Định hình lại thói quen người đọc cũng như phương cách tiếp cận tri thức mới, chỉ từ một cú chạm. Không còn là trào lưu ngắn hạn, sách số đang chứng minh mình là “người bạn đồng hành” linh hoạt, tiện lợi, nhất là với thế hệ trẻ. Cùng với cơ hội phát triển, sách điện tử đặt ra bài toán lớn về bản quyền, chất lượng nội dung và hành vi đọc trong thời đại kỹ thuật số.
Đại dịch COVID-19 đã phai nhạt dần trong ký ức nhân loại, nhưng với ngành giáo dục, những lớp học trực tuyến thời giãn cách đã mở ra kỷ nguyên số hóa, khai phóng năng lực của người dạy lẫn người học.
Từ những “lớp học ảo”
Cuối năm 2019, đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến cả thế giới hoang mang, ngơ ngác, mọi hoạt động của xã hội dần ngưng trệ, bế tắc.
Trong thời gian giãn cách để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, việc học của gần 90% học sinh, sinh viên trên toàn thế giới bị gián đoạn. May thay, những tiến bộ công nghệ đã được ứng dụng kịp thời nhằm xây dựng mạng lưới giáo dục trực tuyến, kết nối giáo viên với học sinh, sinh viên, xóa nhòa mọi khoảng cách.
Hồi tưởng về giai đoạn dạy học trực tuyến, nhiều giảng viên, giáo viên không khỏi “ám ảnh” vì những thử thách trong việc quản lý lớp học ảo.
Không còn không gian quen thuộc phấn trắng, bảng đen, các thầy cô giáo phải chật vật mày mò, thích nghi với những tính năng phức tạp của các phần mềm dạy học trực tuyến như Zoom, Google Meet, Google Classroom, Microsoft Teams…
Ngay cả chuyện điểm danh học sinh tưởng chừng như đơn giản nhưng lại trở thành một “cuộc chiến cân não” trong không gian ảo: nhiều học sinh có mặt trong danh sách online nhưng không hề học; nhiều em lại không vào lớp được do kết nối mạng không tốt.
Chưa kể, việc tương tác với học sinh gặp nhiều hạn chế khiến giáo viên áp lực và thường xuyên rơi vào cảm giác cô độc. Kiếm tra - đánh giá khi học trực tuyến cũng là bài toán khó vì mạng internet là “mảnh đất màu mỡ” cho sự sao chép, gian lận trong thi cử.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc dạy học trực tuyến những năm đại dịch đã giúp nhiều giáo viên có điều kiện cập nhật công nghệ, trở nên năng động, nhạy bén hơn trong thời đại số hóa.
“Cái khó ló cái khôn” - để duy trì tương tác với học sinh trên lớp học ảo, nhiều thầy cô biên soạn các bài tập trực tuyến, cập nhật các trò chơi dạy học, tìm kiếm các học liệu nghe - nhìn sinh động để thu hút sự chú ý của học sinh.
Kinh nghiệm từ việc dạy học thời COVID-19 cũng giúp nhiều trường học xây dựng hệ thống bài giảng E-learning phong phú, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, sinh viên và sẵn sàng cho hình thức đào tạo từ xa trong những tình huống bất khả kháng.
Cơ hội của sách giáo khoa điện tử
Dạy học trực tuyến cũng tạo cơ hội cho sách giáo khoa điện tử được “tỏa sáng”, đồng hành với giáo viên và học sinh như một phương tiện dạy học thiết yếu.
Đầu năm học 2021-2022, ngành giáo dục rơi vào thế bị động khi không thể vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa đến nhiều địa phương để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh vì diễn biến căng thẳng của đại dịch COVID-19.
Trước tình hình đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã gấp rút xây dựng trang web Hành trang số và số hóa toàn bộ sách giáo khoa, một số sách bài tập và sách giáo viên để cung cấp kho học liệu kịp thời cho việc học trực tuyến. Nhờ có sách giáo khoa điện tử, học sinh có thể đọc sách, làm bài tập, theo dõi bài giảng của thầy cô giáo dễ dàng và hoàn toàn miễn phí.
