Từ kỷ vật, những câu chuyện được lần giở. Từ hình ảnh, những ký ức như động đậy. Khúc khải hoàn hòa bình không chỉ là những bản tráng ca. Lắng sâu cùng thời gian, là nỗi niềm của những người mẹ.
Mỗi người mẹ một câu chuyện. Và đã có hơn 3.000 câu chuyện của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng được kể bằng ký họa chân dung, qua “Hành trình nét thời gian” của họa sĩ, Anh hùng lao động Đặng Ái Việt.
“Trả hiếu” thay đồng đội
“Không ai phân công tôi đi vẽ các Mẹ Việt Nam anh hùng. Trái tim tôi phân công. Tôi sẽ vẽ chân dung các mẹ khi nào trái tim tôi còn đập”. Bắt đầu từ năm 2010 đến nay, gần 15 năm, nữ họa sĩ tuổi ngoài 70 Đặng Ái Việt đã thực hiện hơn 3.000 bức ký họa chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước, để trả món nợ ân tình.
Đã nhiều lần họa sĩ Đặng Ái Việt dừng chân ở Quảng Nam. Có quãng dừng cả chục ngày. Năm 2010, khi bắt đầu “Hành trình nét thời gian”, Quảng Nam cũng là nơi bà dừng lâu nhất với hàng chục bức họa chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng xứ Quảng ở thời điểm này.
“Mỗi lần đi qua bất kỳ nghĩa trang nào, tôi đều dừng lại. Tự thâm tâm, tôi tâm sự với các đồng chí của mình, rằng hãy yên tâm, họa sĩ đang làm việc để trả món nợ - là chữ hiếu mà khi hy sinh, các đồng chí chưa để lại cho cha mẹ mình. Tôi lưu lại hình ảnh của các mẹ, để trả cho thiên thu. Tôi dùng nghề của tôi, để tôi thay các đồng chí trả hiếu cho mẹ của mình” - họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ tại sự kiện Tâm họa tri ân (Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức hồi tháng 7/2024).
Và đó cũng là lý do để khi được hỏi về vùng đất Quảng Nam, bà nói, bà luôn dừng thật lâu ở Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, cạnh bên là Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Ở vùng đất này, dấu chân bà in ở từng ngõ xóm.
“Trên thế gian này không bà mẹ nào muốn trở thành mẹ anh hùng cả. Việc chồng con hy sinh và Nhà nước phong tặng danh hiệu, nó là một sự an ủi. Mẹ Thứ là người mẹ tiêu biểu cho sự đau đớn. Nhà mẹ Thứ có 13 liệt sĩ gồm chồng của mẹ, 9 con trai, 1 con rể, hai cháu ngoại. Hai cháu gái là con của bà Lê Thị Trị. Bà Trị vẫn còn sống, cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi đã vẽ cả hai mẹ con - mẹ Thứ, mẹ Trị” - bà Đặng Ái Việt nói.
Đã từng là người lính chiến trường, khi là phóng viên báo Phụ nữ Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, họa sĩ Đặng Ái Việt mang theo tinh thần người lính trong hành trình ký họa của mình. Không ngại gian nan, không nệ tuổi tác đường xa, bà cứ vậy, cứ đi và vẽ về những người mẹ của đồng đội hy sinh.
Kỷ vật giữ chuyện quá khứ
Quảng Nam hiện có 15.339 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến cuối năm 2024, có 345 mẹ còn sống, được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Cùng với những người mẹ, câu chuyện của phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh cũng là những bản bi hùng.
Ngày vùng đất ca khúc khải hoàn, có những người mẹ ngóng trông con. Và có những cuộc trở về chỉ bằng lá thư, hiện vật gắn cùng người hy sinh. Hàng trăm nghìn hiện vật được tìm thấy và còn tản mát đâu đó, là từng ấy câu chuyện gắn cùng người nằm xuống.
Bà Hoàng Thị Bích Hạnh - đại diện Ban Quản lý di tích và bảo tàng Quảng Nam cho biết, tại Bảo tàng Mẹ Việt Nam anh hùng (nằm trong quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng) hiện có 270 hiện vật là kỷ vật của những người mẹ, người vợ, nữ chiến sĩ từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu hoặc những kỷ vật của người chồng, người con, người thân trao gửi lại cho họ trước lúc ra trận và đã đi mãi không về. Con số này tất nhiên sẽ không dừng lại ở đó.
Tháng 4/2024, những lớp người xứ Quảng rưng rưng xúc động trước một cuộc trưng bày đặc biệt: “Kỷ vật - ký ức chiến tranh”. Hoạt động do Ban Quản lý di tích và bảo tàng Quảng Nam phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện.
Tại cuộc trưng bày này, bằng ngôn ngữ bảo tàng, đã có những câu chuyện, hình ảnh dậy niềm xúc động về thời mưa bom lửa đạn. Cũng tại sự kiện này, rất nhiều bức ký họa chân dung về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng xứ Quảng do họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện được trưng bày.
Hiện tại, không gian bảo tàng có phần lớn hiện vật được gia đình các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trao tặng. Những kỷ vật hoen màu thời gian, nhưng là phần còn hiện diện của những người con xung trận tuổi thanh niên.
Ở đó, lớp người trẻ nhìn ngắm thật lâu chiếc túi xách của liệt sĩ Phạm Hàng - con trai Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Nhiều (xã Tam Thăng, Tam Kỳ). Gia đình mẹ Nhiều gần như gom hết kỷ vật của liệt sĩ Phạm Hàng trong thời gian hoạt động cách mạng tại Ban An ninh Bắc Tam Kỳ tặng lại cho bảo tàng.
Từ hành trình tri ân của họa sĩ Đặng Ái Việt, cho đến những kỷ vật đang được lưu giữ khắp các bảo tàng lịch sử, như minh định cho một sự kết nối giữa quá khứ - hiện tại. Thước phim hòa bình luôn có những quãng lặng, để biết được sống ở ngày hôm nay là những ngày vô giá.