Hồ sơ - Tư liệu

Hồi ức ngày giải phóng - Bài 2: Vững chãi căn cứ lòng dân

HỒ QUÂN 19/02/2025 08:00

Giữa lòng địch, những cơ sở cách mạng vẫn ngày ngày được gầy dựng, tạo nên căn cứ lòng dân đầy vững chắc, nuôi giấu, che chắn, mở đường cho cán bộ hoạt động.

CAN CU CACH MANG 1
Ông Dương Thanh Xuân (ở giữa) cùng đồng đội thăm lại công sự mật sau ngày giải phóng thị xã Tam Kỳ. Ảnh: HỒ QUÂN chụp lại tư liệu ông Dương Thanh Xuân.

“Căn cứ lõm” của lòng dân

“Ai cũng chờ đến ngày giải phóng để chân được mang dép su, hiên ngang đi ngoài đường, chứ được cấp một đôi mà chẳng dám mang. Đi trong vùng địch, xỏ dép vào sẽ phát tiếng động và để lại dấu, dễ bị phát hiện, phục kích” - ông Dương Thanh Xuân, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Ninh nhắc lại tâm tư của cán bộ trong các đội công tác thị xã Tam Kỳ...

Tham gia cách mạng lúc mới 19 tuổi, ông Xuân được phân công nhiệm vụ tại Đội công tác phường 2. Khi thành lập, tên đầy đủ đội công tác là Đội vũ trang tuyên truyền. Nhiệm vụ là bám vào dân, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch chiếm đóng. Mỗi đội chỉ tầm 5-6 người, song được lựa chọn rất kỹ lưỡng, đều rất ngoan cường, tinh nhuệ.

Ông Xuân nói, cán bộ trong đội công tác thường đi chân đất, mặc quần đùi, áo cánh, nói thầm, ngủ hầm, hoạt động về đêm. Địch mật phục, truy lùng ráo riết, đạn găm thủng lưng, máu me đầm đìa nhưng chẳng ai biết sợ.

“Phương châm của chúng tôi là “Bị phục chưa chắc bắn trúng, bắn trúng chưa chắc đã chết”, “Nổ súng, khi nào địch chạy thì mình chạy”. Tình huống xấu nhất là ôm lựu đạn, quyết tử với kẻ địch chứ không để bị bắt sống. Chúng tôi bị phục kích không biết bao nhiêu lần, có lần may mắn lẩn vào trong dân trốn thoát, có lần đồng đội giải vây, ứng cứu…” - ông Xuân nhớ lại.

Thị xã Tam Kỳ có đặc thù là không có vùng giải phóng nên cách mạng phải đứng chân trên địa bàn Nam Tam Kỳ và Bắc Tam Kỳ, còn lực lượng hoạt động thì len lỏi vào nội ô thị xã. Ông Xuân nói, nếu không có cơ sở cách mạng thì chắc chắn không thể hoạt động. Họ đào hầm bí mật, nuôi giấu, che chắn, mở đường cho cán bộ trước họng súng kẻ thù.

Hàng chục căn cứ cách mạng dựng lên giữa nội ô thị xã trong bí mật, trở thành nơi đứng chân an toàn cho cán bộ, chẳng hạn như Chi bộ Đồng (Hòa Hương), xóm Cát (Trường Xuân), Đồng Rạ, Đoan Trai (Tân Thạnh) hay Bình Hòa - Thọ Tân (Tam Ngọc).

DUONG THANH XUAN
Ông Dương Thanh Xuân - nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Ninh. Ảnh: HỒ QUÂN

Rất khó khăn để tiếp cận, gầy dựng những cơ sở cách mạng từ trong lãnh đạo ngụy quân, ngụy quyền. Song, khi đã phục vụ cách mạng, họ tuyệt đối trung thành, âm thầm giúp sức cán bộ hoạt động. Rất nhiều trận đánh trong thị xã, nếu không có lực lượng “nội ứng” này thì không thể giành thắng lợi hoặc rút lui an toàn.

Ông Dương Thanh Xuân - nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Ninh

Theo ông Xuân, gọi là “căn cứ lõm” thì khu vực đó có địa bàn tinh khiết (các gia đình đều theo cách mạng, không có tay sai, ác ôn); có ít nhất 5-7 công sự mật để cán bộ đứng chân, hoạt động trong nhiều ngày; có đội du kích B (lực lượng vũ trang cơ sở) để bảo vệ cơ sở cách mạng; có vị trí thuận lợi để hình thành trung tâm chỉ huy, lan tỏa thông tin đi các khu vực lân cận. Đồng thời có chi bộ lãnh đạo phong trào cách mạng.

Đầu tiên phải kể đến khu vực Bình Hòa (nay là thôn Hòa Lang, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) là cửa ngõ vào, ra hoạt động cách mạng. Khu vực này, địch bủa vây tứ phía từ sân bay Ngọc Bích, đồn Bình Hòa, đến các đồn Miếu Ông, Ông Chí, Đèo Dài, Ông Thọ…

Dù địch đánh phá, canh giữ nghiêm ngặt, dùng mọi thủ đoạn đe dọa, mua chuộc, song các hộ dân sinh sống nơi đây luôn trung thành, hết mình vì cách mạng. Nhờ đó “cửa ngõ” Bình Hòa luôn được giữ vững.

