Tự hào, hạnh phúc đan xen nghẹn ngào về đồng đội, về cuộc chiến… là dòng cảm xúc xuyên suốt trong lời kể của những người cộng sản kiên trung - chứng nhân lịch sử khi nhắc nhớ ngày giải phóng quê hương Quảng Nam cách đây 50 năm.
“Trong năm 1975, động viên toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh giải phóng toàn bộ nông thôn, đồng bằng, bao vây thành thị, Quân khu V và Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định lấy Tiên Phước - Phước Lâm làm điểm mở màn cho chiến dịch Xuân Hè ở miền Trung…”.
Đến tận hôm nay, ông Lưu Văn Chính - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước (năm nay đã 94 tuổi) vẫn nhớ như in chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Thắng trong buổi gặp mặt, giao nhiệm vụ cho cán bộ chủ chốt của huyện cách đây hơn 50 năm.
Nắm bắt cơ hội
Nghỉ hưu, ông Lưu Văn Chính không trở về quê nhà Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) mà đã chọn cuộc sống giản dị bên vợ con, trong căn nhà nhỏ giữa thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước). Với ông, mảnh đất này đã gắn liền với những cái tên, bước đường hoạt động cách mạng năm xưa. Ở lại với Tiên Phước là ở gần đồng đội, gần với những ký ức chẳng thể lãng quên…
Ông Chính kể, thoát ly, tham gia bộ đội từ năm 1953, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 108, Quân khu V. Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ trong Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, ông Chính được tập kết ra Bắc. Năm 1960, ông được điều động chi viện miền Trung, tham gia chiến đấu tại vùng B Đại Lộc, Nông Sơn. Đến năm 1962, ông được giao nhiệm vụ tại Đội công tác xã Tiên Sơn, phối hợp với Tiểu đoàn 70 vượt sông Tiên, giải phóng Sơn - Cẩm - Hà.
“Nhiều cán bộ, chiến sĩ công tác với tôi lúc bấy giờ hay nói, trong chiến tranh, Tiên Phước là “miền đất thánh” với nhiều chiến dịch thành công vang dội. Đó là niềm tự hào, nhưng cũng đầy xúc động khi nhắc nhớ, vì máu xương biết bao anh em, đồng đội, chiến sĩ đã ngã xuống vì bình yên trên mảnh đất này…”.
Ông Lưu Văn Chính - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước
“Sơn - Cẩm - Hà là địa bàn chiến lược. Mất địa bàn này thì không còn nắm thế chủ động trên chiến trường. Do đó, từ 1963 - 1972, địch liên tục đổ bộ, lập ấp chiến lược, đánh trắng nhiều khu vực… Số lượng địch đông đến mức “sáng Sơn, trưa Cẩm, chiều Hà” - tức là đi đâu cũng thấy địch. Rất nhiều cán bộ, du kích, bộ đội ta anh dũng chiến đấu, hy sinh để giành lấy từng tấc đất… Sau khi Mỹ rút quân, nhận thấy tình hình có lợi cho kháng chiến, tháng 9/1972, quân ta mở chiến dịch giải phóng Sơn - Cẩm - Hà để làm nơi đóng chân, hoạt động, chỉ đạo cách mạng của Tỉnh ủy” - ông Chính kể.
Tháng Giêng năm 1975, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Thắng gặp mặt, truyền đạt chủ trương giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm cho cán bộ chủ chốt huyện. Đồng thời cử 6 đồng chí trong Ban Thường vụ, đứng đầu là Phó Bí thư Tỉnh ủy Võ Quỳnh trực tiếp phối hợp với Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước thực hiện nhiệm vụ.
“Khi ấy, tôi đương giữ chức Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, nhận nhiệm vụ quan trọng này, thực sự vừa mừng, vừa lo. Mừng vì giải phóng Tiên Phước là tâm tư, niềm mong mỏi từ rất lâu của cán bộ, nhân dân. Nhưng lo, đánh thắng phải giữ thành quả cách mạng, phải tiến lên nắm thế chủ động trên chiến trường, không để địch phản công, đàn áp trở lại.
Phải rút kinh nghiệm từ sự việc tháng 9/1972, quân ta nổ súng, làm chủ Tiên Phước trong vòng 1 tháng, trước khi địch áp chế bằng hỏa lực, đánh chiếm lại các địa bàn trọng yếu, gây thương vong vô số kể. Do đó, tôi cùng tập thể Ban Thường vụ bắt tay ngay vào việc chuẩn bị tâm thế, tư tưởng cho cán bộ” - ông Chính nhớ lại.
Tiên Phước lúc ấy còn 7 xã có địch, gồm Tiên Kỳ, Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh, Phước Lâm (Tiên Hiệp ngày nay) và một phần của xã Tiên Thọ, Tiên Phong. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo thành lập 7 đội công tác phụ trách 7 cánh quân, mỗi đội gồm 5 - 7 người.
Các đội này sẽ nhận nhiệm vụ dẫn đường để Sư đoàn 2 (Quân khu V) nổ súng tấn công địch ở các xã. Sau khi giành thắng lợi thì tiếp quản địa bàn, tập trung ngay việc đưa người dân từ khu dồn trở về chỗ cũ và giữ chân, không cho chạy xuống Tam Kỳ. Đồng thời truy lùng tàn quân, thu hồi chiến lợi phẩm, giữ vững an ninh trên địa bàn.
Ngày 8/3, ông Chính trực tiếp gặp mặt, động viên cán bộ và tổ chức lễ xuất quân để 7 đội công tác lên đường, thực hiện nhiệm vụ.
Quyết tâm đánh nhanh, thắng gọn
Trong số 7 đội trưởng đội công tác, nay chỉ còn ông Nguyễn Hùng Tráng (đội công tác xã Tiên Châu) và Nguyễn Văn Ngọc (đội công tác xã Tiên Cảnh) còn sống. Nhớ lại nhiệm vụ cách đây gần 50 năm, ông Nguyễn Văn Ngọc (SN 1948, hiện ở thôn 5, Tiên Cảnh) cho biết, đúng 4h30 sáng 10/3, Sở Chỉ huy Sư đoàn 2 (đóng tại núi Dương Côn, giáp ranh Tiên Phong - Tam Lộc, Phú Ninh ngày nay) phát lệnh mở màn chiến dịch giải phóng Tiên Phước.
Tại Tiên Cảnh, đội công tác dẫn đường bộ đội chủ lực tấn công vào các chốt điểm trong xã như đèo Liêu, đồi Đoát, Nổng Phú, chốt Dều Độ và trụ sở Hội đồng xã. Các chốt thất thủ, địch bỏ chạy trong hoảng loạn. Khoảng 10 giờ cùng ngày, Tiên Cảnh được giải phóng hoàn toàn. Cán bộ trong đội công tác tập trung động viên người dân trở về chỗ cũ, bắt đầu lại cuộc sống mới.
Cùng với mũi tấn công tại Tiên Cảnh, Sư đoàn 2, Tiểu đoàn 10 đặc công cùng với bộ đội địa phương được Trung đoàn pháo binh 572, 368 và Trung đoàn cao xạ 573 yểm trợ, lần lượt đánh chiếm các mục tiêu Suối Đá, cao điểm 211, chi khu quận lỵ Tiên Phước, bao vây bức rút chi khu quận lỵ Phước Lâm.
Ông Chính nhớ lại, khi bộ đội nổ súng tấn công, sức phản kháng của địch rất hạn chế, chủ yếu bỏ chạy về tỉnh lỵ Quảng Tín. Đến 16 giờ chiều, chiến dịch giải phóng Tiên Phước hoàn toàn thắng lợi.
Chiến sự diễn ra chỉ bằng 1/3 thời gian dự kiến ban đầu. Đây là tiền đề quan trọng để quân và dân ta giải phóng thị xã Tam Kỳ, cắt đứt đường 1, góp phần vào giải phóng TP.Đà Nẵng (29/3) và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
“Nhiều cán bộ, chiến sĩ công tác với tôi lúc bấy giờ hay nói, trong chiến tranh, Tiên Phước là “miền đất thánh”. Hỏi ra thì “thánh” ở đây để nói địa bàn Tiên Phước có vai trò làm bàn đạp để mở ra nhiều thắng lợi trên chiến trường.
Trong đó phải kể đến các chiến dịch vượt sông Tranh giải phóng Tiên Lãnh - Tiên Ngọc (1961), vượt sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm - Hà (1962), làm chủ Tiên Phước trong tháng 9/1972 và giải phóng Tiên Phước (10/3/1975). Đó là niềm tự hào, nhưng cũng đầy xúc động khi nhắc nhớ, vì máu xương biết bao anh em, đồng đội, chiến sĩ đã ngã xuống vì bình yên trên mảnh đất này…” - ông Chính xúc động nói.
Trong bài viết “Chiến dịch Phước Lâm - Tiên Phước”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Hoàng Minh Thắng đã ghi: “Ta đã làm chủ một khu vực rộng lớn, giải phóng 2 quận lỵ, 2 chi khu rộng hơn 200km2, giải phóng 21.000 dân, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên ngụy. Bằng chính sách binh địch vận, đoàn công tác của tỉnh cùng cán bộ huyện đi từng nhà có con em đi lính ngụy, tuyên truyền giải thích cụ thể chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, kêu gọi con em về với gia đình.
Lúc đầu họ ngần ngại, sau đó một số anh em lính ngụy về, ta giải thích chính sách, gia đình bảo lãnh, nên hầu hết 2.000 lính ngụy trở về với gia đình; có nhà làm thịt heo ăn mừng, hoan hô chính sách khoan hồng của Mặt trận. Trong lúc này, 12.000 dân huyện Tiên Phước ta giải phóng hồi tháng 9/1972, vì sợ mất dân nên di dời qua Phước Lộc cũng trở về. Lúc này huyện Tiên Phước có thêm dân cư đông vui, rất phấn khởi”.
Ông Lưu Văn Chính kể, ngày 24/3, khi quân ta nổ súng giải phóng thị xã Tam Kỳ, phía Tiên Phước tổ chức lễ mít tinh ra mắt Ủy ban quân chính. Đồng chí Dương Đình Tú được phân công làm chủ tịch. Sau đó, các xã cũng tổ chức xây dựng chính quyền, ổn định đời sống nhân dân, mở đường, khai hoang phục hóa… Sắc xanh dần sống dậy những trên miền quê xứ Tiên.
---------------------------
Bài 2: Vững chãi căn cứ lòng dân