Sáng 20/2, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam tổ chức họp giao ban báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp.
Trẻ em được quan tâm chăm sóc
Theo bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, trong năm qua, các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã kịp thời tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch về công tác trẻ em.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tạo điều kiện để phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Có 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc đối tượng trợ giúp xã hội của Nhà nước được hưởng các chế độ theo quy định.
Cụ thể, có hơn 8.000 em được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng với tổng kinh phí hơn 65 tỷ đồng. Có 148 hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tổng cộng hơn 960 triều đồng.
Riêng các dịp lễ tết, UBND tỉnh và các đơn vị, nhà tài trợ đã hỗ trợ tổng cộng hàng tỷ đồng tiền, quà cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn…
Các vụ việc vi phạm quyền trẻ em được giải quyết kịp thời; trẻ em được tham gia nhiều hơn trong các hoạt động, sự kiện, ý kiến trẻ em ngày càng được tôn trọng, các đề xuất, sáng kiến của trẻ được lắng nghe, chia sẻ, thực hiện…
Theo đại diện Sở GD-ĐT, công tác giáo dục trẻ em, chăm sóc trẻ em thời gian qua luôn được đẩy mạnh ở các cấp học với nội dung, chương trình đảm bảo theo quy định.
Tỷ lệ huy động trẻ em mầm non đến trường tăng so với cùng kỳ năm trước. Các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động, chương trình vui chơi, giải trí, cuộc thi, hội thi dành cho trẻ em để trẻ em tham gia thực hiện tốt quyền trẻ em.
Tăng cường bảo vệ trẻ em
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em. Mặc dù từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em và học sinh.
Song, tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 24 vụ làm 28 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích (giảm 4 em so với cùng kỳ năm 2022).
Trong đó, tai nạn giao thông 3 em, điện giật 2 em, sét đánh 2 em, đuối nước 21 em, xảy ra tại 11 địa phương. Ngoài ra, trong năm có 4 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được cá nhân nhận chăm sóc và 1 trẻ bị bỏ rơi đã tử vong tại huyện Đại Lộc.
Tại cuộc họp, các sở ngành cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đồng thời đề nghị toàn xã hội vào cuộc bảo vệ trẻ, nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng về bảo vệ trẻ em…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cơ bản thống nhất với những giải pháp, đề xuất được đưa ra tại cuộc họp. Trong thời gian tới, ông Trần Anh Tuấn đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, qua đó nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Kiện toàn, củng cố lại ban chỉ đạo các cấp đảm bảo hoạt động hiệu quả, có kế hoạch chi tiết, cụ thể các nhiệm vụ trong thời gian tới, nắm chắc tình hình trẻ em trên địa bàn quản lý, kịp thời giải quyết khi có những vụ việc xảy ra.
“Các đơn vị liên quan cần tổ chức tập huấn, nâng cao lăng lực, kỹ năng cho trẻ em có ý thức tự bảo vệ mình; đồng thời quan tâm, cụ thể hóa những kiến nghị của trẻ em qua các diễn đàn.
Các cấp ngành, địa phương, trường học phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em… Toàn xã hội phải nhận thức, chung tay trong các hoạt động chăm sóc, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước” - ông Tuấn nhấn mạnh.