Trong các lớp học ảo, sách giáo khoa điện tử là một công cụ không thể thiếu để chia sẻ và tiếp nhận tri thức. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể chia sẻ hình ảnh của trang sách điện tử lên màn hình “bảng ảo” của lớp học, giúp học sinh có thể dễ dàng theo dõi bài học. Khi kết hợp với những tính năng hiện đại của mỗi phần mềm, giáo viên và học sinh còn có thể tương tác: gạch chân, ghi chú trên trang sách điện tử, giúp việc thảo luận, giảng dạy trở nên dễ dàng, hiệu quả.
Đặc biệt, kho sách giáo khoa trên trang web Hành trang số được phát triển dưới dạng học liệu đa phương tiện (multimedia documents) tích hợp các video, hình ảnh, âm thanh và bài tập tương tác trực tuyến giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách trực quan và sinh động hơn. Ví dụ như các bài hát trong sách giáo khoa điện tử môn Âm nhạc sẽ có biểu tượng âm thanh, chỉ cần học sinh nhấn vào biểu tượng này là nghe được giai điệu, ca từ của bài hát để hát theo.
Sách giáo khoa Tiếng Việt không chỉ tích hợp âm thanh của các từ ngữ mà còn có những đồ họa tương tác giúp học sinh nắm được cách viết các chữ cái một cách chính xác, dễ hiểu. Ngoài ra, các video minh họa tình huống giao tiếp đối với sách giáo khoa Tiếng Anh; video các thí nghiệm trong sách giáo khoa Sinh học, Hóa học… cũng giúp học sinh thoát khỏi cảnh “học chay” đầy khô khan của giáo dục truyền thống.
Là những công cụ học tập đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử còn tạo nên những trải nghiệm học tập cá nhân hóa, giúp học sinh có thể học tập theo nhu cầu và sở thích, tự lựa chọn tốc độ học phù hợp với năng lực tiếp thu của riêng mình. Nhờ có sách giáo khoa điện tử, học sinh có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, không phải mang theo quá nhiều tài liệu cồng kềnh. Kho học liệu số này sẽ tạo nên một thế hệ học sinh năng động, có năng lực chiếm lĩnh công nghệ trong thời đại của trí tuệ nhân tạo.
Số liệu thống kê từ nền tảng sách điện tử Waka cho thấy, người Việt đang có xu hướng tích cực hơn trong việc đọc.
Số thời gian đọc trung bình mỗi tuần của người Việt là 13 giờ 15 phút, vượt qua các quốc gia có truyền thống đọc mạnh như Ấn Độ (10 giờ 42 phút), Thái Lan (9 giờ 24 phút) hay Trung Quốc (8 giờ). Giới trẻ - đặc biệt nhóm tuổi 18-24 - đang dẫn đầu xu hướng này. Cụ thể, 51% người dùng Waka nằm trong độ tuổi 18-24, tiếp theo là nhóm 25-34 tuổi chiếm 39%; độ tuổi từ 35 trở lên chiếm 10%.
Theo thống kê của Waka, hiện tại 87% người dùng Waka là ở Việt Nam, nền tảng này đang mở rộng ra nhiều nơi trên thế giới như cộng đồng người Việt tại Mỹ (3%), Nhật, Hàn, Australia và Canada. Bản đồ người đọc cũng cho thấy, độc giả miền Nam chiếm 43%, miền Bắc 37% và miền Trung 20%.
Đừng để bỏ ngỏ tiềm năng
Học tập trực tuyến giúp sách giáo khoa điện tử có cơ hội đồng hành giáo viên, học sinh nhưng khi đại dịch COVID-19 qua đi, sách giáo khoa điện tử lại quay về với vị trí “bên lề” học đường.
Điều kiện cơ sở vật chất của các trường học còn hạn chế hay tình trạng nhiều học sinh chưa có điều kiện trang bị các thiết bị công nghệ khiến sách giáo khoa điện tử vẫn chưa được sử dụng tối đa trong dạy học.
Việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để đọc sách giáo khoa điện tử cũng khiến phụ huynh lo ngại về tác hại của ánh sáng xanh đối với thị lực học sinh; đồng thời kết nối mạng cũng tăng nguy cơ người học phân tán sự chú ý sang hàng loạt ứng dụng hấp dẫn khác.
