Căn cứ lòng dân

PHẠM THÔNG 26/11/2019 10:27

Xã Quế Phong (Quế Sơn) hiện nay bao gồm các thôn thuộc hai xã Sơn Long, Sơn Thạch thời kháng chiến chống Mỹ, phía bắc và tây bắc án ngữ bởi dãy núi Hòn Tàu và Bằng Thùng, phía tây nam là Núi Lớn - Rừng Già, phía nam và đông nam hướng ra đồng bằng thung lũng Quế Sơn được che chắn bởi cụm núi Hòn Chiêng, Dương Trúc, Dương Là. 

Trong những dãy núi bao bọc đó có nhiều hang động bí hiểm. Với địa thế như vậy thuận lợi cho chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích, có thế tiến thế lui. Trên đời này thì vấn đề nào cũng tự thân thường mang hai mặt âm dương, vì thế những đỉnh núi kia lại là cái thế tự nhiên để Mỹ ngụy đổ quân lập căn cứ khống chế vùng này.

Giữa tháng Giêng âm lịch năm 1965 nhân dân các xã vùng Trung Quế Sơn như Sơn Thạch, Sơn Long, Sơn Thắng, Sơn Lộc, Sơn Khánh, Sơn Lãnh... được sự hỗ trợ của các đội công tác xã cùng với bộ đội huyện, bộ đội tỉnh đã nhất loạt đứng lên tự giải phóng quê hương. Từ đó quân và dân hai xã Sơn Long, Sơn Thạch chiến đấu giằng co, quyết liệt với địch giữ vững vùng giải phóng cho mãi tới ngày 26.3.1975, đấy là thời khắc huyện Quế Sơn được giải phóng hoàn toàn. Vì thế Quế Phong có thể nói là một vùng khá đặc biệt trong các làng quê, bởi phần đông những người kháng chiến của tỉnh Quảng Nam đều đặt chân qua vùng đất này. Đây là vùng ở sát địch, dưới chân các đồn bốt Hòn Chiêng, Dương Là, Dương Trúc, Lạc Sơn, Nam Huỳnh, Núi Lớn, Bằng Thùng nhưng lại là căn cứ của ta rất nhiều năm. Thường là những nơi được chọn làm căn cứ cách mạng phải có thế hiểm, xa địch, núi rừng trùng điệp liên hoàn như Trà My, Hiên, Giằng... Nhưng cái quyết định nhất cho một căn cứ là lòng dân, có nghĩa là dù ít dù nhiều nơi đó đều có cả ba yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Ở đây địa thế có chút thuận lợi nhưng chính lòng dân các làng quê Châu Sơn, An Long, Thuận Long, Gia Cát, Gia Hội, Thạch Thượng, Lộc Trung, Xuân Quê mới là cái nôi của cách mạng.

Một điểm cũng rất ảnh hưởng đến truyền thống của một vùng đất. Quế Phong thời Việt Minh là nơi tiếp đón rất nhiều đồng bào vùng bị chiếm Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên tản cư vào vùng tự do nam Quảng Nam. Trong những năm 1947 - 1948 Quế Phong tiếp nhận hàng trăm gia đình của bà con vùng bắc Quảng Nam chạy giặc vào làm ăn sinh sống. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh xã Quế Phong, người dân tại chỗ nhường đất, nhường vườn cho bà con có chỗ dựng nhà, có ít ruộng đất sinh sống. Có lẽ đây là thời kỳ vùng đất Quế Phong tiếp nhận người di dân mới tới đông nhất, là thời kỳ nhân dân Quế Phong tự nguyện thực hiện nghĩa cử đồng bào, nhường cơm xẻ áo ấn tượng nhất trong lịch sử tồn tại của các làng quê ở vùng bán sơn địa ven chân Bằng Thùng, Hòn Tàu này. Sự kiện đó là dấu mốc góp phần làm cho người dân bản địa hình thành thêm tư duy mở, khắc sâu hơn tấm lòng yêu thương nòi giống đồng bào, chung sức chung lòng vì nghĩa lớn dân tộc.

Một điểm trái ngược, nhưng lại là tác nhân trực tiếp hun đúc thêm ý chí căm thù giặc, người dân nơi đây càng nhận ra bộ mặt giả dối, dã man của địch ngay từ khi Hiệp định Giơnevơ vừa ký kết. Chuyện là thế này, sau hiệp định đình chiến, tạm thời chia cắt Việt Nam ta thành hai miền Nam - Bắc để sau hai năm sẽ thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Khi lực lượng kháng chiến Việt Minh rút khỏi thì tại Quế Phong bọn Quốc dân Đảng ém mình bấy lây nay liền ngóc đầu dậy. Quế Sơn là quê hương của tên Quốc dân đảng đại phản động Nguyễn Đình Thiệp. Trong lúc lỡ thời bàn giao quyền kiểm soát giữa Việt Minh và quân đội Liên hiệp Pháp còn gọi là “Quốc gia” do Bảo Đại làm Quốc trưởng, Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng thì Nguyễn Đình Thiệp tự xưng là một trong những lãnh tụ của Quốc dân Đảng Nam - Ngãi - Bình - Phú, lấy nơi đây làm căn cứ đồng thời kéo lực lượng đảng viên Quốc dân đảng vào Sơn - Cẩm - Hà, Tiên Phước lập căn cứ thứ 2, chống Diệm, trả thù cộng sản. Tội ác của Thiệp đối với những người kháng chiến chín năm và nhân dân ta cao như núi. Chỉ riêng ở Quế Phong, hắn cũng đã gây ra nhiều thứ, dân ở đây nhớ đời. Nguyễn Đình Thiệp chỉ đạo con trai là Nguyễn Trợ theo Nguyễn Thái kéo đảng viên vào núi Gia Cát đóng bản doanh cát cứ, gây bao tang thương cho những gia đình kháng chiến thời Việt Minh. Thiệp diệt Cộng, nhưng chống Diệm thì không xuể. Cuối năm 1955 hắn phải ký hiệp định đầu hàng Diệm tại xã Phước Long, Tiên Phước nay là xã Tam Lộc, Phú Ninh rồi kéo một đại đội gồm 80 tên băng qua Việt An về Gia Cát, ra chợ Cây Bùi thuộc xã Sơn Khánh giao nộp vũ khí cho Tiểu đoàn 43 của Diệm để đầu hàng. Về sau Ngô Đình Diệm sử dụng hắn ta làm quận trưởng Quế Sơn. Dân ở xứ này không những ghi nhớ tội ác của tên Thiệp mà còn nhớ rõ, gọi rõ những tên Quốc dân đảng đầu sỏ khác đã một thời đàn áp vô cùng dã man dân lành. Họ biết rất rõ bản chất tàn bạo của địch, và ngược lại đã thấu hiểu những chính sách nhân đạo của Việt Minh, thấm đẫm tình cảm sắt son giữa dân và cán bộ, bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp. Vì thế đối với người dân Quế Phong, cách mạng, cộng sản chính là bà con hàng xóm, người thân ruột thịt, là Bộ đội Cụ Hồ đã từng đóng quân hay làm con nuôi của mẹ chị nơi đây, là những người thầy giáo bình dân học vụ năm xưa, là những cán bộ nông hội động viên người dân tăng gia sản xuất vì mình, vì kháng chiến kiến quốc...

Những người kháng chiến thời Việt Minh đã ra đi biền biệt như cánh nhạn cuối trời, nhưng những ký ức tốt đẹp về họ luôn ẩn chứa nơi sâu thẳm tâm hồn người dân Quế Phong. Tất cả dồn nén trở thành nỗi chờ mong da diết. Người kháng chiến cũ cùng với quần chúng kiên trung đất Quế Phong luôn nuôi hy vọng sẽ có một ngày các anh trở về giải phóng quê hương. Sự thật  lịch sử đã không phụ lòng người. Giờ đây cuộc chiến lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những chiến sĩ cách mạng, những người dân trụ bám may mắn còn sống sót vẫn khắc ghi trong tâm trí khí thế cách mạng sôi sục trong cái đêm 20.2.1965. Đêm ấy người đằng mình trở về mít tinh thành lập chính quyền cách mạng tại hai xã Sơn Long, Sơn Thạch.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Căn cứ lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO