nhóm đối tượng hỗ trợ, nhiều ý kiến đề nghị quan tâm, nâng mức hỗ trợ với người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi thôi việc được hỗ trợ một lần 50 triệu đồng/người như dự thảo nghị quyết là chưa hợp lý. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần căn cứ vào thời gian công tác của từng đối tượng để có mức hỗ trợ hợp lý, công bằng hơn.

Ông Trần Ngọc Chấn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hiệp Hòa nói: “Ở địa phương tôi, có trường hợp người hoạt động không chuyên trách làm việc hơn 20 năm và cũng có cán bộ thú y mới vào làm việc mấy tháng.

Nếu cả 2 trường hợp này đều nhận mức hỗ trợ bằng nhau thì làm sao hợp lý. Tôi đề nghị, dự thảo nghị quyết nên quy định mức hỗ trợ 50, 80, 100 triệu đồng tùy theo thâm niên công tác của từng người”.

Bài học từ Nông Sơn

Ông Trần Phương - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Nông Sơn thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành chính sách. Theo ông Phương, bài học về giải quyết chính sách với cán bộ dôi dư không đâu thực tế như Nông Sơn.

Giai đoạn 2019 - 2021, khi sáp nhập xã Quế Ninh, Quế Phước thành lập xã Ninh Phước, số cán bộ dôi dư lên đến 20 người, vấn đề giải quyết chế độ chính sách rất khó khăn. Có trường hợp, huyện phải bỏ ra 32,5 triệu đồng để đóng 3 năm bảo hiểm xã hội cho một cán bộ dôi dư sau sắp xếp ĐVHC để được hưởng lương hưu, vì người này đã có 17 năm tham gia bảo hiểm. Chính vì vậy, tỉnh sớm có chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư là rất kịp thời, thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính: Cân nhắc chính sách hỗ trợ phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO