Tiểu đoàn 2 - mật danh V25 được tổ chức theo hướng “đặc công hóa”, huấn luyện khá tinh nhuệ để luồn sâu đánh hiểm, đánh “nở hoa trong lòng địch”, lập nên nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Suốt giai đoạn 1965 - 1967, dấu chân của cán bộ chiến sĩ V25 đã trải khắp các chiến trường Quảng Nam, liên tục cơ động đánh địch, góp phần hỗ trợ chiến tranh nhân dân vững chắc.
Người lính kiên trung
Để khởi quay bộ phim về V25 - Tiểu đoàn 2 anh hùng, chúng tôi cùng các cựu chiến binh đơn vị về thăm lại di tích trận đánh bên bờ sông Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng.
Ông Thái Thanh Hùng - nguyên Chính trị viên Đại đội 1 (Tiểu đoàn 2) kể: “Cuộc tiến công cuối tháng 8/1968 của V25 vào Đà Nẵng nằm trong kế hoạch X2 trên toàn chiến trường miền Nam nhằm tạo thanh thế cho hòa đàm Paris vừa nhóm họp. Chúng tôi làm chủ Cẩm Lệ suốt một ngày đêm. Anh Nguyễn Hữu Do bắn cháy 3 xe tăng.
Từ đêm 22 đến ngày 25/8/1968, Tiểu đoàn 2 đã quần lộn với địch từ Cẩm Lệ qua các xã Hòa Xuân, Hòa Phước, Hòa Châu, Điện Hòa, cán bộ chiến sĩ hy sinh rất nhiều nhưng đơn vị đã hoàn thành mục tiêu trên giao”.
Tiểu đoàn 2 - mật danh V25 thành lập ngày 5/8/1965 tại thôn Phú Thuận (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc). Đơn vị gồm 4 đại đội với khoảng 400 tay súng, phần lớn là con em Quảng Nam - Đà Nẵng trưởng thành trong phong trào Đồng khởi.
Trong đội hình của Tỉnh đội Quảng Đà lúc này, nếu Tiểu đoàn 1 - R20 là đơn vị chống càn rất xuất sắc thì Tiểu đoàn 2 - V25 lại được tổ chức theo hướng “đặc công hóa”, huấn luyện khá tinh nhuệ để luồn sâu đánh hiểm, đánh “nở hoa trong lòng địch”.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, sống tại phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng kể: “Tôi vào V25 khi mới 16 tuổi, làm trinh sát rồi qua thông tin nên gần các thủ trưởng. Chỉ huy tiểu đoàn, đại đội phần lớn rất trẻ.
Đơn vị chiến đấu độc lập, chỉ khi đánh lớn trên mới cử phái viên. Nhưng đơn vị vẫn tổ chức đánh địch tốt; đảm bảo hậu cần, súng đạn; giải quyết tốt vấn đề thương binh, tử sĩ. Tôi thấy các anh chỉ huy rất thông minh, phải thông minh mới thắng được địch chứ”.
Ra quân là chiến thắng
Ngày 29/10/1965, V25 tập kích diệt gọn đồn Núi Lở thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, mở đầu cho trang sử oai hùng của Tiểu đoàn. Nhưng chiến công vang đội nhất của V25 trong thời gian này, phải kể đến trận chống càn trên đất Điện Hòa, thị xã Điện Bàn ngày nay.
Đêm 16/11/1965, V25 hành quân từ Điện Ngọc lên Điện Hòa trú lại thì ngay sáng hôm sau 17/11/1965 điệp báo địch tập trung lực lượng lớn, có chi đoàn thiết giáp M113 và máy bay yểm trợ càn vào Điện Hòa hòng tiêu diệt lực lượng ta.
Các đại đội của V25 lập tức triển khai đội hình chiến đấu, bám chắc các công sự rìa làng đánh trả quyết liệt. Bất chấp hỏa lực phi pháo và máy bay ném bom, các chiến sĩ V25 vẫn kiên cường đánh trả.
Ông Bùi Xuân Kỳ, quê phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn kể: “Khẩu đội cối của tôi vừa bố trí đã thấy thiết giáp chạy ngoài đồng. Cứ thế chúng tôi nã cối vô quân ngụy và thiết giáp. Một quả trúng trần xe M113 khiến nó bốc cháy ngùn ngụt. Riêng lính chạy dưới đất thì bị cối đánh thiệt hại nhiều”. Chiến sĩ Nguyễn Trường Tiến dùng súng trường K44 gắn đạn AT đã bắn cháy một chiếc M113, phá hỏng 2 chiếc khác.
Kết quả sau một ngày chiến đấu anh dũng, V25 đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 39 biệt động quân của địch. Suốt trong năm 1965 và 1966, dấu chân của cán bộ chiến sĩ V25 đã trải khắp các chiến trường Bắc Quảng Nam, liên tục cơ động đánh địch. Các trận chống càn, đánh điểm của V25 đã góp phần cùng quân dân xứ Quảng đánh bại chiến lược “Tìm diệt” trong mùa khô lần thứ nhất năm 1966 của Mỹ - ngụy.
Đầu năm 1967, Tỉnh ủy, Tỉnh đội Quảng Đà chỉ đạo V25 thọc sâu về vùng Đông Duy Xuyên, Hội An, đánh tiêu hao quân Mỹ - ngụy, đồng thời hỗ trợ cho phong trào chiến tranh nhân dân. Vùng Đông Bắc Quảng Nam, nhất là Hội An có địa hình sông rạch chằng chịt, đi lại cách trở, khó khăn. Địch tập trung binh lực hùng hậu, xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc.
Tuy vậy cán bộ chiến sĩ V25 đã tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, liên tục cơ động về vùng Đông Thăng Bình, Duy Xuyên, Hội An, phối hợp với quân dân địa phương xây dựng địa bàn đứng chân, điều nghiên chiến trường, tổ chức đánh địch.
Tối 5/3/1967, với sự hỗ trợ của quân dân Hội An, V25 bằng lối đánh mật tập đã san bằng quận lỵ Hiếu Nhơn. Nửa năm sau, ngày 11/9/1967, V25 lại tập kích quận lỵ Hiếu Nhơn và gây cho địch nhiều thiệt hại.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Phước Cư - nguyên Chính trị viên Thị đội Hội An nhớ lại: “Quận lỵ Hiếu Nhơn nằm không xa tỉnh lỵ Hội An nhưng ta vẫn 2 lần diệt gọn khiến khiến địch rúng động, còn nhân dân thì rất phấn khởi. Chiến công của V25 hỗ trợ phong trào chiến tranh nhân dân của Hội An rất nhiều”.
----------------------
Bài cuối: Hy sinh cho mùa xuân đại thắng