Trên nhiều con đường nhỏ ở các đô thị, không khó để bắt gặp cảnh tượng quen thuộc: một chiếc bàn gỗ cũ, vài chiếc ghế nhựa dựng lên thành rào chắn, kèm theo tấm biển viết tay “Nhà có việc, xin vui lòng đi lối khác”.
Đôi khi là “Nhà có đám cưới”, có khi là “Nhà có đám tang”. Mỗi khi thấy biển báo ấy, người đi đường, dù vội đến đâu, cũng chấp nhận quay xe, rẽ hướng hoặc lặng lẽ dắt bộ.
Việc một gia đình có việc lớn cần giải quyết, dù là chuyện buồn hay vui, đều là điều cần được chia sẻ. Đám cưới là ngày hỷ sự của đời người, ai chẳng mong được mừng vui cùng bạn bè, hàng xóm. Một đám tang lại càng cần sự trang nghiêm, thanh tịnh, và xứng đáng nhận được sự thông cảm.
Tuy nhiên, sự cảm thông sẽ dừng lại khi quyền lợi của cộng đồng bị xâm phạm một cách mặc định, khi một đoạn đường chung bị chặn lại như thể đó là “chuyện đương nhiên cần được cảm thông”.
Thói quen này, có lẽ bắt đầu từ tâm lý “ai cũng từng như vậy”, và sự nhường nhịn vốn có của người Việt. Lâu dần, nó trở thành một điều được cho là hiển nhiên: nhà có đám thì có quyền “xin đường”. Nhưng cái “xin” ấy ngày càng giống một mệnh lệnh.
Không ít người từng lặng lẽ chịu đựng, không dám phản đối vì sợ bị cho là “vô tình” hay “không biết điều”, hoặc thậm chí bị chê trách là “thiếu văn hóa”. Vài trường hợp phản ứng lại thì bị soi mói với ánh nhìn không thiện cảm. Chính vì vậy, dù bức xúc, đa số vẫn chọn cách đi vòng, hoặc im lặng.
Vấn đề không phải ở đám cưới hay đám tang, mà nằm ở cách chúng ta ứng xử với cộng đồng xung quanh khi tổ chức các việc ấy. Một đoạn đường nhỏ có thể là lối đi thiết yếu của hàng trăm người - từ bà bán vé số đến xe cấp cứu, từ đứa trẻ đi học đến người lao động vội vã. Không ai có quyền, dù vì lý do chính đáng đến đâu, để tự tiện chiếm dụng không gian công cộng mà không có sự cho phép hoặc thỏa thuận.
Ở một số thành phố lớn, chính quyền địa phương đã có hướng dẫn cụ thể: nếu muốn sử dụng phần lòng đường để dựng rạp, phải đăng ký, có sự hỗ trợ của dân phòng và chỉ được thực hiện trong thời gian, khu vực nhất định. Nhưng nhiều nơi khác, quy định ấy bị bỏ ngỏ, và sự “tự xử” của các gia đình trở thành luật bất thành văn.
Giải pháp thì không thiếu. Người tổ chức đám cưới có thể dựng rạp lệch vào trong sân, hoặc chừa ra một lối cho người đi bộ. Gia đình có đám tang có thể cắt cử người hướng dẫn, tạo lối đi xen kẽ thay vì bít luôn lối đi. Quan trọng nhất là ý thức: nếu mình cần sự thông cảm, thì trước tiên hãy thể hiện sự tôn trọng.
Thành phố văn minh không chỉ hiện lên qua các công trình và hạ tầng kiện toàn, mà còn ở chỗ người dân biết cư xử có chừng mực, biết đâu là ranh giới giữa “quyền làm chủ trong nhà mình” và trách nhiệm gìn giữ không gian chung. Càng là chuyện riêng tư, như cưới xin, tang lễ, càng cần sự tế nhị trong cách hành xử.
Bởi lẽ không ai muốn niềm vui của mình trở thành gánh nặng cho người khác. Cũng chẳng ai muốn nỗi buồn của mình gây khó dễ cho cả trăm người xa lạ. Đôi khi chỉ cần nghĩ thêm một chút, chuẩn bị chu đáo hơn một chút, là đã tránh được bao nhiêu va chạm không đáng có.