Nhiều học liệu số xuất hiện trên các trang web dưới dạng PDF thô sơ, chưa tích hợp các phương tiện tương tác cũng khiến sách giáo khoa điện tử mất đi sức hút. Điều này có lẽ xuất phát từ sự thiếu kết nối giữa các đơn vị xuất bản - công nghệ: đơn vị nắm bản quyền sách thì không có khả năng tích hợp công nghệ, đơn vị phát triển công nghệ lại không có bản quyền sách để triển khai.
Muốn tăng cường vai trò của sách giáo khoa điện tử trong đổi mới giáo dục cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ: đầu tư cơ sở vật chất; kết nối các đơn vị xuất bản - công nghệ để nâng cao chất lượng sách; thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với thời đại số hóa; bồi dưỡng năng lực công nghệ cho giáo viên và học sinh…
Nhiều quốc gia đã đầu tư mạnh mẽ cho sách giáo khoa điện tử để chuẩn bị nền tảng cho việc số hóa giáo dục, chúng ta cũng không nên đứng ngoài xu hướng tất yếu của tương lai.
Sự bùng nổ của thị trường sách số kéo theo bài toán về trải nghiệm đọc chất lượng và nguy cơ bị đánh lừa bởi sách lậu, sách giả, những “bóng ma” ẩn mình trong thế giới xuất bản số.
Thị trường sách điện tử toàn cầu đạt 14,61 tỷ USD trong năm 2024 (dữ liệu của trang coolest-gadgets.com). Tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam ấn tượng với hơn 15% mỗi năm (thống kê của Alphabooks). Một cuộc cách mạng đọc đang lan rộng - lặng lẽ nhưng sâu sắc - và làm thay đổi cách con người tiếp cận tri thức.
Việt Nam - thị trường bứt tốc
Trong khi thị trường e-book toàn cầu tăng trưởng ổn định, Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng với tốc độ vượt trội. “Nếu thế giới tăng 8-10% mỗi năm thì tại Việt Nam là 15%”, bà Nguyễn Thu Hương, Phó Giám đốc kinh doanh Alphabooks chia sẻ.
Thói quen chi tiêu cho sách số cũng đang chuyển biến mạnh. Nếu năm 2016, chỉ 1/10 người đọc sẵn sàng chi hơn 100 nghìn đồng/năm cho e-book, nhưng đến 2017, con số này đã tăng gấp ba.
Tỷ lệ chi tiêu bình quân cho sách điện tử tăng từ 0,1% lên 0,17% thu nhập cá nhân, tiến gần mức trung bình toàn cầu là 0,2%. Một chỉ dấu khác cho thấy niềm tin tăng lên là thời gian quyết định mua sách số sau khi ra mắt đã rút ngắn từ 44 ngày xuống còn 36 ngày, dù vẫn còn xa so với mức trung bình 9 ngày ở các nước phát triển.
Sự phát triển không chỉ đến từ hành vi người dùng mà còn nhờ hệ sinh thái thiết bị đọc sách ngày càng phong phú. Thông tin từ Alphabooks cho biết hiện Việt Nam có hơn 300.000 người dùng máy đọc sách. Các dòng máy Kindle và Boox đang chiếm ưu thế, bên cạnh các thương hiệu Rakuten Kobo và PocketBook.
Về nội dung, nền tảng Waka dẫn đầu thị trường, phân phối hàng chục ngàn đầu sách số thuộc nhiều lĩnh vực. Ngoài ra còn có các nền tảng như Alezaa - nhà sách điện tử đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2012, cùng với anybook.vn và ybook.vn.
Đáng chú ý, không chỉ sách chữ, các định dạng nội dung số khác như sách nói (audiobook) cũng đang phát triển mạnh. Tới nay Việt Nam hiện có ba nền tảng sách nói được cấp phép: Voiz FM (2019), Fonos (2020) và MyDio (2021).
Cùng với nền tảng Voiz FM đã thu hút hơn 500.000 người dùng với hơn 2.000 đầu sách bán chạy nhất và hơn 20 triệu phút nội dung trả phí, thời gian qua ứng dụng Fonos cũng được rất nhiều người dùng ưa chuộng vì sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng trong việc thực hiện các sản phẩm sách nói, từ việc chọn nội dung sách tới chọn giọng đọc và thêm các hiệu ứng âm nhạc phù hợp.
Một cột mốc đáng chú ý gần đây là sự ra đời của ứng dụng Savi - nền tảng phân phối e-book bản quyền do Akishop và Alphabooks hợp tác phát triển.
Theo anh Nguyễn Thế Hùng, CEO Akishop, Savi giúp khắc phục “nỗi đau” của người đọc sách điện tử ở Việt Nam là khó tiếp cận sách số mới phát hành cùng thời điểm với bản in. Với Savi, sách được chuyển thẳng đến máy đọc chỉ sau chưa đầy 30 giây, cho phép mua lẻ từng cuốn hoặc đọc không giới hạn theo gói thuê bao.
Thách thức thời sách số
Sự phát triển nhanh chóng của sách điện tử tại Việt Nam đi kèm những thách thức không nhỏ, đặc biệt là vấn nạn sách giả, sách lậu lan tràn trên các nền tảng số.
Tình trạng này không riêng gì Việt Nam. Theo trang Practicalecommerce.com, Amazon, nhà bán sách lớn nhất thế giới, là “tâm điểm” của vấn nạn sách giả, bên cạnh Google và Google Play.
Theo Practicalecommerce.com, người dùng có thể phát hiện sách điện tử giả mạo qua một số dấu hiệu điển hình, chẳng hạn như sách chỉ có định dạng Kindle (không có bản in hoặc sách nói), phần mô tả sản phẩm sơ sài, thiếu đánh giá từ người dùng và không liên kết với trang tác giả. Ví dụ, khi tìm kiếm Hook Point trên Amazon, phiên bản chính chủ của Brendan Kane hiện đủ các định dạng (Kindle, sách bìa cứng, bìa mềm và sách nói), trong khi bản sao chép thường chỉ có bản Kindle đơn lẻ.
Để đối phó với nạn sách giả, nhiều đơn vị xuất bản tại Việt Nam đã chủ động hành động. Một số nhà phát hành công bố hình ảnh, video so sánh sách thật - sách giả ngay trên các nền tảng mạng xã hội nhằm cảnh báo người đọc.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, yếu tố then chốt vẫn là nâng cao nhận thức của người đọc. Chỉ khi độc giả thực sự trân trọng giá trị tri thức và công sức của người viết, thì thói quen tiêu dùng mới chuyển từ tiện lợi sang chính trực, nói không với sách lậu, sách vi phạm bản quyền.
Hướng tới tương lai, mô hình đọc đa nền tảng - từ Kindle, Boox đến Kobo - đang dần phổ biến tại Việt Nam. Ứng dụng bán e-book có bản quyền Savi đã nhắc tới ở trên không chỉ cho phép người dùng mua lẻ hoặc thuê bao trọn kho sách, mà còn tích hợp các tiện ích cá nhân hóa như thêm lời tựa, thiết kế bìa riêng hay chuyển sách đến thiết bị trong vòng 30 giây. Công nghệ đang không chỉ làm đổi mới cách đọc, mà còn định hình lại cách người Việt sở hữu và tương tác với tri thức.
Sự hợp tác giữa Alpha Books và Akishop trong việc phát triển ứng dụng Savi “đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển thị trường sách điện tử bản quyền tại Việt Nam, thúc đẩy xu hướng đọc sách điện tử có bản quyền chính thống và góp phần bảo vệ quyền lợi tác giả, nhà xuất bản.
“Sách không chỉ mở ra những trang giấy, mà còn mở ra những chiều sâu của tâm hồn”.
Ẩn sau từng con chữ là thế giới nội tâm đầy sắc thái - nơi con người đọc không chỉ để hiểu điều gì đang xảy ra. Đọc để lắng nghe những rung động sâu kín bên trong mình.
Mỗi cuốn sách là một cuộc gặp gỡ, không ồn ào mà đủ sức lay động; không áp đặt mà đủ tinh tế để khơi dậy những tầng ý nghĩa tiềm ẩn. Và nuôi dưỡng văn hóa đọc không đơn thuần là phát động phong trào, mà là gieo những hạt mầm yêu thương vào từng tâm hồn.
Ở trường, học sinh không biến việc đọc thành một nhiệm vụ. Không khẩu hiệu, không báo cáo mà thay vào đó lại chọn một cách khác: đọc để sống sâu và sống thật hơn.
Tất cả bắt đầu từ chiếc tủ sách nhỏ trong lớp - một góc rất giản dị nhưng đủ để nuôi dưỡng cả một thế giới. Mỗi bạn mang đến một cuốn sách mình yêu thích nhất, cẩn thận dán nhãn, viết vài dòng mô tả rồi đặt lên kệ.
Có hôm, nghe tụi bạn và cô giáo cùng trò chuyện say sưa về Totto-chan, Nhà giả kim, hay một tập thơ cũ của Xuân Diệu mà cô từng tặng lớp. Những cuộc trao đổi ấy không phải để “phân tích tác phẩm”, mà là khám phá những góc nhìn mới mẻ từ chính trải nghiệm đọc của mỗi người. Trong ánh mắt của bạn kể, đôi khi ai cũng bắt gặp hình ảnh chính mình: cũng từng lặng lẽ yêu một cuốn sách như thế.
Mỗi năm, Tuần lễ đọc sách lại mang một màu sắc riêng, không lặp lại theo khuôn mẫu cố định. Có khi là những đoạn video ngắn chia sẻ cảm nhận, khi khác lại là buổi thuyết trình, trưng bày poster hay kể chuyện sách theo nhóm.
Sự thay đổi ấy khơi gợi tò mò, mở ra nhiều cách tiếp cận sách mới mẻ - sáng tạo hơn, gần gũi hơn và giàu cảm xúc hơn. Nhờ đó, sách không còn là vật trưng bày - mà trở thành một phần của hơi thở học đường.
Văn hóa đọc không nhất thiết phải khởi nguồn từ những thư viện đồ sộ hay các chương trình quy mô. Nó có thể nảy mầm từ một ánh mắt tò mò, bén rễ từ trang sách đầu tiên và lan tỏa qua những chia sẻ chân thành. Chính sự say mê đọc sách một cách tự nhiên của học sinh cũng là nguồn động lực quý giá để những trang sách mãi được trân trọng và tiếp nối.
Phát triển văn hóa đọc, nếu có thể gói gọn, thì đó chính là việc tạo ra một không gian nơi học sinh được đọc - và được kể. Được là chính mình trong từng trang sách, và được kết nối với người khác qua từng câu chuyện.
Bởi suy cho cùng, những gì chúng ta đọc không chỉ để biết, mà còn để thấu hiểu - và thấu hiểu, là một dạng yêu thương rất sâu…
Hành trình đưa sách điện tử đến học sinh Quảng Nam là một nỗ lực để xóa nhòa ranh giới địa lý khi tiếp cận tri thức.
Dù vẫn còn nhiều trở ngại, nhưng nụ cười của các em khi lần đầu khám phá thư viện số đã bắc thêm một chiếc cầu chạm tới tri thức.
Những nỗ lực tiên phong
Trong vài năm gần đây, Quảng Nam đã ghi dấu ấn với các chương trình đưa sách điện tử đến học sinh, đặc biệt ở các vùng khó khăn.
Nhiều địa phương đã triển khai cung cấp tài khoản truy cập miễn phí vào thư viện số cho học sinh. Các em được tiếp cận sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện đọc và tài liệu kỹ năng sống thông qua ứng dụng trên điện thoại hoặc máy tính bảng.
Năm 2024, tại Trường THCS Lý Thường Kiệt và Tiểu học Trần Quốc Toản (TP.Tam Kỳ) chính thức vận hành 2 thư viện số tại trường học với hạ tầng công nghệ phục vụ số được trang bị như: máy in thẻ thành viên thư viện; máy in mã vạch (barcode); máy quét mã vạch; cổng check-in bạn đọc; phần mềm quản lý thư viện, 20 máy tính kết nối internet.
Các hệ thống máy tính xách tay, máy tính bảng, màn hình cảm ứng tra cứu thông tin thư viện, bảng hiển thị tương tác 86 inch. Thiết bị số hóa tài liệu cơ bản như: máy photocopy, thiết bị lưu trữ nội dung số, thiết bị truy cập nội dung intelibox (định tuyến và lưu trữ).
Các thiết bị, phần mềm đánh giá hiệu quả việc phát triển kỹ năng đọc, văn hóa đọc của học sinh, giáo viên các trường cũng được trang bị
“Con chưa bao giờ thấy nhiều sách hay như vậy. Chỉ cần vào thư viện của trường là có thể đọc truyện khoa học hoặc học thêm tiếng Anh” em Lê Thị Hồng, học sinh lớp 6 tại Trường THCS Lý Thường Kiệt chia sẻ.
Ngoài ra, một số trường học tại TP.Tam Kỳ và Hội An đã tích hợp sách điện tử vào chương trình giảng dạy. Chính các thư viện số được xây dựng trên nền tảng học trực tuyến, cho phép học sinh truy cập tài liệu mọi lúc, mọi nơi.
Cô Nguyễn Thị Hương Giang - giáo viên môn văn tại một trường THCS ở Tam Kỳ cho biết: “Sách điện tử giúp tiết kiệm chi phí mua sách giấy và khuyến khích học sinh tự học hiệu quả hơn”. Chưa kể, việc thành lập nhiều thư viện số đã giúp học sinh tiếp cận từng bước với thói quen đọc sách điện tử.
Năm 2023, Thư viện số Tam Kỳ đi vào hoạt động - là mô hình thư viện số cộng đồng đầu tiên của cả nước, được xem như bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng thành phố học tập toàn cầu.
Thách thức
Dù có nhiều tiến bộ, việc tiếp cận sách điện tử tại Quảng Nam còn gặp không ít rào cản.
Đầu tiên là vấn đề hạ tầng công nghệ. Ở các huyện miền núi, kết nối internet thường không ổn định, thậm chí một số khu vực vẫn chưa có sóng 4G. Nhiều gia đình học sinh không đủ khả năng mua điện thoại thông minh hay máy tính bảng, khiến các em phụ thuộc vào thiết bị chung tại trường học.
Cạnh đó, kỹ năng sử dụng công nghệ còn hạn chế. Nhiều học sinh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, chưa quen với việc thao tác trên ứng dụng đọc sách hoặc tìm kiếm tài liệu trực tuyến.
Một số giáo viên lớn tuổi cũng gặp khó khăn trong việc hướng dẫn học sinh sử dụng các nền tảng số, dẫn đến việc triển khai chương trình đôi khi chưa đồng bộ.
Mới đây, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn cho hơn 500 giáo viên về phổ cập ứng dụng công nghệ (AI) và chuyên đổi số trong giảng dạy.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho rằng, ngành giáo dục Quảng Nam xác định chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, sẽ là động lực trọng tâm để hiện đại hóa hệ thống giáo dục, cá nhân hóa việc học tập, cũng như phát huy tối đa năng lực của mỗi học sinh, giáo viên.
Tiếp cận sách điện tử đòi hỏi kho dữ liệu cần phong phú, đa dạng. Ông La Đình Nghĩa - Giám đốc Thư viện Quảng Nam cho biết, Thư viện tỉnh đã số hóa nguồn tài liệu, triển khai dịch vụ đăng ký mượn sách trực tuyến, gia hạn sách trực tuyến và tư vấn cho bạn đọc qua các kênh trực tuyến.
Cạnh đó, ở các xe thư viện lưu động của đơn vị này đều trang bị máy tính để các em dễ dàng thực hiện thao tác đọc sách số từ dữ liệu tích hợp.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ số cũng được đầu tư đồng bộ, đặc biệt ở các trường điểm của nhiều địa phương, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận và đọc sách điện tử.
Tiếp tục đặt ra vấn đề về bản quyền sách, việc kiểm duyệt nội dung trên một số nền tảng hiện chưa chặt chẽ, gây lo ngại về chất lượng thông tin mà học sinh tiếp cận. Đó là vấn đề nhiều phụ huynh lo ngại hiện nay, khi cho con mình tiếp cận với việc đọc sách số, học sách điện tử.
Với mong muốn phát triển phong trào đọc sách trong đoàn viên thanh thiếu nhi và cộng đồng; tạo dựng môi trường đọc thuận lợi nhất cho đoàn viên, thanh thiếu nhi, năm 2023, Tỉnh đoàn Quảng Nam ra mắt “Thư viện số thông minh” tại địa chỉ tinhdoanqnam.vn/thuvienso. Đây là mô hình thư viện thông minh có hệ thống chatbot dựa trên trí thông minh nhân tạo để hỗ trợ độc giả lựa chọn những đầu sách phù hợp.
Bên cạnh đó, Thư viện được xây dựng theo định hướng mở, độc giả có thể để lại những cảm nhận về sách cũng như chia sẻ những cuốn sách hay tâm đắc của mình với mọi người. Ngoài ra, có thể truy cập hệ thống thư viện số vệ tinh của Tỉnh đoàn để tìm hiểu hàng ngàn đầu sách bổ ích khác.
Để tối ưu hóa trải nghiệm đọc sách trong kỷ nguyên số, người dùng cần cân nhắc các yếu tố cốt lõi khi lựa chọn nền tảng đọc sách điện tử.
Đầu tiên, là tính tương thích hệ sinh thái. Một nền tảng lý tưởng cần hỗ trợ đa thiết bị, từ điện thoại, máy tính bảng đến máy đọc sách chuyên dụng. Amazon Kindle cho phép đồng bộ tiến trình đọc giữa các thiết bị khác nhau, trong khi các nền tảng nội địa như Savi hỗ trợ linh hoạt nhiều loại máy đọc như Kindle, Boox, Kobo, PocketBook, phù hợp với người dùng Việt Nam vốn đa dạng về thiết bị.
Mô hình thanh toán linh hoạt cũng là một điều kiện để lựa chọn trải nghiệm. Người đọc có thể chọn mua từng đầu sách riêng lẻ hoặc sử dụng gói thuê bao định kỳ. Các dịch vụ như Kindle Unlimited (11,99 USD/tháng), Scribd (10 USD/tháng) hay Kobo Plus cho phép truy cập không giới hạn vào hàng triệu đầu sách. Tại Việt Nam, Waka và Savi cũng triển khai mô hình thuê bao, giúp tiết kiệm chi phí cho người đọc thường xuyên.
Cạnh đó, định dạng và bản quyền số (DRM) cũng góp phần mang đến sự tiện lợi cho việc đọc sách. Sách điện tử thường đi kèm công nghệ bảo vệ bản quyền DRM, giúp bảo vệ quyền lợi tác giả nhưng giới hạn khả năng chia sẻ. Ngược lại, sách không DRM dễ sử dụng hơn nhưng tiềm ẩn rủi ro sao chép trái phép. Người dùng cần lựa chọn dựa trên ưu tiên cá nhân giữa sự tiện lợi và ý thức ủng hộ xuất bản có trách nhiệm.
Các tính năng hỗ trợ trải nghiệm như đánh dấu, ghi chú, từ điển tích hợp, đồng bộ trích đoạn hay chia sẻ trên mạng xã hội góp phần nâng cao giá trị sử dụng. Kindle nổi bật với khả năng đồng bộ phần đánh dấu (highlight) và ghi chú, còn Boox ghi điểm nhờ hỗ trợ bút cảm ứng, công cụ lý tưởng cho người đọc chuyên sâu hoặc nghiên cứu học thuật.
Chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Không nên bỏ qua yếu tố pháp lý và bảo mật. Một số nền tảng lớn như Amazon cho phép hoàn tiền trong 7 ngày nếu sách không đáp ứng kỳ vọng. Tuy nhiên, không phải nền tảng nào cũng có chính sách bảo vệ minh bạch, đặc biệt là các dịch vụ mới tại thị trường Việt Nam.
Cuối cùng, nền tảng sách điện tử được lựa chọn phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân: Kindle sở hữu kho sách khổng lồ hơn 6 triệu đầu sách với hệ sinh thái khép kín; PocketBook tái hiện trải nghiệm đọc sát với sách in nhờ công nghệ e-ink hiện đại; trong khi các nền tảng Việt như Waka, Savi lại vượt trội về nội dung tiếng Việt và hỗ trợ kỹ thuật trong nước, yếu tố đặc biệt quan trọng với người dùng đại chúng trong bối cảnh bản địa hóa đang ngày càng được đề cao.
Nội dung: HẠ NGUYÊN - KIM THOA - LÊ QUÂN - NGUYỄN LÊ PHƯƠNG ĐAN
Trình bày: MINH TẠO