Lần đầu tiên trong các dòng họ xứ Quảng, họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng đã dựng bia khắc tên 45 vị khoa bảng, tiến sĩ nhằm tôn vinh, lan tỏa tinh thần hiếu học đến các thế hệ cháu con.
Ngoài 14 vị khoa bảng đỗ đạt dưới triều Nguyễn (1802-1945) được khắc tên trang trọng trong 1 tấm bia, 31 tiến sĩ được chọn lần này là những người có công trình nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực hoặc có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội được sàng lọc từ hơn 160 tiến sĩ dòng họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng từ trước đến nay.
Vinh danh người tài
Ông Nguyễn Phước Hùng - Chủ tịch Hội đồng dòng họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, ý tưởng dựng bia đã có từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, do vài yếu tố khách quan nên đến tháng 10/2023 mới triển khai thực hiện.
Để được khắc vào bia đá, ngoài danh sách hội đồng gia tộc các địa phương gửi lên, Hội đồng thường trực họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng (12 thành viên) đã tổ chức sàng lọc kỹ càng từ nhiều kênh, đồng thời đảm bảo theo tiêu chí quy định bao gồm có công trình khoa học (được các Hội đồng khoa học chứng nhận), có đóng góp cho cộng đồng (từng kinh qua các chức vụ chính trị), tự nguyện ký đơn cam kết và đồng ý cho phép khắc tên vào bia…
Trong số 31 tiến sĩ được khắc bia lần này (1 người đã mất) có 2 giáo sư, 1 phó giáo sư. Dự tính, tổng cộng 10 tấm bia tiến sĩ sẽ được đặt trong khuôn viên nhà thờ họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng. Do vậy, việc xét chọn tiến sĩ khắc bia vinh danh vẫn tiếp tục trong thời gian tới.
Theo sử liệu, dòng họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng gắn với hành trình mở cõi của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) khi vào Nam trấn thủ vùng Thuận Hóa (1558). Cùng theo chân Đoan Quận công năm ấy bên cạnh những trung thần nhà Lê là những người thân thuộc dòng họ Nguyễn.
Năm 1570, Nguyễn Hoàng được giao kiêm Trấn thủ vùng Quảng Nam, lãnh ấn cả một vùng rộng lớn của Thuận Hóa và Quảng Nam (từ Quảng Bình kéo dài đến núi Đá Bia, tỉnh Phú Yên). Năm 1602, Chúa Tiên tự mình vào vùng đất phía Nam để xem xét địa thế, tình hình nơi đây.
Tháng 5/1604, Nguyễn Hoàng đặt Dinh Quảng Nam tại làng Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) chọn người con thứ 6 là Nguyễn Phước Nguyên - làm Trấn thủ Quảng Nam (sau này kế nghiệp trở thành Chúa Sãi). Dinh trấn đặt và tồn tại cho đến năm 1802.
Từ đây, tổ tiên nhiều dòng họ Việt Nam trong đó có họ Nguyễn đã vào sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất mới tạo tiền đề để lớp lớp thế hệ sau tiếp tục vào đây, sinh con đẻ cháu, mở cõi về phương Nam.
Lan tỏa tinh thần hiếu học
Tháng 5/2014, nhà thờ họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng (khối phố Uất Lũy, phường Điện Minh, thị xã Điện Bàn) được khánh thành trên diện tích 3.000m2 sau hơn 2 năm xây dựng. Tiếp đến ngày 27/12/2022 tượng đài Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cũng được đặt trang trọng trong khuôn viên nhà thờ.
Đầu tháng 7 này, lễ đặt bia tiến sĩ họ Nguyễn Quảng Nam – Đà Nẵng tổ chức, có rất nhiều con cháu dòng họ Nguyễn cả nước tề tựu ở quê hương.
TS.Nguyễn Minh Phương - hậu duệ họ Nguyễn khẳng định, bản thân luôn tự hào về dòng họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng khi rất nhiều người thành công, đỗ đạt cao, có những đóng góp nhất định trên hầu hết các lĩnh vực.
Việc khánh thành bia ký tri ân 14 nhà khoa bảng triều Nguyễn và các tiến sĩ của dòng họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng cho thấy dòng họ Nguyễn luôn vun đắp truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, đồng thời nâng niu tinh thần hiếu học, giáo dục con cháu.
Với phương châm “Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập” thời gian qua, rất nhiều con cháu dòng họ Nguyễn Quảng Nam – Đà Nẵng đạt được nhiều thành công trên con đường học vấn.
TS.Nguyễn Tấn Thắng – Phó Chủ tịch Hội đồng dòng họ Nguyễn Quảng Nam – Đà Nẵng nhìn nhận, việc dựng bia không chỉ tôn vinh các vị khoa bảng triều Nguyễn, tri ân các sáng lập viên dòng họ, các đơn vị đóng góp xây dựng đền thờ dòng họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng mà còn mục đích vinh danh những người đã nỗ lực trong rèn luyện học tập thành tài.
Thờ phụng tổ tiên, tôn vinh tiên tổ là những hình thức thờ tự được UNESCO khuyến khích. Trong đó, xây dựng nhà thờ, dựng bia, dựng tượng danh nhân hình thức thờ tự tạo thế chân kiềng vững chãi và nhà thờ dòng họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng đã hoàn thành được cả 3 việc này.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Giám đốc Trung tâm UNESCO Văn hóa Gia đình và Dòng họ Việt Nam cho biết, với việc xây dựng tượng đài, dựng bia tiến sĩ, họ Nguyễn Quảng Nam - Đà Nẵng có thể trở thành dòng họ đầu tiên ở xứ Quảng làm việc này.
Đây sẽ là nguồn cảm hứng cho các dòng họ khác. Cũng từ đây, lan tỏa tinh thần hiếu học đến các thế hệ con cháu, nối tiếp cha ông ra sức khuyến học, khuyến tài, góp thêm nhiều nhân tài cho quê hương đất nước.