(QNO) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường – Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và chuyển đổi số (CCHC&CĐS) tỉnh nhấn mạnh như vậy tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo diễn ra sáng nay 16.8. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh – Phó Trưởng ban Chỉ đạo cùng thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc dự phiên họp.
Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 01 ngày 10.3.2022 và kết luận tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, ông Trương Hồng Giang – Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC&CĐS tỉnh cho biết, trong số 32 nhiệm vụ Ban Chỉ đạo giao, UBND tỉnh đã thực hiện hoàn thành 9 nhiệm vụ, đang triển khai thực hiện và thực hiện thường xuyên 13 nhiệm vụ; còn 10 nhiệm vụ chưa thực hiện.
Theo ông Trương Hồng Giang, các sở, ngành đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng thuộc lĩnh vực chức năng, nhiệm vụ được giao. Chất lượng thực hiện công tác CCHC của các sở, ngành, địa phương được cải thiện trong bối cảnh yêu cầu quản lý nhà nước và yêu cầu phục vụ người dân, tổ chức ngày càng được nâng cao...
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Hồng Giang nhìn nhận, việc triển khai thực hiện đối với các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch công tác CCHC năm và Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC trọng tâm năm 2022 tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là công tác phối hợp. Do đó, một số nhiệm vụ được giao chưa đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo.
Việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và nền hành chính số còn chậm và chưa đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương. Việc hình thành hệ thống dữ liệu dùng chung chưa đầy đủ, gặp nhiều khó khăn; chưa kết nối, liên thông giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành, dữ liệu dùng chung giữa các tổ chức. Hiệu quả cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 cho người dân, tổ chức chưa cao.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã nghe Tổ giúp việc báo cáo phân tích về kết quả CCHC năm 2021 (PAXINDEX); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2021; Chỉ số năng lực cạnh tranh chấp tỉnh (PCI) năm 2021; kết quả thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022. Trên cơ sở đó, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận, đề xuất các giải pháp và nêu quyết tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ CCHC&CĐS trong thời gian đến.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường – Trưởng ban Chỉ đạo CCHC&CĐS thống nhất với các ý kiến thảo luận, đề xuất của thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc. Đồng thời cho rằng, chuyển động về CCHC&CĐS của Quảng Nam đang chậm hơn so với nhiều địa phương khác. Vì vậy, nếu cả hệ thống chính trị không quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong hành động thì sẽ ngày càng kéo dài khoảng cách về CCHC&CĐS với các địa phương.
Khảo sát thực tế cho thấy, các địa phương tập trung làm rất mạnh, kể cả đào tạo nhân lực và ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính cho CCHC&CĐS. Quan điểm của HĐND tỉnh là sẵn sàng ưu tiên phân bổ nguồn lực cho CCHC&CĐS của tỉnh ở thời gian tới.
Theo đồng chí Phan Việt Cường, qua các ý kiến thảo luận, phân tích cho thấy trong các hạn chế, tồn tại làm ảnh hưởng đến kết quả CCHC của tỉnh có nguyên nhân chủ quan, khách quan, song chính yếu là yếu tố con người, nhất là người đứng đầu. Kinh nghiệm cho thấy, ở địa phương, sở ngành nào người đứng đầu say mê với công tác CCHC&CĐS thì nơi đó đều có kết quả khởi sắc.
Trong thời gian đến, toàn tỉnh phải tiếp tục nâng cao nhận thức bằng việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức để nâng cao CCHC&CĐS. Lấy kết quả thực hiện CCHC&CĐS làm tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng và thi đua của năm.
Sau phiên họp này, Sở Nội vụ phối hợp tham mưu xây dựng và ban hành quy chế đánh giá việc thực hiện báo cáo, phúc đáp văn bản theo yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; trong đó, sẽ nhắc nhở lần đầu, nhưng lần thứ hai thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nếu không chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo theo thời gian ấn định.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải dành hết thời gian hành chính cho việc giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Công khai, minh bạch tiến độ giải quyêt hồ sơ, kết quả số hóa hồ sơ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Toàn tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, phải rút ngắn khoảng cách giữa việc ban hành các văn bản đến triển khai thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy, tăng cường nghe phản ánh từ người dân hàng ngày, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong CCHC.
"Sau cuộc họp này, các sở ngành nhóm lại các vấn đề tồn tại, hạn chế có liên quan; từ đó, tự soi, tự sửa theo nhóm ngành, mổ xẻ từng vấn đề để có giải pháp khắc phục và nêu quyết tâm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ CCHC&CĐS của tỉnh..." - đồng chí Phan Việt Cường lưu ý.