Hồ sơ - Tư liệu

V25 - Dấu ấn những chiến công - Bài cuối: Hy sinh cho mùa xuân đại thắng

DUY HIỂN 07/02/2025 08:29

Chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng từ sau Mậu thân 1968 là những năm tháng đầy gay go thử thách. Những mất mát, hy sinh anh dũng của chiến sĩ V25 góp phần làm nên mùa xuân đại thắng trên xứ Quảng anh hùng.

Cựu binh V25 kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ.
Cựu chiến binh V25 kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: D.H

Trận đánh Lao xá Hội An

Đỉnh cao chiến thuật “luồn sâu đánh hiểm” của V25 phải kể đến trận đánh Lao xá Hội An đêm 14/7/1967. Để giải phóng Lao xá, Tỉnh đội Quảng Đà đã xây dựng kế hoạch hợp đồng chiến đấu chặt chẽ, nhịp nhàng giữa V25, Đại đội 2 thị đội Hội An, nội tuyến trong nhà lao và guồng máy chiến tranh nhân dân rộng lớn trên vùng Đông Hội An, Duy Xuyên. Với sự chỉ đạo chặt chẽ đó, V25 đã lập nên chiến công có một không hai ở chiến trường miền Nam lúc bấy giờ.

Đêm 14/7/1967, từ Trường Lệ, một trung đội của Tiểu đoàn 2 đóng giả làm lính Trung đoàn 51- trung đoàn chủ lực của ngụy đóng bản doanh tại thị xã Hội An tiến về hướng nhà lao nổ súng, tiêu diệt toán lính gác cổng, phát triển vào bên trong.

Ngay lập tức các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 2 và bộ đội thị xã Hội An cũng dùng bộc phá, mìn định hướng quét sạch các lớp rào kẽm gai, gai lưỡi long, kích nổ các loại mìn địch cài dưới đất dọn đường cho bộ đội xông vào. Mũi chính diện đánh vào khu vực bọn giám thị nhà lao, mũi 2 và 3 đánh vào bọ lính bảo vệ, tiêu diệt các lô cốt.

Anh Thái Viết Thôi quê xã Điện Tiến (Điện Bàn), cựu tù yêu nước ở lao Hội An kể: “Bữa tối hôm ấy, tiếng súng nổ rền bên ngoài. Một thoáng sau thì tiếng loa vang lên: Các đồng chí, chúng tôi tiến công nhà lao để giải phóng cho các đồng chí đây. Mọi người hãy lùi về cuối phòng giam và nằm xuống, chúng tôi sẽ đánh thuốc nổ phá cửa.

Rồi một tiếng nổ ầm vang, cánh cửa sắt mở tung. Các phòng giam khác cũng được phá như vậy, tù nhân ùa ra như ong vỡ tổ. Chúng tôi được hướng dẫn chạy ra Trường Lệ, chia làm hai cánh - một cánh chạy ra vùng giải phóng Điện Dương (Điện Bàn). Một cánh chạy về vùng giải phóng Cẩm Thanh của Hội An”.

Với chiến công đặc biệt xuất sắc này, ta giải thoát hơn 1 nghìn cán bộ chiến sĩ, quần chúng yêu nước bị giặc giam cầm tại đây. Nối tiếp chiến công giải phóng lao xá, đêm 25 rạng 26/8/1967, V25 lại tập kích căn cứ Tiểu đoàn công binh 102 của ngụy nằm ngay sát dinh tỉnh trưởng ngụy quyền Quảng Nam, tiêu diệt đại bộ phận quân địch, bắt sống viên tiểu đoàn trưởng, giáo dục rồi phóng thích. Liên tục các trận đánh xuất quỷ nhập thần của Tiểu đoàn 2 vào tận tỉnh lỵ Hội An khiến cho kẻ địch hoang mang lo sợ.

Nằm lại với đất mẹ

Tuy nhiên, chiến tranh luôn là thử thách khắc nghiệt. Đường ra trận không phải lúc nào cũng nở đầy hoa chiến thắng. Đối với cán bộ chiến sĩ V25, Hòn Bằng là một trận đánh mà ký ức luôn nhói buốt, uất nghẹn trong lòng họ mỗi khi nhắc đến.

Cựu binh V25 thăm các di tích chiến trường xưa tại TP.Hội An.
Cựu chiến binh V25 thăm các di tích chiến trường xưa tại TP.Hội An.

Đồn Hòn Bằng nằm ở thôn Kiệu Châu, xã Duy Sơn ngày nay, do một đại đội địch chốt giữ cùng trận địa pháo 105 ly để bảo vệ phía tây quận lỵ Duy Xuyên. Đóng trên ngọn đồi có độ dốc lớn, sườn trơ trụi nên cứ điểm này rất khó tiếp cận. Đêm 20/12/1967, với sự hỗ trợ của pháo binh Mặt trận 4, V25 đã nổ súng tiến công đồn Hòn Bằng.

Ông Phạm Đức Thăng ở xã Điện Nam Bắc (Điện Bàn) - nguyên Chính trị viên Đại đội 3, kể: “Các mũi thọc sâu dũng cảm vượt qua lửa đạn, tiêu diệt gọn các lô cốt đầu cầu. Nhưng lô cốt chính nằm trên đỉnh đồi rất kiên cố, B40, B41 bắn vào như gãi ghẻ.

Bọn chỉ huy rút xuống hầm ngầm liên hoàn, kêu pháo từ khắp nơi nã vào trận địa, trong đó “canh nông chộ” nổ từ trên không cắm mảnh xuống đất. Anh em ta nằm trần lưng chịu trận trên đồi, tổn thất nặng”. Trong trận đánh bi tráng ở Hòn Bằng đêm 20/12/1967, hơn 50 cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn 2 đã ngã xuống, phần lớn không lấy được xác.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở Hội An, cùng với Tiểu đoàn 3, V25 nổ súng tiến công vào nội thị từ hướng đông bắc khiến cho địch tại khu công binh và dinh tỉnh trưởng Quảng Nam không kịp trở tay.

Ông Dương Đình Dũng hiện sống ở xã Duy Phước, Duy Xuyên nhớ lại: “Chúng tôi đánh vào tiểu khu rất gọn, bắt khá nhiều tù binh. Tuy nhiên từ sáng mùng 1 tết, chúng bắt đầu tăng viện. Trung đoàn 5 ngụy, lính Nam Triều Tiên, xe tăng từ Cẩm Hà kéo xuống, lính Mỹ từ Cẩm An kéo lên, các loại máy bay yểm trợ phản kích dữ dội.

Nhưng chúng tôi cứ dựa vào các công sự của địch trong chi khu đánh trả. Tù binh thì thả cho chạy hết. Đánh đến tối lui quân ra vùng ven Trà Quế, Cẩm Thanh. Tối mùng 5 tết, theo lệnh trên, lại tiến công lần hai vào nội thị. Lần này địch đã phòng bị kỹ nên ta thiệt hại nhiều. Sau đó chúng tôi rút ra Trà Quế rồi lên Hòn Tàu”.

Chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng từ sau Mậu Thân 1968 là những năm tháng đầy gay go thử thách. Mỹ ngụy phản kích khắp nơi. Đói, đau, thiếu đạn, thiếu quân… triền miên, mặc dù vậy, cùng với quân dân xứ Quảng, V25 vẫn kiên cường trụ bám đánh địch.

Cán bộ, chiến sĩ lớp hy sinh trong chiến đấu, lớp đi nhận nhiệm vụ khác nhưng Tiểu đoàn 2 - V25 vẫn là phiên hiệu kiêu hãnh và bền bỉ. Tháng 3/1975, trong đội hình của Trung đoàn 96 Mặt trận 4 Quảng Đà, cán bộ chiến sĩ V25 hòa cùng các cánh quân ồ ạt tiến về Đà Nẵng, góp phần làm nên mùa xuân đại thắng trên xứ Quảng anh hùng.

Ra đời khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, trong suốt 10 năm chiến tranh cứu nước, cán bộ chiến sĩ V25 vượt qua mọi gian lao thử thách, hành quân chiến đấu khắp các chiến trường Hòa Vang, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn và đã lập nhiều chiến công. Tuyên dương những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 30/8/1995, Chủ tịch nước đã phong tặng V25 - Tiểu đoàn 2 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
V25 - Dấu ấn những chiến công - Bài cuối: Hy sinh cho mùa xuân đại thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO