Người Quảng Nam

KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ THỨ (1904 - 2024)Người mẹ Quảng Nam - Tượng đài bất tử

TRƯỜNG ĐỒNG 27/07/2024 08:43

“Mẹ thoát thai từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hóa thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi nghìn đời với các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau”.

Tin 98 a
Khi là lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Đức Hải (nay là Phó Chủ tịch Quốc hội) thường đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ trong những ngày mẹ còn sống vào dịp lễ, tết, ngày 27/7. Ảnh: L.VŨ

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904 tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (nay là phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn), một vùng quê giàu truyền thống yêu nước.

Năm 18 tuổi, mẹ lập gia đình với ông Lê Tự Trị (mồ côi cả cha lẫn mẹ). Xuất thân từ gia đình đông con, nghèo khó, trong cảnh cơ hàn họ lại càng gắn kết với nhau hơn. Mẹ sinh được 12 người con, gồm 1 con gái và 11 con trai. Trong đó, 9 người con trai của mẹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Những hy sinh cao cả ấy đã dựng nên tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ…

Bám đất, bám làng

Từ kháng chiến chống thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, mặc dù địch cày xới xóm làng, ngày đêm lùng sục, gia đình mẹ vẫn vững vàng ý chí, bám đất, bám làng “một tấc không đi một ly không rời” theo cách mạng. Đêm đêm vợ chồng mẹ xay lúa, giã gạo đóng góp nuôi quân và bảo vệ 5 căn hầm bí mật trong vườn nhà.

h11.jpg
Tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” ở núi Cấm (TP.Tam Kỳ) lấy nguyên mẫu Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ.

Mẹ nuôi đàn bò hàng chục con. Hằng ngày mẹ dắt bò chăn thả trong vườn, để tới lui các căn hầm bí mật, mà bọn địch không hề hay biết. Lúc không có địch, mẹ và các con mở hé cửa hầm cho người ở dưới dễ thở, hễ có động lại giả vờ ra dắt bò, cắt cỏ để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm.

Hằng đêm, mẹ để ngọn đèn sáng bên bàn thờ làm ám hiệu an toàn cho cán bộ, du kích đi về hoạt động. Bao đêm, mẹ thao thức canh chừng nhiều cuộc họp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ ngay dưới những căn hầm bí mật trong khu vườn nhà.

Mỗi lần các anh ở dưới hầm đi lên làm nhiệm vụ trừ gian, diệt ác thì mẹ làm sẵn một thau lá rau lang giã nhỏ trộn với lọ nồi để các anh ngụy trang. Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, hàng trăm cán bộ, bộ đội, du kích được gia đình mẹ Thứ chở che, chăm sóc...

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mảnh đất Điện Bàn, Quảng Nam chìm trong khói lửa; ruộng khô, nhà cháy.

Mẹ Thứ chứng kiến địch cày xới từng góc nhà, từng mảnh vườn và mồ mả cha ông. Đôi mắt mẹ cháy lên ngọn lửa căm thù giặc từ trái tim của người dân yêu nước và ngọn lửa ấy truyền sang cho các con của mẹ.

Các anh lần lượt lên đường. Và cứ thế, ngày ngày tháng tháng, mẹ vừa nuôi giấu cán bộ, vừa mong ngóng tin con.

“Chín bát hương, chín khúc ruột tái tê…”

Chiến tranh đã cướp đi những niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất của đời mẹ. Mất mát đầu tiên của đời mẹ là ngày 18/6/1948, anh Lê Tự Xuyến người con trai thứ hai, một chiến sĩ giao liên làm nhiệm vụ bị giặc Pháp bắn, hy sinh ngay tại đầu làng.

3.tap-the.jpg
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam tổ chức đoàn dâng hoa và viếng hương tại Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (TP.Tam Kỳ) nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ và 120 năm ngày sinh mẹ Thứ. Ảnh: P.N

Nước mắt mẹ chưa vơi thì tin dữ lại đến, ngày 5/10/1948, anh Lê Tự Hàn Anh hy sinh khi làm nhiệm vụ tải thương. Mười ngày sau, ngày 15/10/1948, anh Lê Tự Hàn Em cũng hy sinh trong một trận chống càn. Chỉ trong 4 tháng, mẹ đã mất 3 người con thân yêu của mình.

Tiếp đến ngày 1/4/1954, anh Lê Tự Lem vừa tròn hai mươi tuổi, tham gia bộ đội huyện đã hy sinh trong lúc chiến đấu với giặc. Cứ thế, nấm mộ này cỏ chưa lên xanh, mẹ lại phải đắp thêm nấm mộ mới cho các con của mình. Nén nỗi đau thành ngọn lửa cách mạng, mẹ vẫn bền lòng kiên cường vượt qua mất mát, thử thách của chiến tranh.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, một nắng hai sương, mẹ lại cùng chồng tảo tần kiếm sống, chăm lo nuôi dưỡng những đứa con còn lại. Nhưng những vết thương lòng chưa nguôi thì chiến tranh tàn khốc lại ập đến ngay trên mảnh đất quê hương.

Được hun đúc trong một gia đình và quê hương có truyền thống yêu nước, cách mạng, các con của mẹ noi gương các anh đi trước, đã lần lượt lên đường tham gia đánh Mỹ và lại không một ai trở về. Mẹ đã khóc cạn nước mắt tiễn con.

Ngày 5/9/1966, anh Lê Tự Nự, đội viên du kích của xã hy sinh trên đường công tác. Ngày 14/4/1972, anh Lê Tự Mười hy sinh tại Tây Nguyên. Ngày 12/9/1972, anh Lê Tự Trịnh, du kích của xã hy sinh ngay tại làng. Ngày 28/8/1974, anh Lê Tự Thịnh - Đại đội trưởng bộ đội huyện Duy Xuyên hy sinh trong một trận công đồn.

Chỉ còn lại người con trai đầu, anh Lê Tự Chuyển, người chiến sĩ biệt động Sài Gòn, niềm hy vọng cuối cùng của mẹ Thứ trong số những đứa con đã ra đi.

Nhưng anh đã hy sinh vào đúng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, chỉ trước vài giờ khúc khải hoàn ca chiến thắng vang dậy, non sông thu về một mối. Anh ngã xuống khi nước nhà độc lập, người người nhà nhà mừng vui chiến thắng, riêng mình mẹ con tim vỡ vụn vì đớn đau.

“Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ…”

Không chỉ 9 con trai hy sinh, người con rể của mẹ Thứ là Ngô Tường tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, bị bắt năm 1956. Tuy bị tra tấn dã man nhưng ông không khai báo nửa lời; bị đánh đập đến kiệt sức, thi thể ông được chôn tại bãi cát Cẩm Hà (Hội An), được công nhận là liệt sĩ.

vnah_1.jpg
Mẹ Nguyễn Thị Thứ là biểu tượng của lòng yêu nước, sự hy sinh vô bờ bến. Hình ảnh đau thương và anh hùng của mẹ đã được nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng phác họa lên tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng”, được cả nước đồng lòng đóng góp xây dựng trên khuôn viên có diện tích 150.000m2. Ảnh: H.Đ

Cháu ngoại của mẹ là Ngô Thị Cúc và Ngô Thị Điểu tham gia cách mạng từ rất sớm. Tháng 8/1970, chị Ngô Thị Điểu bị lính Mỹ đưa lên máy bay ra tàu thủy để tra hỏi, nhưng chưa tra hỏi được gì thì chị đã qua đời. Năm 1973, chị Ngô Thị Cúc hy sinh trong một chuyến công tác vào vùng địch hậu.

Nuốt nước mắt vào trong, nỗi đau riêng của mẹ Thứ đã hòa vào nỗi đau chung của đất nước, quê hương. Nhớ thương con cháu tha thiết, mẹ vẫn nén chịu, vững vàng vượt qua.

Cội nguồn sự chịu đựng vượt lên đó, chính là lòng căm thù quân cướp nước và bè lũ bán nước, bắt nguồn từ truyền thống quê hương Điện Bàn anh dũng một người ngã xuống, nhiều người khác đứng lên.

Sau ngày quê hương giải phóng mẹ vẫn sống ở ngôi nhà xưa của ông cha để lại tại thôn Thanh Quýt để hương khói cho chồng và 9 người con trai. Mẹ Thứ trút hơi thở cuối cùng vào ngày 10/12/2010, thượng thọ 106 tuổi.

Qua hai cuộc kháng chiến, mẹ Thứ có 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

Sự đóng góp to lớn trong kháng chiến của gia đình mẹ Thứ đã được Nhà nước trao tặng Bảng vàng có công cách mạng, riêng mẹ được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Ngày 17/12/1994, mẹ Nguyễn Thị Thứ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Người con gái đầu của mẹ là Lê Thị Trị bị địch giam cầm, đánh đập, trở thành thương binh, được Đảng và Nhà nước tôn vinh Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có chồng và 2 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ là biểu tượng của lòng yêu nước, sự hy sinh to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mẹ vĩ đại không chỉ vì mẹ chịu đựng nỗi đau thầm lặng khi những người con thân yêu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc mà còn ở sự dâng hiến cao cả cho lý tưởng cách mạng của toàn dân tộc.

Hình ảnh đau thương và anh hùng của mẹ Thứ cũng làm rung động các nghệ sĩ, nhà điêu khắc, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo trong cả nước và để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị to lớn.

Mẹ là nguyên mẫu của quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được xây dựng tại núi Cấm, TP.Tam Kỳ. Đây là quần thể tượng đài vĩ đại nhất của thế kỷ 21 để lại cho muôn đời sau về tấm gương những Bà mẹ Việt Nam anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Mẹ đã đoàn tụ với chồng và các con liệt sĩ. Mẹ không còn nữa nhưng tên tuổi của mẹ vẫn mãi mãi sáng ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Những gì mẹ cống hiến cho Tổ quốc mãi là một tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ THỨ (1904 - 2024) Người mẹ Quảng Nam - Tượng đài bất tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO