Lâm nghiệp

Cây cam Vinh mở hướng chuyển đổi cây trồng ở A Tiêng

LÊ MỸ - LÊ TIẾN 31/05/2024 09:10

Mạnh dạn chuyển đổi các loại cây kém hiệu quả sang trồng cam Vinh trên đất đồi không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Răđăl Nhị (thôn Tr’lêê, xã A Tiêng, Tây Giang) mà còn thay đổi tư duy làm kinh tế vườn trong người dân địa phương.

54668606ce056e5b3714.jpg
Sau thời gian trồng và chăm sóc, vườn cam Vinh của Răđăl Nhị cho kết quả khả quan. Ảnh: M.T

Thấy việc trồng các loại keo, sắn trên đất đồi hiệu quả thấp, không thể phát triển kinh tế gia đình, anh Răđăl Nhị tìm hiểu kiến thức trồng trọt qua internet và từ các buổi tham quan mô hình kinh tế vườn trên địa bàn tỉnh. Qua đó anh Nhị nhận ra, cây cam Vinh phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, có giá trị cao, dễ chăm sóc và thị trường tiêu thụ rộng.

Năm 2018, anh Nhị đầu tư 100 gốc cam Vinh về trồng thử nghiệm trên mảnh đất đồi của gia đình. Sau thời gian ngắn, giống cam này thích nghi nhanh thổ nhưỡng, khí hậu Tây Giang nên sinh trưởng, phát triển tốt. Phấn khởi, anh Nhi tiếp tục mua 100 gốc về trồng thêm.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đến nay vườn cam rộng hơn 5.000m2 của anh Nhị đã cho thu hoạch 3 vụ. Cam quả to, ngọt đậm, vỏ ngoài đẹp, với năng suất trung bình 2-3 tấn/vụ, thương lái đã đến tận vườn thu mua với giá bình quân 18.000 - 20.000 đồng/kg.

“Trong quá trình trồng và chăm sóc cam Vinh, khoảng một tháng trước khi thu hoạch quả thì tuyệt đối không được phun bất kỳ loại thuốc nào vào cây và quả để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Sau khi thu hoạch xong phải tiến hành cắt tỉa, vệ sinh vườn cây. Cuốc rãnh vòng quanh gốc cây, phơi đất một thời gian để rễ cây mọc mô sẹo, sau đó tiến hành bón phân vào rãnh, lấp đất, rải vôi.

Cần đặc biệt chú ý việc phòng trừ sâu bệnh gây hại như sâu đục gốc, sâu vẽ bùa, nhện và côn trùng chích hút... Khi thấy cây chậm phát triển hoặc có triệu chứng lạ trên thân, lá thì tìm cách xử lý ngay” - anh Nhị chia sẻ.

Mặc dù cam Vinh được bày bán rất nhiều trên thị trường, nhưng cam vườn nhà anh Nhị luôn được người dân trong vùng ưa chuộng nhờ chất lượng tốt và an toàn.

Vụ năm nay, anh không chỉ cung cấp cam trong huyện Tây Giang mà còn mở rộng thị trường về các khu vực đồng bằng. Sau khi trừ chi phí, anh Nhị thu lãi 70 triệu đồng/năm. Đây là mô hình kinh tế vườn mang hiệu quả kinh tế cao nhất trên địa bàn xã A Tiêng.

Dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình trồng cam Vinh của anh Nhị đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nhiều hộ dân vùng cao.

Hộ nào có mong muốn đầu tư trồng cam, anh Nhị nhiệt tình hướng dẫn cách chọn giống, kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc từ cây con đến lúc thu hoạch. Từ đó, nhiều diện tích đất đồi ở thôn Tr’lêê đã được phủ xanh bằng loại cam Vinh, mang đến kỳ vọng giảm nghèo bền vững.

Ông Pơloong Acông - Chủ tịch UBND xã A Tiêng cho biết, mô hình trồng cam Vinh của anh Răđăl Nhị đang mang lại thu nhập ổn định, tạo công ăn cho 10 lao động thời vụ. Nhiều năm liền anh được các cấp tuyên dương, khen thưởng vì có đóng góp trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây cam Vinh mở hướng chuyển đổi cây trồng ở A Tiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO