(QNO) - Sáng 25/10, đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đại biểu Dương Văn Phước nhận định đây là luật mang tính đặc thù, vì vậy việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật phải tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các luật mới được ban hành và các dự án luật đang được đồng thời trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.
Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn là dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động quy hoạch, xây dựng, định hướng quản lý và phát triển đô thị bền vững, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa trên cả nước gắn với công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở tất cả các cấp, ảnh hưởng sâu rộng đến việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp và người dân. Nội dung quy định dự thảo luật vừa có tính chất kỹ thuật chuyên ngành chuyên sâu, vừa liên quan tới nhiều quy định của pháp luật khác.
Về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bỏ nội dung “Khu vực cần phải lập quy hoạch phân khu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan” quy định tại Điều 3.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, quy hoạch phân khu đô thị và nông thôn cần phải được thực hiện theo luật quy hoạch đô thị và nông thôn, trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các luật thì cần có sự điều chỉnh thống nhất tại một luật chuyên ngành thay vì phải rà soát tất cả luật, nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu lực của luật chuyên ngành.
Đồng thời, xem xét lại việc lập quy hoạch chi tiết cho “Khu vực được xác định theo pháp luật về đất đai để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất”.
Đại biểu cho rằng, hiện nay pháp luật về đất đai và nhà ở chỉ quy định lập quy hoạch chi tiết cho dự án nhà ở, việc quy định lập quy hoạch chi tiết cho tất cả dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đấu giá quyền sử dụng đất (kể cả dự án nhà ở) sẽ không hiệu quả, vì lập quy hoạch chi tiết cần huy động được sự sáng tạo, giá trị và khó khăn cho công tác điều chỉnh sau khi thực hiện đấu thầu, đấu giá.
Về kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Dương Văn Phước đề xuất tại Điều 10, bổ sung nội dung giao thẩm quyền cho “UBND các cấp phê duyệt dự toán theo phân cấp của pháp luật về ngân sách đối với các đồ án thuộc trách nhiệm cấp mình lập” nhằm đảm bảo tính chủ động, tăng tính phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của chính quyền các cấp; đồng thời bổ sung quy định trên sẽ giao rõ kinh phí thuộc trách nhiệm của cấp lập quy hoạch, tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian thực hiện.
Về căn cứ lập quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định “lấy cơ sở pháp lý về kết quả sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch tỉnh để làm căn cứ lập quy hoạch đô thị và nông thôn”, có như vậy sau này việc triển khai sẽ phù hợp và không bị vướng trong thực tiễn.
Về quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Quốc hội cân nhắc, đánh giá thời hạn hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị là 6 tháng. Bởi đây là khoảng thời gian quá ngắn, khó thực hiện.
Hiện nay tại nhiều nơi diện tích lập quy hoạch phân khu lớn, nội dung quy hoạch phân khu đô thị rất nhiều, như việc xác định chức năng, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đối với từng ô phố theo cấp đường phân khu vực; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch; giải pháp về kiến trúc cảnh quan, đặc trưng của đô thị…, cần phải có thời gian để hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị.
Việc lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn, cần xem xét về thời gian các cơ quan, tổ chức và chuyên gia được yêu cầu cho ý kiến bằng văn bản trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định. Theo quy định hiện hành về chế độ tuần làm việc của cơ quan nhà nước là làm việc 40 giờ trong 5 ngày, nghỉ ngày thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. Do đó, phải điều chỉnh quy định là 15 ngày làm việc, không tính thứ Bảy, Chủ nhật sẽ rõ ràng và hợp lý hơn.
Đồng thời, bổ sung nội dung “Việc tổ chức lấy ý kiến ít nhất 50% đại diện hộ gia đình các khu dân cư liên quan nơi có quy hoạch và những người ở lân cận bị ảnh hưởng trực tiếp” vào Điều 36. Theo đại biểu Dương Văn Phước, khi lấy ý kiến như vậy sẽ tạo sự công bằng, dân chủ, sự đồng thuận ủng hộ chủ trương của cộng đồng dân cư nơi chịu tác động của dự án quy hoạch, tránh làm qua loa, chiếu lệ, hình thức.
Về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị nông thôn, đại biểu đề nghị đánh giá sự cần thiết của việc báo cáo HĐND hay không, vì về nguyên tắc, HĐND có chức năng giám sát đối với mọi hoạt động của UBND. Đồng thời dự thảo luật có quy định UBND phải báo cáo HĐND, nhưng có cần để HĐND thông qua hay không thì luật không quy định. Như vậy thì việc báo cáo này thực chất cũng chỉ mang tính hình thức.