Kế bên Bình Hòa là làng Thọ Tân, với hàng chục gia đình cách mạng. Nhiều nhà xây dựng đến 2-3 công sự mật, nhịn ăn nuôi cán bộ, thậm chí chịu cực hình khi bị địch bắt, tra tấn để bảo vệ cách mạng, tiêu biểu như nhà bà Hai Đồng, bà Giáo, ông Trương, ông Hối, ông Đồng, ông Lý… Trong đó, nhà bà Giáo, ông Trương là trung tâm “căn cứ lõm”.

Ông Xuân còn nhớ mãi câu chuyện về ông Nguyễn Văn Lý bị địch bắt, đánh đập dã man vẫn không khai nơi có 3 cán bộ đang nương náu dưới công sự mật. Tinh thần ngoan cường của ông Lý giúp cán bộ có cơ hội trốn thoát an toàn.

Hay chuyện về căn hầm của ông Bảy Hối, đã che chắn cho cán bộ suốt nhiều năm liền không bị địch phát hiện. Dù nhà nằm sát đường lớn, song ông Hối đã công khai dựng một hầm tránh pháo, nằm lộ thiên.

Song, phía dưới miệng hầm, ông lót các tấm ván làm công sự bí mật. Rất nhiều cán bộ đã được nuôi giấu, che chắn an toàn trong nhiều trận càn của địch qua làng Thọ Tân.

Nội ứng của cách mạng

Bao câu chuyện từ những ngày đầu tiên tham gia Đội công tác xã Kỳ Nghĩa là ký ức khó phai trong lòng ông Đoàn Văn Phi - hiện ở khối phố Tân Thịnh, thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh. Khi ấy, ông Phi mới 17 tuổi đã len lỏi vào vùng địch hoạt động, với nhiệm vụ tạo dựng cơ sở cách mạng.

CAN CU CACH MANG 2
Căn cứ cách mạng giúp cán bộ an toàn trong các trận càn, truy lùng, mật phục của địch. Ảnh: HỒ QUÂN chụp lại tư liệu ông Dương Thanh Xuân.

“Cơ sở cách mạng không chỉ là người dân còn bám trụ lại địa phương, mà cả gia đình của lính địa phương quân, nghĩa quân. Chúng tôi xuống vận động để cha mẹ, vợ con tác động đến tư tưởng của sĩ quan, binh lính ngụy. Rất nhiều người đã đồng ý phục vụ cho cách mạng, được phân công nhiệm vụ nắm tình hình, cam kết không bắt bớ, đánh đập, cướp bóc của dân.

Trước mỗi đợt đi càn hoặc mật phục, họ đều đã gửi thư báo cáo kế hoạch để đội công tác nắm tình hình, chủ động phương án đánh hoặc rút lui. Sau này, nhiều lính nghĩa quân, địa phương quân làm việc cho chúng ta đã được giải quyết chế độ có công với cách mạng” - ông Phi cho biết.

Điều đặc biệt, ngay trong trung tâm Tỉnh đường Quảng Tín lại là nơi cơ sở cách mạng hoạt động mạnh nhất. Ông Dương Thanh Xuân nói, các đội công tác thậm chí xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong hội đồng xã Kỳ Hương, từ chủ tịch đến cảnh sát, an ninh, nghĩa quân.

Trong đó, ông Nguyễn Bá Tuân - Chủ tịch Hội đồng xã Kỳ Hương là cơ sở cách mạng; ông Huỳnh Hà - Trung đội Trưởng liên quân nghĩa quân Kỳ Hương là Thị ủy viên hợp pháp, Bí thư Chi bộ xã Kỳ Hương hay ông Nguyễn Văn Thanh - lính địa phương quân nhưng xây dựng 3 công sự mật phục vụ cách mạng. Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Song - Trung Đội trưởng nghĩa quân Kỳ Hương là cơ sở cách mạng uy tín, nhiều lần chở cán bộ cải trang đi hoạt động giữa lòng thị xã mà không ai phát hiện.

“Rất khó khăn để tiếp cận, gầy dựng những cơ sở cách mạng từ trong lãnh đạo ngụy quân, ngụy quyền. Ai giao nhiệm vụ thì người đó biết, không tiết lộ thân phận ra bên ngoài, vì sơ hở sẽ bị bại lộ.

Song, khi đã phục vụ cách mạng, họ tuyệt đối trung thành, âm thầm giúp sức cán bộ hoạt động. Rất nhiều trận đánh trong thị xã, nếu không có lực lượng “nội ứng” này thì không thể giành thắng lợi hoặc rút lui an toàn” - ông Xuân kể.

Theo lời kể của ông Trần Chí Thành - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ, sau chiến thắng Tiên Phước, binh lính chết được chở thi thể về thị xã thì các đội công tác đưa quần chúng, tiên phong là các cơ sở cách mạng nổi dậy đi tìm thi thể chồng con. Sự việc được đẩy lên cao đến mức đình công, bãi thị.

Cạnh đó, khi Trung đoàn 4 của địch từ Quảng Ngãi ra chi viện Tiên Phước đang đóng quân ở Trường THPT Phan Bội Châu thì quần chúng thấy lính cứ ôm khóc… làm chúng rã rời tinh thần.

Đặc biệt, sử dụng thương, phế binh trong hàng ngũ nghĩa quân, địa phương quân làm ngòi pháo để công kích, lên án chế độ ngụy quân, ngụy quyền. Gia đình sĩ quan, binh lính tiếp tục tác động tư tưởng, tinh thần chiến đấu trong các lực lượng tỉnh lỵ Quảng Tín. Đây là điều kiện quan trọng để quân và dân thị xã đứng lên giải phóng.

-----------------

Bài cuối: Chuyện những người dẫn đường...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồi ức ngày giải phóng - Bài 2: Vững chãi căn cứ lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO